Khai thác hiệu quả dư địa chính sách tài khoá
TS. Cấn Văn Lực |
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động mạnh đến nền kinh tế, các nước đồng loạt đưa ra các gói hỗ trợ thông qua chính sách tài khóa và tiền tệ. Việt Nam cũng không ngoại lệ. Hiện Chính phủ đang xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế năm 2022-2023 để sớm phục hồi tăng trưởng kinh tế. Phóng viên đã phỏng vấn TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia xoay quanh vấn đề này.
Ông đánh giá thế nào về các gói hỗ trợ của Việt Nam đã triển khai từ khi đại dịch Covid - 19 xảy ra đến nay?
Theo số liệu của IMF và tổng hợp của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, tính từ đầu năm 2020 đến nay, tổng các gói hỗ trợ của Việt Nam đạt khoảng 231 nghìn tỷ đồng (gần 3% GDP năm 2020 đã điều chỉnh). Kết quả này thể hiện nỗ lực rất lớn, sự quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ, sự phối hợp giữa chính sách tài khóa (CSTK), chính sách tiền tệ (CSTT) và sự đồng lòng, tinh thần chia sẻ, hỗ trợ của cộng đồng vừa đảm bảo sức khỏe người dân vừa tạo nền tảng quan trọng cho phục hồi, phát triển kinh tế. Sự kết hợp, lồng ghép các chính sách, gói hỗ trợ được thực hiện linh hoạt dù chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam và được quốc tế ghi nhận.
Đầu tiên có thể kể đến sự kết hợp giữa hỗ trợ tài khóa và tiền tệ gián tiếp và hỗ trợ tiền mặt trực tiếp, bước đầu đem lại hiệu quả tích cực, kịp thời ổn định đời sống và hỗ trợ phục hồi kinh tế. Mặt bằng lãi suất thấp tạo điều kiện cho tăng trưởng tín dụng và huy động trái phiếu Chính phủ (TPCP) với chi phí rẻ, thời hạn dài. Việc tăng vay nợ trong nước với kỳ hạn dài, lãi suất thấp góp phần giảm phụ thuộc vào vốn nước ngoài, giảm áp lực trả nợ cho ngân sách.
Bên cạnh đó, việc lạm phát ở mức thấp nhất trong vòng 6 năm trong năm 2021 khoảng 2,2-2,4% vừa là kết quả của việc kiểm soát cung tiền, phối hợp CSTK và CSTT, vừa tạo dư địa mở rộng CSTK và CSTT trong trung hạn, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi nhanh hơn…
Tuy nhiên, việc triển khai hỗ trợ tài khóa còn một số hạn chế, thách thức. Đó là các gói hỗ trợ tài khóa chưa đủ lớn và rộng. Tổng các gói hỗ trợ của Việt Nam còn khiêm tốn và việc thực hiện các gói hỗ trợ còn chậm; tỷ lệ hỗ trợ tiền mặt nhất là đối với lao động tự do còn thấp. Doanh nghiệp ở một số lĩnh vực như vận tải, du lịch, giáo dục - đào tạo, bán lẻ và DNNVV còn rất khó khăn…
Bên cạnh đó, việc tồn dư nguồn vốn đầu tư công lớn do tiến độ giải ngân đầu tư công chậm, gây lãng phí phần nào do phải trả lãi suất TPCP. Một vấn đề lớn nữa đặt ra kinh tế thế giới nói chung, các nước mới nổi và Việt Nam nói riêng đang đứng trước thách thức lớn tung ra các gói hỗ trợ nhiều, tín dụng tăng, nợ xấu tiềm ẩn tăng, áp lực lạm phát tăng.
Trong khi ngân sách còn hạn hẹp và nền kinh tế có dấu hiệu “lỡ nhịp”, “tụt hậu” trong quá trình phục hồi. Vì thế bài toán phối hợp và tối ưu chính sách là rất quan trọng.
Bài toán phối hợp và tối ưu chính sách là rất quan trọng |
Theo ông trong giai đoạn tới cần tập trung khai thác dư địa chính sách thế nào để tạo sức bật cho nền kinh tế?
Theo tôi, dư địa CSTT không còn nhiều trong điều kiện ưu tiên đảm bảo ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đảm bảo an toàn, bền vững hệ thống TCTD; lãi suất đã ở mức thấp trong vòng 20 năm. Trong khi đó, áp lực lạm phát toàn cầu gia tăng, nợ xấu gia tăng. Dự báo nợ xấu nội bảng của các TCTD khoảng trên 2% cuối năm 2021 và 2,3-2,5% năm 2022, nợ xấu gộp có thể tăng cao tới 7,1-7,7%, đặc biệt là nửa cuối năm 2022 khi mà các quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư 14 hết hiệu lực.
