Khoản vay nông nghiệp nông thôn được gia hạn nợ đến 3 năm
Ngành ngân hàng tiếp tục thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn khởi sắc Thúc đẩy hợp tác tăng trưởng tín dụng tam nông |
Theo Chỉ thị số 04/CT-NHNN về các giải pháp của ngành Ngân hàng nhằm góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Yagi) khôi phục và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, TCTD báo cáo cấp có thẩm quyền thực hiện khoanh nợ đối với khách hàng bị thiệt hại nặng nề về vốn vay, tài sản hình thành từ vốn vay do hậu quả bão, lũ xảy ra trên phạm vi rộng theo quy định tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015; Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và các văn bản hưởng dẫn của NHNN.
Theo quy định tại Nghị định 55 và Nghị định 116 sửa đổi: Trường hợp khách hàng bị thiệt hại về vốn vay, tài sản hình thành từ vốn vay do hậu quả thiên tai, dịch bệnh xảy ra trên phạm vi rộng hoặc do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng được TCTD đánh giá chưa có khả năng hoặc không có khả năng trả nợ vay cho TCTD, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổng hợp, đánh giá cụ thể thiệt hại, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, NHNN, Bộ Tài chính để được xem xét khoanh nợ không tính lãi đối với dư nợ bị thiệt hại. TCTD được thực hiện khoanh nợ không tính lãi đối với dư nợ bị thiệt hại trong thời gian tối đa 2 năm và các khoản nợ khoanh được giữ nguyên nhóm nợ như đã phân loại trước khi thực hiện khoanh nợ. Số tiền lãi TCTD không thu được do đã thực hiện khoanh nợ cho khách hàng được ngân sách Nhà nước cấp tương ứng.
Theo Nghị định 55 và Nghị định 116 sửa đổi, đối với các trường hợp: Tổ chức đầu mối thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng thì TCTD xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là 3 năm, đồng thời cho vay mới trên cơ sở xem xét tính khả thi của dự án, phương án sản xuất kinh doanh, khả năng trả nợ của khách hàng nhằm giúp khách hàng khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất, thực hiện trả được nợ cũ và nợ mới cho TCTD.
Ông Phạm Toàn Vượng, Tổng giám đốc Agribank cho biết, ngân hàng này có kinh nghiệm xử lý hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chịu thiệt hại thiên tai nhiều năm qua. Thông thường sau những trận thiên tai bão lũ, hoạt động xử lý cơ cấu lại nợ cho khách hàng mất đến 2-3 năm chứ không thể chỉ trong ngắn hạn. Hiện nay NHNN đang xây dựng dự thảo thông tư hướng dẫn các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng, thiệt hại của bão số 3 trên địa bàn 26 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tổng giám đốc Agribank đề nghị, thông tư hướng dẫn cần có độ mở, rút kinh nghiệm từ thông tư hướng dẫn gia hạn nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng Covid-19 có những quy định khiến trong quá trình thực hiện TCTD gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, các TCTD đang có mạng lưới rộng lớn ở 26 tỉnh thành phố miền Bắc ảnh hưởng nặng nề của bão số 3 vừa qua cũng đề nghị UBND tỉnh, thành phố hành động nhanh chóng thông qua việc ban hành những văn bản cần thiết về thiệt hại do bão số 3 gây ra để các TCTD làm căn cứ gia hạn nợ, miễn giảm lãi suất và cho vay mới khôi phục sản xuất kinh doanh trên địa bàn ảnh hưởng bão lũ.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, sản xuất kinh doanh thuộc lĩnh vực nông lâm, ngư nghiệp của các tỉnh thành phố bị ảnh hưởng rất lớn bởi bão 3. Về cơ chế chính sách hiện hành, việc miễn giảm lãi suất, cho vay mới các TCTD hoàn toàn chủ động trên cơ sở năng lực tài chính, hiệu quả hoạt động và tinh thần trách nhiệm. Cùng với đó, trên cơ sở những quy định tại Chỉ thị số 04/CT-NHNN của NHNN Việt Nam thực hiện ngay những cơ chế chính sách hiện có để các đơn vị, đặc biệt là các TCTD thực hiện ngay, không chờ chính sách mới và kết quả xử lý kiến nghị.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, UBND tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng bão số 3 có công bố thiệt hại do thiên tai dịch bệnh, sẽ vận dụng được các cơ chế về cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ, khoanh nợ… cho các hộ dân là người nuôi trồng lĩnh vực nông lâm, thủy sản hoàn toàn có thể vận dụng chính sách ngay từ Nghị định 55 của Chính phủ về cho vay lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Điều này các TCTD hoàn toàn chủ động, thực hiện phối hợp tốt và báo cáo tham mưu kịp thời NHNN chi nhánh tỉnh thành phố để tham mưu chính quyền địa phương ban hành, chỉ đạo. Phối hợp hành động ngay để thực hiện các quy định của Nghị định 55, sẽ phát huy giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp của ngành nhanh chóng, hiệu quả theo đúng tinh thần Chỉ thị 04 của NHNN Việt Nam.
Theo số liệu thống kê của ngành Ngân hàng, các ngân hàng thương mại, công ty tài chính đã dành ra hơn 405 ngàn tỷ đồng hỗ trợ người dân trong vùng bão lũ các tỉnh miền Bắc, bao gồm các chương trình gia hạn nợ, giảm lãi suất từ 0,5%-2% và các gói tín dụng cho vay mới phục hồi sản xuất kinh doanh.