Khi cung - cầu vốn gặp nhau, dòng tiền chảy đúng chỗ
Nối lại cung - cầu vốn, tiếp sức phục hồi doanh nghiệp Tìm giải pháp để cung - cầu tín dụng gặp nhau |
Tình trạng này đã đẩy các doanh nghiệp chế biến thủy sản và doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ lâm sản vào hoàn cảnh rất khó khăn. Hàng tồn kho cao khiến phần lớn doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng, có những doanh nghiệp đã phải ngừng hoạt động, thậm chí phá sản. Kéo theo đó, việc giảm thu mua tôm, cá nguyên liệu đã khiến người nuôi tôm, nuôi cá tra thua lỗ. Để hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lâm, thủy sản vượt qua khó khăn, NHNN đã chỉ đạo các TCTD triển khai chương trình tín dụng quy mô 15.000 tỷ đồng dành cho lĩnh vực lâm, thủy sản (cao hơn 5.000 tỷ đồng theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ). Thời gian triển khai đến hết ngày 30/6/2024; lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam, thấp hơn tối thiểu từ 1-2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn.
Gói tín dụng 15.000 tỷ đồng với lãi suất thấp sẽ giúp các doanh nghiệp chế biến thủy sản vượt qua khó khăn hiện nay |
Ngay sau chỉ đạo của NHNN, 12 NHTM đã đăng ký tham gia gói tín dụng. Là ngân hàng đi đầu trong đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, Agribank cam kết cho vay 3.000 tỷ đồng (chiếm tới 1/5 quy mô vốn của chương trình này), Phó Tổng giám đốc Agribank Phùng Thị Bình cho biết, từ đầu năm đến nay giá trị xuất khẩu của 2 lĩnh vực trên đã giảm 28-29% so với cùng kỳ năm ngoái. Do vậy rất cần sự hỗ trợ của ngân hàng để các doanh nghiệp có điều kiện thu mua tích trữ, sẵn sàng nguyên liệu để đẩy mạnh xuất khẩu khi thị trường tiêu thụ hồi phục. Đồng thời việc ngân hàng cấp vốn cho doanh nghiệp cũng hỗ trợ bà con đảm bảo ổn định đầu ra sản phẩm. "Khi bà con nuôi trồng đến thời hạn thu hoạch chỉ có doanh nghiệp mới có điều kiện để thu mua quy mô lớn, bảo quản, tích trữ được sản phẩm", bà Bình chia sẻ thêm.
Gói tín dụng quy mô 15.000 tỷ đồng dành cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản được cộng đồng doanh nghiệp đón nhận rất tích cực và được đánh giá là liều thuốc trợ lực kịp thời giúp doanh nghiệp thủy sản thoát khó giữ được bạn hàng, nếu không có nguy cơ mất thị trường. Bởi doanh nghiệp Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh lớn từ các nước đối thủ xuất khẩu với giá bán rẻ hơn.
Ông Vũ Đức Huân - Giám đốc CTCP HTC cho biết, gói tín dụng 15.000 tỷ đồng sẽ giúp giải quyết tốt bài toán nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong hai ngành này. Theo chia sẻ của ông Huân, hiện tại giá tôm xuất khẩu Ấn Độ rẻ hơn 15% so với giá tôm Việt Nam. Vì vậy, thời gian qua các khách hàng chọn tôm của Ấn Độ để giảm giá thành. Do đó, khi doanh nghiệp vay vốn lãi suất thấp hơn, giá thành sản xuất sẽ giảm đi giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh với tôm của các nước đối thủ, tháo gỡ khó khăn xuất khẩu hàng hoá cho doanh nghiệp.
