Khó xốc lại các quỹ bảo lãnh tín dụng
Yếu và không hiệu quả
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính đến thời điểm hiện nay cả nước có khoảng trên 750.000 DNNVV đang hoạt động; hầu hết tập trung tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ… Điều này cho thấy, nhu cầu được các quỹ bảo lãnh vay vốn của cộng đồng DN là rất lớn. Nhu cầu càng gia tăng gấp bội trong bối cảnh năng lực tài chính của các DN đã bị bào mòn đáng kể vì đại dịch Covid-19. Thế nhưng thực tế cho thấy, vai trò của các Quỹ BLTD là rất mờ nhạt.
Theo thống kê sơ bộ, tính đến hết năm 2019 cả nước có 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập Quỹ BLTD cho DNNVV với tổng nguồn vốn là 1.460,6 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách địa phương cấp là 1.288,8 tỷ đồng, vốn góp của các tổ chức, hiệp hội ngành nghề là 171,8 tỷ đồng. Doanh số bảo lãnh lũy kế của các quỹ tính đến cùng thời điểm đạt khoảng 4.346 tỷ đồng. Dư nợ cam kết bảo lãnh của các quỹ ước đạt 228 tỷ đồng và số trả nợ thay ước khoảng 36 tỷ đồng.
Ảnh minh họa |
Thực tế tại một số thành phố lớn như Đà Nẵng, TP.HCM cho thấy, mặc dù là hai địa phương có số lượng DNNVV chiếm tỷ trọng lớn so với các tỉnh, thành khác nhưng các Quỹ BLTD tại đây đều hoạt động không hiệu quả, sau nhiều năm thành lập. Đơn cử tại Đà Nẵng, trong suốt giai đoạn 2014-2019 Quỹ BLTD tại đây chỉ huy động được số vốn ít ỏi 64,5 tỷ đồng, sau 5 năm Quỹ BLTD tại Đà Nẵng chỉ bảo lãnh được cho 14 DN theo phương thức tín chấp với giá trị 18,1 tỷ đồng. Vì hoạt động thiếu hiệu quả, cuối tháng 2/2020 UBND Đà Nẵng đã phải ra quyết định giải thể Quỹ BLTD để nghiên cứu để xây dựng một mô hình hỗ trợ DN hiệu quả hơn.
Trong khi đó tại TP.HCM, mặc dù Quỹ BLTD tại đây được đánh giá là có quy mô lớn nhất cả nước với tổng nguồn vốn điều lệ trên 232,3 tỷ đồng; tuy nhiên, những năm vừa qua hoạt động bảo lãnh cho DNNVV cũng èo uột. Thậm chí, những bất cập trong cơ chế hoạt động và minh bạch tài chính, thời gian gần đây còn khiến quỹ này sai phạm nghiêm trọng trong nghiệp vụ, làm thất thoát 19 tỷ đồng và khiến nhiều lãnh đạo quỹ vướng vào vòng lao lý.
Khó tạo Quỹ Bảo lãnh tín dụng Quốc gia
Theo đánh giá của hầu hết các địa phương đang triển khai mô hình Quỹ BLTD cho DNNVV, hiện nay khó khăn lớn nhất khiến các quỹ hoạt động không hiệu quả là vì không thể huy động được nguồn vốn để mở rộng quy mô bảo lãnh. Nguồn vốn chính của các Quỹ BLTD hiện nay là trích từ ngân sách địa phương nên tùy theo từng địa bàn, số vốn của từng quỹ sẽ có quy mô rất khác biệt. Trong khi việc huy động xã hội cũng rất khó khăn do các TCTD thường chỉ góp vốn theo “nghĩa vụ” và các hiệp hội, ngành hàng thì thường ít có nguồn lực tài chính để đóng góp.
Ở góc độ pháp lý, hiện Nghị định số 34/2018/NĐ-CP của Chính phủ là văn bản pháp lý cao nhất đối với cơ chế tổ chức, quản lý và hoạt động của các Quỹ BLTD. Tuy nhiên, các quy định tại văn bản này rất chặt chẽ, các Quỹ BLTD buộc phải thực hiện các biện pháp đảm bảo, bảo toàn nguồn vốn khi cấp các hợp đồng bảo lãnh vay vốn cho DN. Đơn cử Nghị định 34 quy định, DN chỉ được Quỹ BLTD xem xét cấp bảo lãnh khi có dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả, có khả năng hoàn trả vốn vay; có phương án về vốn chủ sở hữu tối thiểu 20% tham gia dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh tại thời điểm quỹ thẩm định để xem xét cấp bảo lãnh. Đặc biệt là phải có biện pháp bảo đảm cho bảo lãnh vay vốn. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu DN có tài sản đảm bảo sẽ đến “gõ cửa” thẳng ngân hàng, thay vì phải thông qua quỹ và nộp thêm phí.
Trước nhu cầu bảo lãnh vay vốn ngày càng tăng cao của cộng đồng DN, các hiệp hội, ngành hàng: Hiệp hội DNNVV Việt Nam, Hiệp hội DN du lịch Việt Nam, VCCI đều đã kiến nghị Chính phủ nên thành lập một Quỹ BLTD quốc gia quy mô khoảng 1.000 tỷ đồng, sử dụng ngân sách Trung ương để bảo lãnh vay vốn cho DNNVV. Mới đây, với tư cách doanh nhân trong hội các DN Việt kiều, TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính đề xuất Chính phủ nên dành ra khoảng 30.000 tỷ đồng để lập ra Quỹ BLTD quốc gia, từ đó xây dựng “tổ hợp tín dụng” quy mô khoảng 300.000 tỷ đồng với sự tham gia của các NHTM.
Tuy nhiên nhiều chuyên gia ngân hàng tỏ ra băn khoăn về tính khả thi của đề xuất này. Bởi trên thực tế hiện các ngân hàng đang triển khai gói hỗ trợ tín dụng với quy mô cao hơn rất nhiều so với đề xuất trên, lãi suất cho vay cũng thấp hơn 2-2,5% so với giai đoạn trước dịch. Tuy nhiên để tiếp cận được gói tín dụng này là DN phải đáp ứng được các điều kiện của ngân hàng. Vì vậy vấn đề mấu chốt trong đề xuất trên vẫn là Quỹ BLTD quốc gia. Vấn đề mấu chốt ở đây là bảo lãnh từ Chính phủ. Tuy nhiên, hiện cân đối ngân sách đang gặp nhiều khó khăn, trong khi lại phải đảm bảo cho nhiều nhiệm vụ nên việc thành lập Quỹ BLTD là một bài toán khó. Chưa kể quy mô 30.000 tỷ đồng của quỹ bảo lãnh này là chưa đủ, bởi vì các khoản cho vay theo đề xuất nói trên đều là những khoản “nợ xấu” tiềm tàng. Chỉ cần vài khoản vay không trả được nợ buộc quỹ phải trả thay là đã khiến nguồn vốn của quỹ cạn kiệt.
“Còn nếu Chính phủ thành lập được Quỹ BLTD này thì cũng không cần phải hình thành tổ hợp tín dụng làm gì cho phức tạp, bởi có được sự bảo lãnh từ quỹ này thì chắc chắn các nhà băng sẽ cho vay”, một chuyên gia ngân hàng lên tiếng.