Khách du lịch tăng đột biến những ngày đầu năm mới
Lượng khách tăng đột biến
Miền Trung luôn tập hợp những điểm đến du lịch hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Dịp Tết này, ước tính tổng lượng khách tham quan, du lịch đến TP Đà Nẵng đạt khoảng 227.000 lượt, trong đó phần lớn là khách nội địa, khách quốc tế chủ yếu là Hàn Quốc, Ấn Độ và các nước Đông Nam Á. Không chỉ thu hút du khách thuộc phân khúc thăm quan, mua sắm, những năm gần đây, Đà Nẵng còn được nhiều du khách ưa thích tìm tòi khám phá cảnh quan thiên nhiên, văn hóa con người ưa chuộng.
Theo thông tin từ Sở Du lịch TP. Đà Nẵng, trong tuần đầu tiên của Tết Nguyên đán Quý Mão (tức từ ngày 30 tháng Chạp đến ngày mùng 7 tháng Giêng âm lịch), Đà Nẵng đã đón gần 293.900 lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, du lịch trong dịp Tết, tăng gấp hơn 8 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Đặc biệt, Tết năm nay lần đầu tiên Đà Nẵng đón đoàn khách Ấn Độ đến tổ chức đám cưới vào đầu năm mới, đây là những tín hiệu vui khởi sắc cho thành phố với kỳ vọng trong năm 2023, du lịch Đà Nẵng sẽ thực sự cất cánh mạnh mẽ.
Thống kê của Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng cho thấy, trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, đã có hơn 1.500 chuyến bay cất cánh và hạ cánh tại sân bay quốc tế Đà Nẵng. Trong đó, có khoảng 768 chuyến bay đến thành phố với hơn 98.000 lượt khách. Gồm 444 chuyến bay nội địa ước khoảng 57.000 lượt khách, tần suất trung bình 64 chuyến/ngày (ngày cao nhất đạt 67 chuyến bay); 324 chuyến bay quốc tế mang khoảng hơn 42.000 lượt khách quốc tến đến với thành phố Đà Nẵng, tần suất trung bình 46 chuyến/ngày.
Các đơn vị lữ hành cho biết, lượng khách đi du lịch theo tour trong dịp Tết Âm lịch tăng mạnh hơn dịp Tết Dương lịch vừa rồi. Công suất buồng phòng tại các cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố ở phân khúc 4 - 5 sao đạt khoảng 50 - 55%, chủ yếu là khách quốc tế chiếm 60-70%; các khách sạn 3 sao trở xuống chủ yếu đón các nhóm khách lẻ.
Còn theo Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, uớc tính từ ngày 28 tháng Chạp đến mùng 8 tháng Giêng năm Quý Mão, có khoảng 95.000 lượt khách đến Huế tham quan, du lịch, doanh thu ước đạt 150 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng du khách đến địa phương này trong dịp Tết Nguyên đán tăng đột biến, du lịch địa phương đang trên đà khởi sắc.
Cụ thể, tổng lượt khách lưu trú tại các cơ sở trên địa bàn ước đạt 50.800 lượt khách (tăng 150% so với năm 2022); trong đó khách quốc tế ước đạt 21.600 lượt (tăng đột biến 3.500% so với năm 2022) và khách nội địa ước 29.200 lượt. Doanh thu từ lưu trú và dịch vụ liên quan ước đạt khoảng 106 tỷ đồng. Từ ngày 19 - 25/1, tỉnh đã đón 401 chuyến bay đến với tổng số hành khách là 44.963 người; 125 đoàn tàu đến và đi qua ga Huế, vận chuyển 14.145 khách. Riêng ở các khu di sản Huế, số lượng khách 3 ngày gồm 30 Tết, mùng 1 và mùng 2 Tết ước khoảng hơn 30.000 lượt khách, trong đó gần 7.000 khách quốc tế.
Trong dịp Tết, Hà Nội đã đón hơn 330.000 lượt du khách, trong đó có 32.000 lượt khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng hơn 1.000 tỷ đồng. Báo cáo của Sở Du lịch Hà Nội, công suất phòng trung bình tại các khách sạn từ 1 đến 5 sao trên địa bàn ước đạt 40%. Lượng khách lưu trú chủ yếu đến từ các nước Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Canada, Pháp. Trong số 300.000 khách nội địa, phần lớn là người dân Thủ đô đi du Xuân đầu năm. Các điểm đến thu hút lượng lớn du khách đến với Thủ đô vẫn là Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chùa Hương, Hoàng Thành Thăng Long, khu di tích Cổ Loa, Làng cổ Đường Lâm - Thành cổ Sơn Tây...