Không chỉ giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh, việc được tiếp cận vốn mới giúp các doanh nghiệp kịp thời có nguồn vốn xoay vòng. Lãnh đạo một doanh nghiệp về thực phẩm cho biết, bước sang năm 2023, khi giá tôm giảm mạnh các doanh nghiệp tranh thủ đẩy mạnh mua dự trữ, nhưng kinh tế toàn cầu khó khăn, các đơn hàng xuất khẩu bị sụt giảm mạnh vốn lại nằm trong hàng tồn kho. Trong khi hạn mức tín dụng phần lớn đã được sử dụng hết khiến doanh nghiệp càng thêm bí bách trong việc xoay vòng vốn. Việc cấp thêm vốn tín dụng với lãi suất thấp hơn 1-2%/năm so với mức lãi suất cho vay cùng kỳ hạn trong giai đoạn này là hết sức cần thiết. "Trong hoàn cảnh hiện nay nhiều doanh nghiệp đành phải chấp nhận lỗ khi chọn giải pháp bán rẻ hàng hóa để tìm cơ may quay vòng vốn. Cho nên đối với doanh nghiệp được vay vốn là tốt rồi, chưa kể được vay với lãi suất thấp hơn 1-2%/năm lại càng quý giá và ý nghĩa hơn. Có thể khẳng định, gói hỗ trợ này rất kịp thời, giúp doanh nghiệp qua cơn bĩ cực, có vốn xoay xở thu mua tôm của người nuôi, hạn chế tình trạng bán tháo tôm giá rẻ, giảm thiệt hại…", một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu thủy sản ở tỉnh Cà Mau bày tỏ.
Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam đánh giá, các giải pháp của NHNN và Chính phủ vào thời điểm này sẽ giúp các ngành hàng duy trì được chuỗi cung ứng và tận dụng được cơ hội tốt hơn vào cuối năm khi thị trường tiêu thụ hồi phục.
Gói tín dụng 15.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi dành cho lĩnh vực lâm, thủy sản được kỳ vọng thúc đẩy tín dụng tăng trưởng tích cực hơn trong thời gian tới. Ông Kosaburo Kimura - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Mãi Tín Bình Định cho biết, doanh nghiệp này cần vay vốn để đầu tư thêm hệ thống cấp đông băng chuyền, cấp đông nhanh. Việc ngân hàng giảm lãi suất giúp doanh nghiệp mạnh dạn vay vốn hơn. Tương tự như Công ty Mãi Tín Bình Định, nhiều doanh nghiệp thủy sản kỳ vọng sự phục hồi thị trường và đang lên lại kế hoạch sản xuất, thu mua nguyên liệu để sẵn sàng cho các đơn hàng mới.
Có thể nói, ngành Ngân hàng đã và đang triển khai rất nhiều giải pháp để hỗ trợ người dân, cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp lĩnh vực lâm, thủy sản. Đến thời điểm này, theo như chia sẻ của bà Phùng Thị Bình lãi suất cho vay đồng VND đối với lĩnh vực này tương đương với lãi suất cho vay bằng USD.
Về dư địa giảm thêm lãi suất, giới chuyên môn cho rằng, ngân hàng có thể giảm tiếp. Thế nhưng, để giảm lãi suất cho vay, điều kiện tiên quyết là ngân hàng phải giảm lãi suất huy động. Trong khi hiện lãi suất huy động đang về mức rất thấp sau 4 lần giảm lãi suất điều hành của NHNN nên dư địa giảm lãi suất huy động rất hạn hẹp. Bởi nếu lãi suất huy động thấp dòng tiền có thể từ ngân hàng chảy sang các lĩnh vực đầu tư kinh doanh khác như chứng khoán, bất động sản… và sẽ lại xuất hiện bong bóng tài sản, gây rủi ro cho nền kinh tế. Chính vì vậy, bên cạnh nỗ lực giảm lãi suất và các giải pháp khác của ngành Ngân hàng đã và đang triển khai, cần phải có thêm giải pháp khác từ các bộ, ngành, để cùng tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp... Khi cung - cầu vốn gặp nhau, dòng tiền rẻ mới chảy đúng chỗ, mới thẩm thấu vào nền kinh tế và có thể mang lại hiệu quả như mong đợi.