Kết nối đầu tư lĩnh vực công nghệ thông tin
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu khai mạc Diễn đàn. |
Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Pháp do UBND TP. Hà Nội giao Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch TP. Hà Nội chủ trì tổ chức, với chủ đề “Kết nối cơ hội đầu tư, kinh doanh giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp; doanh nghiệp với địa phương; địa phương với địa phương hai nước Việt Nam - Pháp”.
Cùng sự tham dự của hơn 500 đại biểu, Diễn đàn là cơ hội cho các bên trao đổi các ý tưởng, sáng kiến, giải pháp nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy hợp tác đầu tư, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, lâu dài, tin cậy; củng cố và tăng cường mối quan hệ sẵn có, đồng thời mở rộng giao lưu, hợp tác giữa các đối tác mới của các địa phương Việt Nam và Pháp.
Tham dự Diễn đàn, ông Lê Thanh Sơn, Phó Chủ tịch cấp cao/Giám đốc tài chính Tập đoàn Công nghệ CMC đã trình bày bài tham luận liên quan tới chủ đề hợp tác đầu tư trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Tham dự Diễn đàn, ông Lê Thanh Sơn, Phó Chủ tịch cấp cao/ Giám đốc tài chính Tập đoàn Công nghệ CMC đã trình bày tham luận. |
“Trong chiến lược toàn cầu hóa, chúng tôi luôn coi Pháp và Châu Âu là một trong các thị trường chiến lược trong việc phát triển kinh doanh và hợp tác quốc tế. Thông qua sư kiến này, chúng tôi mong muốn có cơ hội gặp gỡ, kết nối, tìm kiếm các cơ hội với các tổ chức, doanh nghiệp để tiếp tục thúc đẩy hoạt động phát triển của Tập đoàn. Mong muốn được hỗ trợ của Chính phủ và các tổ chức xúc tiến thương mại đầu tư của Pháp để chúng tôi có thể phát triển và hợp tác sâu rộng hơn với Pháp và Châu Âu”, ông Lê Thanh Sơn chia sẻ.
Đại diện CMC cho biết thêm, Tập đoàn đã và đang cung cấp các dịch vụ số tại Pháp và thị trường Châu âu. Năm 2009, Tập đoàn đã thành lập Công ty CMC Blue France tại Pháp cung cấp dịch vụ ITO và BPO. Năm 2018, Tập đoàn hợp tác với đối tác Approxima tai Đan Mạch với liên doanh CMC Consulting cung cấp dịch vụ tư vấn chuyển đổi số. Hiện nay, Tập đoàn đang cung cấp dịch vụ cho các khách hàng lớn tại Châu Âu như: Bosh, Mercedez Benz, Merck, Vestaire, Worldline, Capgemini…
Phát biểu khai mạc Chương trình, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền khẳng định: Hợp tác giữa các địa phương (còn gọi là hợp tác phi tập trung) Việt Nam - Pháp được đặt nền móng từ năm 1989 với việc thành lập quan hệ đối tác giữa thành phố Hà Nội và vùng Ile-de-France. Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1996 tại thành phố Lille (Pháp). Hơn 30 năm qua, hình thức hợp tác này liên tục được củng cố, phát triển và đã trở thành kiểu mẫu cho quan hệ hữu nghị, truyền thống, hợp tác giữa các cấp địa phương của hai nước.
Thông tin về tình hình kinh tế - xã hội của TP. Hà Nội trong quý I/2023, ông Nguyễn Mạnh Quyền cho biết: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước (tốc độ tăng trưởng gấp 1,7 lần cả nước); Các ngành dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp đều tăng; Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 128 nghìn tỷ đồng, bằng 40% dự toán; Chi ngân sách địa phương trên 16 nghìn tỷ đồng, đạt 15% dự toán; Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiểm soát; Tổng vốn đầu tư phát triển tăng 8,6% (cùng kỳ 7,8%, cả nước 3,7%); Vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn đạt 1,678 tỷ USD (tăng 283% so với cùng kỳ)…
Phát biểu tại chương trình, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery khẳng định sự phát triển tốt đẹp trong mối quan hệ Việt Nam - Pháp. Hai nước đã đưa mối quan hệ hợp tác vào chiều sâu trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế. Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp lần thứ 12 là dịp cho Việt Nam và Pháp tìm ra các giải pháp xây dựng, phát triển đô thị thông minh, bảo tồn di sản... Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Pháp là điểm nhấn của của Hội nghị lần thứ 12.
Ông Nicolas Warnery nhấn mạnh: "Đây là cơ hội để chúng tôi thông qua một chuỗi các sự kiện, cho người dân Việt Nam thấy được chiều sâu của mối quan hệ giữa Pháp và Việt Nam cũng như sự đa dạng trong quan hệ hợp tác song phương. Đại sứ quán Pháp mong muốn hợp tác Việt Nam - Pháp tiếp tục có những bước phát triển mới, đáp ứng các ưu tiên chung. Pháp cam kết tăng cường hợp tác với Việt Nam nhằm củng cố sự tin tưởng lẫn nhau và mở đường cho việc làm sâu sắc thêm mối quan hệ của hai nước trong tất cả các lĩnh vực".
Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Pháp là sự kiện quan trọng nằm trong khuôn khổ Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp lần thứ 12 được tổ chức từ ngày 13 - 16/4/2023 tại Hà Nội, thiết thực chào mừng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp vào năm 2023.
Hơn 500 đại biểu Việt Nam và Pháp đã tham dự Diễn đàn. |
Tại diễn đàn, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, Việt Nam và Pháp và đối tác chiến lược toàn diện trong các lĩnh vực thương mại, kinh tế và du lịch. Pháp là một trong những nước cung cấp ODA sớm nhất và dẫn đầu châu Âu về vốn cam kết, với mức vốn trung bình tăng đều qua các năm và đạt con số hơn 100 triệu Euro/năm kể từ năm 2002.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC là tập đoàn công nghệ thông tin, viễn thông hàng đầu Việt Nam, với 4 khối kinh doanh chiến lược gồm: Khối hạ tầng số, Khối công nghệ và giải pháp, Khối kinh doanh quốc tế, Khối nghiên cứu và giáo dục; cung cấp sản phẩm dịch vụ số gồm: Dịch vụ chuyển đổi số (DX/CX), Dịch vụ điện toán đám mây, Dịch vụ an ninh an toàn thông tin. Dịch vụ ITO… cung cấp dịch vụ tại thị trường Việt Nam và gần 30 quốc gia trên thế giới, bao gồm: APAC, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Mỹ, Úc…
Năm tài chính 2022 (kết thúc ngày 31/3/2023), CMC đạt doanh thu thuần 8.400 tỷ đồng, vượt 21% so với cùng kỳ, hoàn thành 100% kế hoạch năm; Lợi nhuận trước thuế đạt 500 tỷ đồng, tăng trưởng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Chiến lược phát triển của Tập đoàn Công nghệ CMC đến 2025 là trở thành tập đoàn số toàn cầu với quy mô 1 tỷ USD và trên 10.000 nhân sự.