Kết nối cung - cầu, nâng cao giá trị sản phẩm OCOP
Theo kế hoạch, trong năm 2024, Ninh Thuận phấn đấu có 20-30 sản phẩm mới đạt chứng nhận OCOP. Trong đó, có thêm 2-5 sản phẩm 4 sao; 1-2 sản phẩm chăn nuôi đạt chuẩn OCOP từ 3-4 sao; củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá, phân hạng; ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn...
Thời gian qua, để nâng cao giá trị sản phẩm, các chủ thể sản phẩm OCOP đã thay đổi tư duy sản xuất kinh doanh, tập trung nâng cao chất lượng, từ đó, góp phần nâng tầm giá trị sản phẩm truyền thống, đặc thù của địa phương. Điển hình như, HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Thái An, xã Vĩnh Hải (Ninh Hải) với sản phẩm nho ăn tươi NH01-152 được xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao. Đạt được kết quả đó, các hộ trồng nho của HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Thái An đã đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn, gắn với du lịch trải nghiệm để thu hút du khách, quảng bá sản phẩm, giúp tăng giá trị sản phẩm nho tươi.
Nho NH01-152 hiện được nhiều du khách ưa chuộng, bởi vừa là sản phẩm OCOP, vừa là mô hình du lịch trải nghiệm |
Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Thái An, Nguyễn Khắc Phòng cho hay, Nho NH01-152 hiện được nhiều du khách ưa chuộng. Nhất là sau khi Nho NH01-152 được chứng nhận là sản phẩm OCOP. Nhờ có sự đầu tư đúng mức, sản phẩm nho NH01-152 ngày càng có thương hiệu, mang lại giá trị kinh tế cao cho người trồng. Hiện nay, HTX đang có kế hoạch tiếp tục mở rộng diện tích trồng giống nho NH01-152 lên khoảng 20ha.
Ngoài sản phẩm nho NH01-152, HTX cũng có 7 sản phẩm khác đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao như: Nho sấy, táo sấy, mứt rau câu... Ông Phòng chia sẻ, HTX sẽ đầu tư thiết bị máy móc trong chế biến để ngày càng nâng cao giá trị các sản phẩm này. Đồng thời, tăng cường quảng bá sản phẩm qua nhiều kênh thông tin, mở rộng thị trường tiêu thụ nhằm đem lại thu nhập ổn định cho xã viên, thu hút du khách đến với làng nho Thái An ngày càng đông hơn.
Cùng với việc thay đổi tư duy trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các chủ thể OCOP, để đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng, tỉnh Ninh Thuận đẩy mạnh hoạt động quảng bá sản phẩm thông qua hội chợ thương mại, triển lãm; xây dựng điểm trưng bày, bán sản phẩm gắn với hoạt động du lịch; liên kết đưa sản phẩm OCOP vào các kênh phân phối như: siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử...
Chương trình kết nối cung cầu luôn thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp, chủ thể OCOP |
Theo ông Trương Khắc Trí, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2024, ngành Nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận tập trung triển khai hướng dẫn duy trì chất lượng, nâng hạng sao sản phẩm OCOP. Cùng đó, tập trung nguồn vốn cho vay đối với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất tham gia Chương trình OCOP; phối hợp với địa phương thực hiện việc hỗ trợ tổ chức hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu sản phẩm OCOP; xây dựng và đăng ký nhãn hiệu sản phẩm OCOP. Tiếp tục triển khai có hiệu quả về Chiến lược sở hữu trí tuệ trên địa bàn. Trong đó, ưu tiên triển khai các dự án quản lý phát triển sản phẩm đặc thù đã được bảo hộ nhằm hỗ trợ thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP của địa phương.
Để hoàn thành mục tiêu đặt ra trong năm 2024, UBND tỉnh Ninh Thuận đã đề ra 15 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Trong đó, tập trung ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nguyên liệu, dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, văn hóa, tập quán sản xuất của người dân khu vực nông thôn, góp phần phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng vùng nguyên liệu nông sản, dược liệu đặc trưng được cấp mã số vùng trồng, theo hướng sản xuất hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, tiết kiệm tài nguyên, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, duy trì cảnh quan nông thôn và bảo vệ môi trường.
Cùng với đó, chuẩn hóa quy trình, tiêu chuẩn và phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế về điều kiện sản xuất và yêu cầu thị trường. Đặc biệt, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP…
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Ninh Thuận về tăng cường đẩy mạnh hoạt động kết nối cung - cầu sản phẩm OCOP, ngày 17/4/2024, Sở Công Thương tỉnh và Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Ninh Thuận đồng chủ trì, phối hợp với Tập Đoàn Central Retail tại Việt Nam tổ chức “Chương trình Kết nối cung - cầu” giữa doanh nghiệp trên địa bàn và Tập Đoàn Central Retail Việt Nam.
Chủ thể sản phẩm OCOP mủ trôm Ninh Thuận mong muốn sớm được đưa hàng vào tiêu thụ tại hệ thống siêu thị GO!, Big C của Central Retail. |
Sự kiện kết nối cung - cầu, thu hút 42 doanh nghiệp, chủ thể OCOP tham gia, với hơn 100 sản phẩm các loại. Qua đó, tạo điều kiện để đội ngũ thu mua của Central Retail có cơ hội trực tiếp kết nối giao thương với các doanh nghiệp tỉnh Ninh Thuận, để sớm đưa hàng hóa của địa phương mà chủ yếu là hàng đặc sản, sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên vào phân phối, tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị GO!, Big C, Tops Market của Central Retail trên toàn quốc.
Tại chương trình kết nối cung cầu, cán bộ phận thu mua ở ngành hàng tiêu dùng nhanh, ngành hàng thực phẩm tươi sống của Central Retail, dưới sự hỗ trợ kết nối tích cực của Sở Công Thương và Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Ninh Thuận đã có cơ hội tìm hiểu kỹ hơn về khả năng cung ứng hàng hóa của các doanh nghiệp. Hai bên đã trao đổi về bao bì mẫu mã, về chất lượng sản phẩm… phù hợp với kênh bán lẻ hiện đại. Từ đó, giúp các doanh nghiệp của tỉnh Ninh Thuận dễ dàng hơn trong việc đưa hàng hóa vào các hệ thống phân phối của Central Retail.
Có thể nói, đây là hoạt động nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các chủ thể sản phẩm OCOP tiếp cận với các nhà phân phối, kết nối để đưa sản phẩm OCOP của tỉnh Ninh Thuận đến với người tiêu dùng nhanh và hiệu quả.