Khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu dân cư
Thời gian gần đây, việc ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử vào dịch vụ ngân hàng đã mang đến nhiều lợi ích cho khách hàng và mở ra cơ hội để ngành Ngân hàng có điều kiện đẩy mạnh chuyển đổi số.
Nguồn thông tin tốt của ngân hàng
Với nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó ngân hàng được xác định là ngành cần ưu tiên chuyển đổi số trước. Song song với đó, ứng dụng dữ liệu dân cư trong hoạt động nghiệp vụ ngân hàng là một trong những nhiệm vụ của Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030 ban hành theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 06). Chính vì vậy, việc ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử trong hoạt động ngân hàng số đang được triển khai rất tích cực.
Ngay sau khi Đề án 06 được ban hành, NHNN đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện và thành lập Tổ công tác để phối hợp với Bộ Công an triển khai quyết liệt. Qua đó, NHNN đã hoàn thành triển khai hệ thống dịch vụ công đảm bảo kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; bước đầu phối hợp, triển khai tiến tới kết nối cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác phòng, chống rửa tiền. Đối với kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để thúc đẩy các hoạt động của TCTD trên kênh số, NHNN đã chỉ đạo các TCTD phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06 - Bộ Công an) nghiên cứu triển khai các giải pháp xác thực khách hàng qua thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip, ứng dụng phần mềm định danh điện tử quốc gia (VNeID) và kết nối khai thác cơ sở dữ liệu ứng dụng trong một số nghiệp vụ của NHTM…
Đơn cử, từ giữa năm 2022, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã triển khai thành công ứng dụng CCCD gắn chip trong các giao dịch ngân hàng tại khu vực tự phục vụ (ATM) cũng như giao dịch tại quầy. Bằng việc ứng dụng giải pháp xác thực MoC (Matching on Card) để đọc và xác thực dữ liệu từ CCCD gắn chip với dữ liệu thông tin của khách hàng tại ngân hàng, khách hàng chỉ mất chưa đến 2 phút để thực hiện một giao dịch rút tiền mặt từ nguồn thẻ ghi nợ nội địa của khách hàng tại điểm giao dịch ATM của Vietcombank. Ngoài ra, hệ thống máy ATM chấp nhận rút tiền bằng CCCD gắn chip được tích hợp công nghệ xác thực CCCD chính chủ qua sinh trắc khuôn mặt và/hoặc vân tay khách hàng trước khi cấp phép thực hiện giao dịch, từ đó giảm thiểu tối đa rủi ro giả mạo hoặc lộ thông tin PIN thẻ.
Tương tự, là một trong số những ngân hàng phối hợp với C06 triển khai thử nghiệm giải pháp ứng dụng xác thực người dân qua thẻ CCCD gắn chíp trong dịch vụ số, bà Nguyễn Thị Quỳnh Giao, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chia sẻ, việc ứng dụng thẻ CCCD gắn chíp trong các giao dịch số đã hỗ trợ các ngân hàng rất nhiều trong việc xác thực khách hàng, giảm thời gian tác nghiệp và loại bỏ được các rủi ro giả mạo, sai sót trong quá trình giao dịch với khách hàng so với kiểm tra, đối chiếu chứng minh thư thông thường.
Và thực tế là kể từ khi chính thức triển khai ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử vào các dịch vụ số, ngành Ngân hàng đã nhận được nhiều phản hồi tích cực. Anh Tạ Xuân Trường (TP. Vũng Tàu) cho biết, các công nghệ hiện đại của ngân hàng đã giúp anh dễ dàng mở tài khoản định danh điện tử (eKYC) trong thời gian ngắn. Với thao tác đơn giản, anh có thể thực hiện các giao dịch tài chính như chuyển khoản trong và ngoài hệ thống; nạp tiền điện thoại, thẻ dịch vụ; thanh toán hóa đơn, các loại thẻ; mở hoặc tất toán tài khoản tiết kiệm trực tuyến, thanh toán các dịch vụ công trực tuyến như y tế, giao thông…
Cần hoàn thiện và cập nhật dữ liệu
Tuy nhiên, theo Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng, Cục trưởng C06 chia sẻ, việc ứng dụng thẻ CCCD gắn chip điện tử trong dịch vụ ngân hàng vẫn là khá mới tại Việt Nam nên gặp không ít khó khăn cả về mặt pháp lý và kỹ thuật. Cụ thể như hệ thống hạ tầng và phần mềm của các ngân hàng đôi khi còn bất cập và phải điều chỉnh từng bước; hay giai đoạn đầu triển khai cũng vấp phải không ít những nghi ngại về đảm bảo an ninh, an toàn thông tin…
Mặt khác, dù đã đi vào hoạt động nhưng cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia vẫn chưa được hoàn thiện ở tất cả các tỉnh, thành trên cả nước. Hiện vẫn còn 3 tỉnh là Bắc Kạn, Gia Lai, Phú Yên chưa đủ điều kiện để kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hơn nữa, một số chuyên gia còn bày tỏ lo lắng, các dữ liệu phát sinh hàng ngày (như cải chính hộ tịch, nơi cư trú, thay đổi tình trạng hôn nhân...) hiện chưa được cập nhật thường xuyên. Điều này cũng gây khó khăn cho các TCTD trong quá trình xác minh, đối chiếu thông tin khách hàng khi cung cấp các dịch vụ số.
Về vấn đề này, chuyên gia tài chính - ngân hàng TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh, việc sớm hoàn thiện cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia giúp cho tiến trình phát triển tài chính số, ngân hàng số, thanh toán không tiền mặt được thúc đẩy nhanh hơn, thuận lợi hơn và tăng hiệu quả trong chia sẻ thông tin, dữ liệu; phát triển hệ sinh thái số, đánh giá khách hàng…
Đáng chú ý, nhiều ngân hàng đang trong “cuộc đua” đưa dịch vụ cho vay lên môi trường số. Với hình thức này, tất cả hoặc một số bước trong quy trình vay từ đăng ký, tư vấn, làm hồ sơ, ký hợp đồng, giải ngân… sẽ được diễn ra trực tuyến hoàn toàn, khách hàng và ngân hàng sẽ không cần gặp mặt trực tiếp. Theo các chuyên gia, quy trình này sẽ càng trở nên nhanh chóng, thuận tiện hơn khi kết hợp với thông tin tín dụng đã được làm sạch trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Với vai trò là đơn vị trực tiếp xây dựng và triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng cho biết, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục phát triển và hoàn thiện phần mềm VneID; quản trị, vận hành, cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đảm bảo an ninh, an toàn thông tin luôn “đúng, đủ, sạch, sống”; hướng tới tích hợp thêm nhiều tiện ích phục vụ nhu cầu trong đời sống, nâng cao chất lượng sống cho người dân, góp phần tạo dựng xã hội số, công dân số.