Khánh Hòa đẩy mạnh đầu tư công để tạo đột phá
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, năm 2024, tỉnh được Chính phủ giao kế hoạch vốn hơn 8.269 tỷ đồng; đến 30/6/2024, UBND tỉnh Khánh Hòa đã phân bổ kế hoạch vốn được 7.133,7 tỷ đồng, còn lại 1.135,4 tỷ đồng chưa phân bổ. Tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn năm 2024 của Khánh Hòa so với kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao cũng đạt 20%. So với kế hoạch vốn được UBND tỉnh Khánh Hòa giao thực tế (không tính nguồn trái phiếu chính quyền địa phương), tỷ lệ giải ngân đạt 22,3%; không tính vốn bố trí cho 2 dự án quan trọng quốc gia thì tỷ lệ giải ngân đạt 33,2%. So với tỷ lệ trung bình của cả nước (29,39%), tỉnh Khánh Hòa hiện có 20 đơn vị có mức giải ngân cao hơn và 18 đơn vị có mức giải ngân thấp hơn mức trung bình.
Mặc dù có rất nhiều nỗ lực, song tỷ lệ giải ngân của một số đơn vị vẫn chưa đạt theo yêu cầu. Nguyên nhân do nguồn vốn trái phiếu chính quyền địa phương không phát hành được. Trước khó khăn này, tỉnh Khánh Hòa đang đề xuất điều chỉnh giảm tỷ lệ này.
Khánh Hòa sẽ ưu tiên bố trí phù hợp các nguồn lực từ ngân sách nhà nước để dẫn dắt và thúc đẩy thu hút các nguồn lực ngoài nhà nước cho đầu tư phát triển |
Cùng với đó, thủ tục đầu tư như lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế dự toán... lựa chọn nhà thầu chậm đã ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân của dự án. Việc thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng hiện nay còn gặp vướng mắc do công tác xác định giá đất cụ thể để tính bồi thường, hỗ trợ tái định cư ở cấp huyện triển khai rất chậm. Nguồn nhân lực cấp huyện bố trí thực hiện công tác bồi thường tại các huyện, thị xã, thành phố còn ít so với nhu cầu giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án ngày càng tăng của các địa phương.
Theo ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, chính quyền địa phương xác định giải ngân vốn đầu tư công chính là động lực cho sự phát triển. Để thực hiện mục tiêu đến năm 2030 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, UBND tỉnh Khánh Hòa xác định mỗi năm địa phương phải giải ngân vốn đầu tư công từ 7.000 đến 10.000 tỷ đồng. Trong đó, tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.
Đặc biệt, chú trọng phát triển hệ thống giao thông vận tải đồng bộ, hiện đại; hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số; làm cơ sở để phát huy vai trò là trung tâm kinh tế biển, kết nối vùng.
Thực tế cho thấy, những năm qua, địa phương này đã tập trung thi công nhiều công trình hạ tầng giao thông quan trọng. Đơn cử như đường bộ cao tốc, cảng cá động lực, đường liên vùng. Đến nay, đường bộ cao tốc đoạn Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo đã hoàn thành; đoạn Vân Phong - Nha Trang sẽ hoàn thành vào tháng 6/2025.
Qua rà soát, hiện địa phương này có 11 dự án đầu tư công được giao kế hoạch vốn lớn, dự án trọng điểm gặp khó khăn, vướng mắc liên quan đến thủ tục đầu tư và công tác xác định giá đất thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng.
Hiện Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu UBND tỉnh Khánh Hòa tiếp tục phân bổ hết nguồn vốn còn lại của năm 2024. Đồng thời, tiếp tục rà soát, điều chuyển vốn của các dự án không có khả năng giải ngân để bố trí cho các chương trình, đề án, dự án có nhu cầu bố trí kế hoạch vốn trong năm 2024.
Từ nay đến năm 2030, UBND tỉnh Khánh Hòa sẽ ưu tiên bố trí phù hợp các nguồn lực từ ngân sách nhà nước để dẫn dắt và thúc đẩy thu hút các nguồn lực ngoài nhà nước cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng trên địa bàn. Trong đó, có các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Chính phủ cũng nghiên cứu giao cho tỉnh Khánh Hòa thẩm quyền triển khai một số dự án hạ tầng giao thông và hạ tầng khác bảo đảm chất lượng, tiến độ theo quy định. Vì vậy, nguồn vốn đầu tư công được giao của tỉnh Khánh Hòa năm sau luôn cao hơn năm trước. Năm 2022, Thủ tướng Chính phủ giao vốn cho tỉnh hơn 3.919 tỷ đồng; năm 2023 giao 7.014 tỷ đồng; năm 2024 gần 8.269 tỷ đồng. Trong các năm tiếp theo, số vốn đầu tư công dự kiến sẽ còn cao hơn nữa.
Theo ông Trần Hòa Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, đầu tư công có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như thực hiện các mục tiêu Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị đã đề ra. Xác định được tầm quan trọng của việc giải ngân vốn đầu tư công, từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh đã tăng cường tổ chức nhiều cuộc họp nghe các chủ đầu tư báo cáo tình hình, tiến độ giải ngân các dự án để đôn đốc và kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các chủ đầu tư, nhất là đối với công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Thời gian tới, Khánh Hòa sẽ tiếp tục phân bổ hết nguồn vốn còn lại chưa phân bổ của năm 2024; rà soát, điều chỉnh giảm kế hoạch vốn năm 2024 của các dự án không có khả năng thực hiện, không giải ngân hết kế hoạch vốn để bố trí cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt và có nhu cầu bổ sung kế hoạch vốn trong năm 2024.
Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch đầu tư công năm 2024, mới đây, Tỉnh ủy Khánh Hòa đã yêu cầu các huyện ủy, thị ủy, thành ủy tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong việc đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư công của Trung ương, của tỉnh, cấp huyện. Các huyện, thị xã, thành phố nghiên cứu thành lập Ban Chỉ đạo công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cấp huyện; đồng thời đôn đốc đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn phân cấp cho cấp huyện và nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn.
Đồng thời, UBND tỉnh Khánh Hòa tiếp tục tập trung chỉ đạo quyết liệt đối với công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; nghiên cứu phương án điều động, bổ sung nhân sự có chuyên môn thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cho UBND các huyện, thị xã, thành phố để khắc phục tình trạng thiếu nhân lực theo đề xuất, kiến nghị của UBND cấp huyện…