Khai mạc Phiên trọng thể Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam. |
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự Đại hội.
Cùng dự Đại hội có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Minh Hưng; Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường…
Tham dự Đại hội còn có Phó Chủ tịch nước và các Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội; các lão thành cách mạng; nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể, các tỉnh, thành ủy; đại diện lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty; Chủ tịch, nguyên Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam qua các thời kỳ...
Đại hội đầu tiên cụ thể hóa Chiến lược phát triển Công đoàn Việt Nam đến 2030, tầm nhìn 2045
Đồng chí Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, nhiệm kỳ 2018-2023, các cấp công đoàn, nhất là Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đã chủ động, tích cực đổi mới và nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến NLĐ và hoạt động công đoàn; phát hiện, đề xuất nhiều kiến nghị, góp ý xây dựng pháp luật để chăm lo, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của NLĐ. Công tác nghiên cứu, điều tra, khảo sát, phát hiện vấn đề, lấy ý kiến để tổng hợp, tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung kịp thời chính sách, pháp luật được thực hiện bài bản, khoa học. Hoạt động thông tin, tuyên truyền, tiếp xúc, đối thoại trong xây dựng chính sách, pháp luật được coi trọng. Trên cơ sở nghiên cứu, tham mưu của Đảng đoàn Tổng Liên đoàn, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12-6-2021 về "Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới". Nghị quyết là cơ sở quan trọng định hướng phát triển tổ chức Công đoàn Việt Nam đến năm 2025, 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
1.100 đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng và trí tuệ của hơn 11 triệu đoàn viên công đoàn cả nước về dự đại hội. |
Cùng với đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tham mưu đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 4-11-2020 sửa đổi Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 12-5-2017 phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”, phối hợp với các cơ quan, địa phương, đơn vị tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh việc triển khai xây dựng thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; tích cực nghiên cứu, tham gia đề xuất Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn về phát triển nhà ở dành cho công nhân, lao động, trực tiếp là Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
Các cấp công đoàn tích cực đề xuất với cấp ủy, tham gia với chính quyền, cơ quan chuyên môn cùng cấp trong xây dựng cơ chế, chính sách, quy định, nội quy, quy chế thuộc ngành, địa phương, đơn vị và doanh nghiệp, khẳng định vai trò của tổ chức công đoàn trong đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ. Phân công cán bộ bám sát cơ sở, thường xuyên lắng nghe, ghi nhận tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, NLĐ, xây dựng đội ngũ công nhân nòng cốt tại các doanh nghiệp, thiết lập các kênh thông tin đa chiều từ cơ sở, tăng cường hoạt động đối thoại ở nhiều cấp, phát hiện sớm và giải quyết kịp thời các tranh chấp hoặc nguy cơ tranh chấp lao động, góp phần giảm 55,3% số cuộc ngừng việc tập thể so với nhiệm kỳ 2013-2018. Hoạt động thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể trong các doanh nghiệp, đơn vị, nhất là doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước được chú trọng, có nhiều đổi mới, đạt kết quả quan trọng.
Hưởng ứng lời kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phong trào thi đua “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19” do Thủ tướng Chính phủ phát động, tổ chức công đoàn triển khai Phong trào “Công nhân, viên chức, lao động nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”, cụ thể hóa bằng Chương trình “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển” và Chương trình “Một triệu sáng kiến, nỗ lực vượt khó, sáng tạo quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” với nhiều đổi mới về cách thức, biện pháp thực hiện, nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin, thu hút đông đảo đoàn viên, NLĐ trực tiếp tham gia, đã thể hiện vai trò của tổ chức công đoàn, đóng góp tích cực trong việc phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Thực hiện Nghị quyết của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam về việc hỗ trợ đoàn viên, NLĐ bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng đến hết năm 2023, các cấp công đoàn đã chi hỗ trợ cho gần 82.000 đoàn viên, NLĐ đủ điều kiện với tổng số tiền hỗ trợ là hơn 114 tỷ đồng; dự kiến sẽ có hơn 90.000 đoàn viên, NLĐ tiếp tục được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ với tổng số tiền khoảng 145 tỷ đồng.