Sở Du lịch Ninh Bình cho hay, dịp nghỉ Tết Nguyên đán 2023 (từ 20 - 26.1, tức 29 đến mùng 5 tết) đã có gần 400.000 lượt khách du lịch đổ về các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Trong gần 400.000 du khách có gần 30.000 lượt khách quốc tế, còn lại là khách du lịch trong nước. Tổng doanh thu toàn ngành du lịch tỉnh dịp nghỉ Tết ước đạt hơn 550 tỉ đồng. Gần 400.000 lượt du khách trong kỳ nghỉ Tết là con số kỷ lục mà ngành du lịch Ninh Bình có được trong nhiều năm qua. Du khách đổ về đông khiến một số khu, điểm du lịch trong những thời điểm nhất định xảy ra hiện tượng quá tải, tắc đường...
Đại diện Tổng cục Du lịch cho biết, trong tháng 1/2023, ngành du lịch Việt Nam đã đón 13 triệu lượt khách nội địa và 871.000 lượt khách quốc tế; doanh thu du lịch lữ hành tháng 1/2023 ước đạt 2.200 tỷ đồng, tăng 113,4% so với cùng kỳ năm trước. Một số địa phương có doanh thu tăng mạnh như: Hải Phòng tăng 541,5%; Đà Nẵng tăng 387,1%; Tiền Giang tăng 380,2%; Lào Cai tăng 196,3%; Hà Nội tăng 113,8%; TP Hồ Chí Minh tăng 98,7%...
Cầu Vàng - Đà Nẵng- một địa điểm thu hút khách du lịch |
Triển vọng sáng
Những tín hiệu vui ngay từ tháng đầu năm đã mở ra những triển vọng sáng sủa cho du lịch Việt Nam trong năm 2023. Các chuyên gia du lịch trên thế giới dự báo năm 2023 chứng kiến sự tăng trưởng mạnh về nhu cầu đi du lịch quốc tế. Du lịch Việt Nam sẽ không nằm ngoài xu thế này. Vì vậy, Tổng cục Du lịch dự báo năm 2023 hứa hẹn có nhiều bứt phá cả về số lượng khách và doanh thu.
Thời gian tới, thành phố Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh hoạt động truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch, như tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch, các điểm đến, các sản phẩm du lịch mới của Thủ đô trên các kênh CNN quốc tế, các kênh truyền thông quốc tế, trang website, các nền tảng mạng xã hội (Youtube, Facebook…) và các hình thức tuyên truyền quảng bá phù hợp để tạo sức lan tỏa lớn và thu hút khách đến Hà Nội với thông điệp xuyên suốt "Hà Nội - Đến để yêu" và "Hà Nội - Điểm đến du lịch an toàn, hấp dẫn".
Đồng thời phối hợp với các đại sứ quán, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tham gia, tổ chức các chương trình xúc tiến, quảng bá sản phẩm tại các thị trường trọng điểm; thực hiện tích cực các chương trình quảng bá du lịch đối ứng. Thành phố cũng đặt trọng tâm phát triển du lịch bền vững, cơ cấu lại ngành du lịch cả về hạ tầng du lịch, môi trường du lịch, doanh nghiệp du lịch và sản phẩm du lịch để khai thác có hiệu quả các giá trị vật thể và phi vật thể nhằm phát triển du lịch Thủ đô thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh cho biết, năm 2023, ngành du lịch thành phố tập trung triển khai Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030 với 4 mục tiêu chính: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; phát huy tối đa lợi thế, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch; nâng cấp chất lượng các điểm đến và các chương trình du lịch hiện có; phát triển các sản phẩm du lịch chủ lực của thành phố gắn với văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực cùng các loại hình du lịch đường thủy, du lịch cộng đồng, du lịch y tế, du lịch kết hợp hội nghị (MICE)...
Bên cạnh đó, ngành du lịch của thành phố sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tiến tới hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh gắn kết các chủ thể từ khách du lịch, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và cơ quan quản lý. Cùng với đó, triển khai có hiệu quả các chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành...
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, kết quả khả quan của ngành du lịch ngay từ những tháng đầu năm đến từ việc nhiều địa phương đã chủ động kết hợp cùng các hãng hàng không, doanh nghiệp lữ hành tổ chức hàng loạt sự kiện thu hút khách quốc tế. Bên cạnh đó, các hãng lữ hành đã xây dựng nhiều sản phẩm du lịch phục vụ Tết Nguyên đán, trên cơ sở tập trung làm nổi bật ưu thế vùng miền, liên kết các điểm đến, đa dạng hóa dịch vụ, trải nghiệm, qua đó mang đến nhiều sự lựa chọn cho du khách.
Để quảng bá du lịch Việt Nam tới thị trường quốc tế, năm 2023 Tổng cục Du lịch cùng các cơ quan liên quan sẽ tích cực tiến hành công tác xúc tiến quảng bá như tham gia các sự kiện quốc tế về du lịch ASEAN, hội chợ quốc tế tại London (Anh), Berlin (Đức)… truyền thông, quảng bá trên các kênh truyền thông lớn.