Khi nào thị trường chứng khoán sẽ tích cực trở lại?
Kết quả kinh doanh của các DN niêm yết giúp TTCK tích cực trở lại |
TS. Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Têt. Hà Nội, cho biết trong 9 tháng đầu năm 2023 đã có 21.100 DN mới được thành lập với số vốn so với cùng kỳ của năm 2022 tăng gần 10%. Trong làn sóng đầu tư của DN FDI, chúng ta cũng thu hút được 16,4 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm. Một tín hiệu tích cực khác là trong 9 tháng đầu năm, chỉ số về dịch vụ, về tiêu dùng tăng 16%.
Việt Nam đang là một trong những quốc gia đứng đầu Đông Nam Á có sự tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế. Các ngành nghề, lĩnh vực gặp khó khăn trong các quý trước thì đến quý III/2023 đã có sự phục hồi nhẹ. Ngành đang dẫn đầu xu hướng gồm điện, công nghiệp nặng, công nghiệp bán dẫn, công nghệ thông tin, dệt may, da giày, dược phẩm, nông nghiệp công nghệ cao, kể cả những ngành nghề lâm nghiệp, thủy sản. Đây là những ngành đóng góp tích cực trong đà xuất khẩu trong quý III/2023.
“Thời điểm quý IV/2023 là vô cùng quan trọng. Chúng tôi mong muốn được giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% và kéo dài đến tháng 6/2024. Về lãi suất, chúng ta đã có sự điều chỉnh giảm nhưng cần xem xét điều kiện đi kèm để giúp DN tiếp cận dễ dàng hơn. Đối với Quỹ hỗ trợ DN nhỏ và vừa, cần giải ngân vốn nhanh hơn, quyết liệt hơn để các DN có thể tiếp cận được nguồn quỹ này. Bên cạnh đó, chúng tôi mong muốn có thể kết nối được các DN FDI với các DN nhỏ và vừa để tạo thành chuỗi giá trị cung ứng ở trong nội địa, cũng như tìm ra được rất nhiều các hạt nhân của nền kinh tế. Chúng ta cũng nên có một chính sách ưu tiên cho những cánh chim đầu đàn, bởi vì chỉ có họ mới đủ năng lực, khả năng để có thể đi ra những thương trường quốc tế, qua đó kéo về những đơn hàng lớn về cho thị trường nội địa của Việt Nam, khi đó những DN nhỏ và vừa, DN làng nghề, hộ kinh doanh, DN khởi nghiệp cũng được hưởng lợi theo”, TS. Mạc Quốc Anh trao đổi trong Talk show Phố Tài chính trên VTV8.
Bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Trung tâm Phân tích, Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt, thì cho rằng tăng trưởng kinh tế quý III đạt 5,3%, cao hơn mức tăng 3,3% của quý I và 4,1% của quý II/2023, tuy nhiên mức độ hồi phục chưa mạnh và có sự phân hóa giữa các ngành nghề.
Cụ thể, trong cấu phần tăng trưởng kinh tế quý III, sự phục hồi đến từ khu vực sản xuất công nghiệp, chế biến chế tạo. Trong đó, đóng góp của khu vực FDI và xuất khẩu vào khu vực này tương đối lớn; đồng thời ghi nhận sự đảo chiều trong tăng trưởng từ âm sang dương của nhóm xuất khẩu như sản phẩm điện tử, máy vi tính, dệt may, kim loại….
“Chúng tôi cũng nhận thấy đà tăng trưởng cải thiện ở nhóm sản xuất, chế biến thực phẩm, hoá chất… Ở chiều ngược lại, ngành bất động sản vẫn tăng trưởng âm và chưa phục hồi. Đối với các ngành xuất khẩu trọng yếu như điện tử, da giày, dệt may mặc dù tăng trưởng trở lại nhưng chúng tôi cho rằng mức tăng vẫn tương đối thấp khi so với kết quả tăng của các ngành này trong quá khứ. Trong cùng tương quan với kết quả tăng trưởng kinh tế chung, chúng tôi ước tính sơ bộ về kết quả kinh doanh quý III của các DN niêm yết cũng cho thấy sự phục hồi còn khá yếu và có sự phân hóa. Ngoài ra, chỉ một số ít ngành duy trì được tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ và so với quý II vừa qua như công nghệ, dược phẩm, thép, và dầu khí”, bà Lam nói
Cũng theo bà Lam, quý cuối năm thị trường thế giới sẽ có những chuyển biến tích cực nhất định khi lượng hàng tồn kho cũ được các đối tác nước ngoài giảm bớt, nhu cầu được xoay vòng trở lại thì DN nên thực hiện các chiến lược bán hàng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. Ngoài ra, đa dạng hóa thị trường, phát triển thị trường ngách, nâng cấp chất lượng và dịch vụ là một giải pháp cần liên tục triển khai trong bối cảnh kinh tế nhiều bất định như hiện nay.
Việc đầu tư đổi mới công nghệ là điều cần thiết, thời điểm hiện tại nên tận dụng cơ hội lãi suất giảm để đầu tư. Trong kịch bản cơ sở, ước tính nội bộ của Hiệp hội đối với khoảng 54 DN niêm yết đầu ngành trong từng lĩnh vực kinh doanh, thì tăng trưởng lợi nhuận nửa cuối năm 2023 sẽ cao hơn mức tăng trưởng nửa đầu năm khoảng 11%, trong đó, trọng số tăng trưởng chủ yếu sẽ rơi vào quý IV/2023.
Với kỳ vọng trọng số tăng trưởng kinh tế sẽ rơi vào quý IV như vậy, và với VN-Index hiện tại P/E dự phóng đến cuối năm 2023 sẽ khoảng 13 - 14 lần, đây là mức hấp dẫn trong dài hạn.
“Chúng tôi kỳ vọng chúng ta sẽ không đảo chiều chính sách tiền tệ và thay vào đó sẽ duy trì chính sách tiền tệ mở rộng có kiểm soát. Đồng thời với đó, các hoạt động kinh tế sôi động trở lại cũng sẽ giúp cho vòng quay tiền bắt đầu có sự cải thiện trong quý IV. Như vậy thị trường chứng khoán vẫn sẽ là nơi đầu tiên được hưởng lợi và đặc biệt khi mức định giá của thị trường sau nhịp điều chỉnh vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 đang trở lại vùng đầu tư hấp dẫn nếu nhìn dài hạn”, bà Lam cho hay.