Tuy nhiên, ngành Ngân hàng có thể mở rộng có chọn lọc tín dụng, tăng khoảng 12-13% năm 2021 và 13-14% năm 2022-2023, trong đó bao gồm cả tín dụng từ gói hỗ trợ lãi suất. Ngoài ra, ngân hàng tiếp tục tiết giảm chi phí, chấp nhận giảm chênh lệch lãi suất để tiếp tục giảm thêm lãi suất hỗ trợ người dân, doanh nghiệp như đã cam kết, đồng thuận.
So với CSTT, dư địa mở rộng CSTK còn khá lớn và có phần thuận lợi hơn nhờ thâm hụt ngân sách và nợ công được kiểm soát tốt giai đoạn trước, hiện vẫn trong tầm kiểm soát và thấp hơn các nước trong khu vực. Cơ hội tăng vay nợ trong nước qua phát hành TPCP với lãi suất thấp, rủi ro thấp, tạo dư địa gia tăng chi tiêu ngân sách cho phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế. Bên cạnh đó, các gói hỗ trợ khác như an sinh xã hội, gói hỗ trợ tiền điện, nước, viễn thông… vẫn còn dư địa triển khai tiếp trong năm 2022 do tỷ lệ thực hiện còn thấp và độ rộng, độ bao phủ còn tương đối hạn chế.
Ông có khuyến nghị gì về triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế năm 2022-2023?
Tôi cho rằng, trước tiên cần tham khảo kinh nghiệm của quốc tế trong việc thiết kế và triển khai chính sách, gói hỗ trợ tài khóa. Trong đó, chúng ta cần chấp nhận nợ công tăng, thâm hụt ngân sách tăng và tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp trong tầm kiểm soát. Với tiềm lực, dư địa tài khóa và tiền tệ hiện nay, Việt Nam hoàn toàn có thể tăng chi ngân sách ở mức độ hợp lý và từ năm 2024 có thể quay lại quỹ đạo, kiểm soát những cán cân này lành mạnh hơn khi kinh tế phục hồi vững chắc. Song giai đoạn tới nên tập trung nhiều vào hỗ trợ tiền mặt, giảm chi phí, bảo lãnh tín dụng, cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất hơn là giãn hoãn thuế, nghĩa vụ trả nợ.
Đặc biệt sự phối hợp hiệu quả giữa CSTK với CSTT và các chính sách vĩ mô khác là yếu tố quan trọng để đảm bảo triển khai chương trình phục hồi nền kinh tế đạt hiệu quả cao. Nhưng trước hết cần xác định mục tiêu rõ ràng và thống nhất trong quá trình phối hợp CSTK và CSTT lúc này là đẩy nhanh phục hồi, tăng trưởng ổn định và lạm phát vừa phải kiểm soát rủi ro hệ thống tài chính.
Theo tôi, CSTT nên điều hành theo hướng linh hoạt, nhưng không hoàn toàn nới lỏng, ưu tiên hỗ trợ phục hồi song vẫn đảm bảo kiểm soát lạm phát. Còn phía CSTK theo hướng mở rộng thận trọng, vừa hỗ trợ tăng trưởng vừa vẫn đảm bảo kiểm soát lạm phát.
Việc triển khai gói hỗ trợ tài khóa và hỗ trợ khác là một cấu phần quan trọng trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nhưng phải chú trọng hiệu quả, kịp thời ở khâu thực thi. Đơn cử, về gói hỗ trợ tài khóa, ngoài việc tiếp tục giảm một số loại thuế, phí như đã thực hiện năm 2021, cần xem xét một số chính sách giảm thuế giá trị gia tăng khoảng 1-2% nhằm thúc đẩy tiêu dùng trong nước trong năm 2022.
Ngoài ra, xem xét gói tín dụng hỗ trợ lãi suất thấp hơn khoảng 2-3% so với lãi suất thị trường với điều kiện tiếp cận là các đối tượng đủ điều kiện tín dụng hoặc các đối tượng không đủ điều kiện tín dụng nhưng có khả năng phục hồi. Song cần lưu ý đây không phải là hạ mức chuẩn tín dụng.
Giai đoạn tới cũng nên cân nhắc hỗ trợ một phần chi phí đầu vào cho doanh nghiệp như giảm phí bảo hiểm xã hội, phí công đoàn, hỗ trợ chi phí xét nghiệm, chi phí “3 tại chỗ”; đầu tư nâng cao năng lực y tế…
Tổng các gói hỗ trợ này tôi ước tính khoảng 400.000 tỷ đồng, ước thực chi khoảng 240.000 tỷ đồng khoảng 3% GDP.
Xin cảm ơn ông!
(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ)