Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp: Tháo gỡ từng nút thắt
Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp |
Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, đầu năm 2024 có 17 TCTD tham gia chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn, đăng ký một gói tín dụng trị giá hơn 509.000 tỷ đồng, đến cuối tháng 5 các TCTD đã giải ngân được hơn 217.000 tỷ đồng, đạt khoảng 40%.
Các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh không chỉ hỗ trợ tiếp cận vốn mà còn là một kênh cung cấp thông tin chính sách tiền tệ cho doanh nghiệp |
Theo ghi nhận của phóng viên, nhìn chung cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá rất cao chương trình này. Tại một hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp mới đây, đại diện Công ty thiết bị Hùng Vương (Thủ Đức) cho biết, đầu năm 2023 hoạt động doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn như thiếu đơn hàng, không có thị trường… Tuy nhiên qua tham gia Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, doanh nghiệp đã được các ngân hàng hỗ trợ về nguồn vốn, lãi suất. Mặc dù vậy trong bối cảnh dòng tiền của doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn nên doanh nghiệp mong muốn được các ngân hàng xem xét cho vay vốn lưu động với thời hạn dài hơn, chẳng hạn là 8-12 tháng thay vì 4-5 tháng như hiện tại. Doanh nghiệp cũng bày tỏ mong muốn các cơ quan, ban ngành khác có những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực như ngành Ngân hàng.
NHNN vừa có văn bản yêu cầu Giám đốc NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố, Chủ tịch Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Theo đó, Thống đốc NHNN yêu cầu NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố, thường xuyên tổ chức Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn theo chỉ đạo của NHNN. Chương trình kết nối tổ chức theo hình thức phù hợp (hội nghị, làm việc, trao đổi...) để đối thoại trực tiếp giữa ngân hàng với khách hàng; nắm bắt các khó khăn vướng mắc liên quan đến việc tiếp cận vốn vay ngân hàng để kịp thời xử lý, tháo gỡ. Đối với các TCTD, thường xuyên tổ chức Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp theo chỉ đạo của NHNN; đa dạng hóa nội dung, chuyên đề hội nghị bằng các hình thức phù hợp nhằm tăng cường hoạt động kết nối ngân hàng với doanh nghiệp, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của khách hàng có hiệu quả, thực chất; chủ động thông báo cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, NHNN và của TCTD mình cho khách hàng, tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp thường xuyên. |
Một doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu khác cũng ghi nhận việc các ngân hàng tích cực giảm lãi suất, triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi để hỗ trợ doanh nghiệp hồi phục.
Khẳng định Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp là một sáng kiến rất đáng ghi nhận của ngành Ngân hàng ra đời trong khủng hoảng kinh tế cách đây hơn 10 năm, ông Trần Việt Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, thông qua chương trình này, nhiều khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp đã được kịp thời tháo gỡ, giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng thuận lợi hơn với lãi suất tốt hơn. Không chỉ vậy, thông qua các chương trình kết nối, doanh nghiệp còn được tiếp cận với nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân hàng để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất – kinh doanh. Ông Việt Anh đề xuất ngân hàng tiếp tục có những chương trình tín dụng cho doanh nghiệp xanh, khởi nghiệp, trí tuệ nhân tạo, công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ phục vụ cho khu công nghệ cao…
Theo các chi nhánh Agribank khu vực TP. Hồ Chí Minh, thực tế có một số doanh nghiệp xuất khẩu đang gặp khó khăn do xung đột địa chính trị khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Vì thế nhiều doanh nghiệp vay vốn có thể gặp khó khăn khi đến kỳ thanh toán nên mong muốn được kéo dài thời gian vay trong bối cảnh hiện nay.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Đức Lệnh cho biết, việc cho vay vốn lưu động với thời hạn bao lâu đã được các ngân hàng tính toán phù hợp với vòng đời sản phẩm sản xuất kinh doanh của người đi vay. Nếu kéo dài thời gian cho vay vốn không đúng với chu kỳ kinh doanh, có thể “điểm rơi” dòng tiền sẽ không đúng dẫn đến sử dụng vốn sai mục đích hoặc không hiệu quả. Theo đó, các ngân hàng không muốn cho vay lệch chu kỳ do lo ngại rủi ro nợ quá hạn, không thu hồi được nợ.
Giải đáp các câu hỏi liên quan đến việc vay ngoại tệ, ông Nguyễn Đức Lệnh cho rằng, tín dụng ngoại tệ là loại hình có điều kiện, doanh nghiệp vay vốn phải đảm bảo các yêu cầu quy định, trong đó đảm bảo có nguồn thu ngoại tệ trả nợ ngân hàng cho vay.
Thông tin thêm về chính sách lãi suất, ông Lệnh cho biết, hiện mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khá mạnh. Đặc biệt lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, DNNVV, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) chỉ là 4%/năm. Tuy nhiên doanh nghiệp vay vốn ngoài đảm bảo đủ các điều kiện tín dụng, phải đảm bảo tài chính minh bạch, lành mạnh, theo các quy định tại khoản 2, Điều 13, Thông tư 39/2016/TT-NHNN. “Trong bối cảnh hiện nay, có những DNNVV kinh doanh hiệu quả, nhưng sổ sách, chứng từ báo cáo thuế, chưa rõ ràng nên các TCTD cũng không dám cho vay”, đại diện NHNN chia sẻ.
Trên thực tế thời gian qua các ngân hàng đã nỗ lực tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng liên tục tung ra các gói tín dụng ưu đãi, thậm chí có nhiều gói tín dụng được “may đo” cho từng nhóm khách hàng khác nhau.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, ngân hàng chỉ là trung gian tài chính, nguồn vốn để cho vay được hình thành chủ yếu từ nguồn tiền gửi của người dân và các tổ chức kinh tế. Chính vì vậy, mục tiêu hàng đầu của các ngân hàng là phải đảm bảo an toàn của đồng vốn khi cho vay. Bởi vậy, các ngân hàng có thể giảm lãi suất, nhưng không thể hạ chuẩn tín dụng.