Khi xã hội hóa giáo dục bị biến tướng
Có thể nhận thấy, xã hội hóa giáo dục là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn của Đảng, Nhà nước qua đó mang lại một môi trường học tập đầy đủ, tiện nghi hơn cho các em học sinh. Thế nhưng những năm gần đây, chủ trương này đang có những “biến hóa” hết sức phức tạp thành “lạm thu”, “lạm chi”, gây nhiều bức xúc và phản ứng của dư luận, mà đỉnh điểm của nó là đề xuất xóa bỏ hội phụ huynh mới đây.
Đã đến lúc các cơ quan chức năng mạnh tay hơn để xã hội hóa giáo dục trở về với nguyên nghĩa của nó |
Sở dĩ có đề xuất này là bởi ở nhiều ngôi trường ngoài những khoản thu “bắt buộc” như học phí, bảo hiểm… thì phần “tự nguyện” đều được “đẩy” sang hội phụ huynh “thỏa thuận”. Và thế là bao nhiêu phần xã hội hóa đều được hội phụ huynh đứng ra “thu hộ” nhà trường một cách hợp lý nào là nước rửa tay, điều hòa, máy chiếu, rèm cửa, sổ liên lạc điện tử… từ đó tạo ra gánh nặng “đóng góp” cho các gia đình có con theo học.
Anh Trần Văn An (Bắc Giang) chia sẻ: theo Điều 12, Luật Giáo dục 2005 quy định về “Xã hội hóa sự nghiệp giáo dục” thì, "Phát triển giáo dục, xây dựng xã hội học tập là sự nghiệp của Nhà nước và của toàn dân. Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong phát triển sự nghiệp giáo dục; thực hiện đa dạng hóa các loại hình trường và các hình thức giáo dục; khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tham gia phát triển sự nghiệp giáo dục. Mọi tổ chức, gia đình và công dân có trách nhiệm chăm lo sự nghiệp giáo dục, phối hợp với nhà trường thực hiện mục tiêu giáo dục, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh và an toàn".
Luật đã quy định rõ ràng như thế song các trường mới chỉ làm được phần “khuyến khích, và huy động” còn việc tạo điều kiện cùng tham gia vào sự nghiệp giáo dục thì gần như không ai làm. Chính vì chỉ chú trọng vào “huy động” nên xã hội hóa giáo dục đang bị biến tướng. Để tránh biến tướng này, cách tốt nhất là quy định rõ ràng hơn, phần nào được “huy động” và phần lấy từ ngân sách.
Theo đánh giá của các chuyên gia giáo dục, sự tham gia của các thành phần ngoài Nhà nước không chỉ đơn thuần ở khía cạnh đóng góp tài chính mà phải ở toàn bộ nội dung và phương thức giáo dục. Tuy nhiên, thật đáng thất vọng là điều này đang bị hiểu sai và bóp méo. Chính việc hiểu sai bản chất đã dẫn đến “xã hội hóa giáo dục” bị biến tướng.
Nhiều nơi kêu gọi phụ huynh xã hội hóa từ tiền tưới cây, thuê bảo vệ, quét rác, xây bể bơi, mua máy điều hòa đến… cái chổi quét lớp. Nguyên tắc tự nguyện bị lấp liếm dưới vỏ bọc hội phụ huynh, như thế là trái luật. Xã hội hóa không chỉ là thu tiền. Những cơ sở cung cấp dịch vụ giáo dục, nếu nhân danh xã hội hóa giáo dục để lạm thu thì đó là sự mạo danh. Và hệ quả của việc hiểu sai, cố tình hiểu sai hoặc bóp méo bản chất tích cực của xã hội hóa giáo dục đã biến một chủ trương đúng đắn thành gánh nặng cho người dân.
Chị Lê Thu Hà (Hà Nội) thẳng thắn, đã đến lúc ngành giáo dục cần yêu cầu các trường thu - chi công khai, xã hội hóa minh bạch. Các tổ chức xã hội cần tham gia trực tiếp vào việc giám sát thu - chi tại các cơ sở giáo dục. Bên cạnh đó, hội phụ huynh phải hoạt động thật sự có hiệu quả trên nhiều phương diện đừng tự biến mình thành cái “máy thu” cho nhà trường thao túng.
Thực tế cho thấy, nếu hoạt động hiệu quả, hội phụ huynh sẽ là cánh tay nối dài tạo vòng tròn khép kín giáo dục từ trường học đến gia đình. Bên cạnh đó, những trường hợp học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (cha mẹ mất cả, nhà đông anh em…) hội phụ huynh sẽ có những kêu gọi hỗ trợ hết sức thiết thực cho các em - điều mà nhà trường và cô giáo có thể không đủ sức bao quát và làm được tốt. Ngoài ra, hội phụ huynh cũng có thể tổ chức những buổi giao lưu, dã ngoại nâng cao kỹ năng sống cho các em, điều này nhiều hội phụ huynh chưa làm được.
Theo GS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội thì ban đại diện cha mẹ học sinh ngoài nhiệm vụ phối hợp với nhà trường giáo dục học sinh còn giám sát các hoạt động của nhà trường. Nhưng có một số nơi, người ta dùng ban đại diện cha mẹ học sinh như cánh tay nối dài của hiệu trưởng để thu tiền là không đúng đắn, phải chấn chỉnh.
Có thể thấy, từ một chủ trương xã hội hóa giáo dục hết sức đúng đắn của Đảng và Nhà nước đã bị cố tình “hiểu nhầm” và biến tướng trở thành lạm thu, lạm chi hết sức phức tạp và làm “ô nhiễm” bầu không khí giáo dục, làm vẩn đục môi trường giáo dục vốn cần phải duy trì sự trong sáng, lành mạnh. Đã đến lúc Bộ Giáo dục - Đào tạo và các cơ quan chức năng mạnh tay hơn để xã hội hóa giáo dục trở về với nguyên nghĩa của nó, trả lại môi trường trong sáng cho giáo dục. Ở đó thày chỉ dạy học và trò là người học, không còn lạm thu hay lạm chi nữa, tất cả phải rõ ràng mạch lạc như những con chữ mà các thầy cô đang giảng dạy cho các thế hệ trẻ thơ.