Công tác phát triển đoàn viên công đoàn, thành lập công đoàn cơ sở được tập trung, triển khai bằng nhiều giải pháp mới, đạt kết quả quan trọng. Trong 5 năm qua, đã kết nạp mới 4.460.933 đoàn viên; thành lập 24.320 công đoàn cơ sở. Từ năm 2018 đến nay, các công đoàn cơ sở đã giới thiệu cho Đảng được hơn 700.000 đoàn viên ưu tú, có hơn 400.000 đoàn viên được đứng vào hàng ngũ của Đảng.
Các phong trào thi đua yêu nước do công đoàn phát động ngày càng thu hút đông đảo cán bộ, đoàn viên, NLĐ tham gia, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn và phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” tiếp tục phát huy vai trò, nòng cốt trong các phong trào thi đua của tổ chức công đoàn, được các cấp công đoàn cụ thể hóa sát với thực tiễn trong tình hình mới. Giai đoạn 2018-2023, đã có 2.889.318 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, giải pháp mới mang lại giá trị làm lợi 163.724 tỷ đồng, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tặng thưởng 5.233 bằng Lao động sáng tạo. Phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo, hiệu quả trong hoạt động của tổ chức công đoàn” được phát động cùng với việc ban hành “Giải thưởng Nguyễn Văn Linh” đã tạo động lực thúc đẩy đội ngũ cán bộ công đoàn cả nước phát huy trí tuệ, sức sáng tạo và sự tâm huyết, đóng góp cho sự lớn mạnh của tổ chức công đoàn.
Đoàn Công đoàn Ngân hàng Việt Nam dự Đại hội XIII do Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú làm trưởng đoàn |
Đại hội chuyển hướng mạnh mẽ về nhiệm vụ trọng tâm hoạt động công đoàn
Đồng chí Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh, thời gian tới, hòa bình, hợp tác, liên kết và phát triển vẫn là xu thế lớn nhưng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn sẽ diễn ra phức tạp, gay gắt hơn; cục diện đa cực, đa trung tâm ngày càng rõ nét; nguy cơ xung đột vũ trang, sắc tộc, tôn giáo; đối đầu giữa các quốc gia tạo thách thức rất lớn đối với nước ta. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục phát triển nhưng gặp nhiều trở ngại, thách thức. Hậu quả của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế thế giới, đời sống, việc làm của NLĐ còn kéo dài. Các mối đe dọa an ninh phi truyền thống tiếp tục gia tăng và ngày càng phức tạp.
Trong nước, Đảng và Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa do Đảng lãnh đạo tiếp tục được hoàn thiện; công nghiệp hóa, hiện đại hóa được đẩy mạnh trên nền tảng của tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, nền kinh tế còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Các thế lực thù địch tiếp tục tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước, Công đoàn và đất nước ta. Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ số và trí tuệ nhân tạo phát triển nhanh, đột phá, tác động sâu rộng và đa chiều, tạo sự thay đổi lớn về lao động, việc làm và quan hệ lao động, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, việc làm, thu nhập của NLĐ...
Cùng với đó, đất nước ta thực hiện các cam kết khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có việc phê chuẩn, thực thi đầy đủ các công ước cơ bản của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), sự xuất hiện tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp đặt ra những yêu cầu mới đối với hoạt động công đoàn.
Đại hội Công đoàn các cấp và Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, là đại hội đầu tiên cụ thể hóa Chiến lược phát triển Công đoàn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết số 02 ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”. Tinh thần chủ động, sáng tạo, trách nhiệm với đất nước, với đoàn viên, người lao động được thống nhất trong đại hội công đoàn cấp tỉnh, thành phố, công đoàn ngành và trong các nội dung trình Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhằm tạo ra thế và lực mới của Công đoàn Việt Nam.
Với tinh thần “Đổi mới - Dân chủ - Đoàn kết - Phát triển”, Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam là Đại hội chuyển hướng mạnh mẽ về nhiệm vụ trọng tâm hoạt động công đoàn, đột phá trong công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, tiếp tục bồi đắp các giá trị văn hóa của tổ chức Công đoàn để hướng tới 100 năm Công đoàn Việt Nam.
Những quyết định của Đại hội thể hiện ý chí và nguyện vọng của đội ngũ đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động cả nước, của các cấp công đoàn, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.