Khởi động dự án khu công nghiệp quan trọng của “quê lúa”
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu thực hiện nghi thức phát lệnh khởi công xây dựng dự án Đầu tư xây dựng và Kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Liên Hà Thái. Ảnh VGP/Quang Hiếu |
Đây được coi là công trình trọng điểm đầu tiên trong Khu kinh tế Thái Bình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Bình khóa XX thành công; là công trình khởi đầu trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh; là công trình có dấu ấn quan trọng trong việc lan tỏa trong việc thu hút đầu tư phát triển khu kinh tế Thái Bình.
Khu kinh tế Thái Bình với tổng diện tích trên 30.000 ha, trong đó có hơn 8.000 ha quy hoạch một số khu công nghiệp. Trong đó Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thái Bình chọn Khu công nghiệp Liên Hà Thái là khu đột phá, tiên phong, mở ra giai đoạn phát triển của toàn bộ Khu kinh tế Thái Bình.
Khu công nghiệp Liên Hà Thái có vị trí địa lý rất thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Khu nằm trên tuyến đường ven biển trục phát triển kết nối vùng kinh tế biển các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ninh và là đầu mối giao thông đối ngoại chủ yếu của cả Khu kinh tế Thái Bình.
Liên Hà Thái lại liền kề cảng Diêm Điền - một trong những cảng biển lớn nhất của tỉnh Thái Bình. Phía Nam lại có sông Diêm Hộ rất thuận tiện để khai thác giao thông đường thủy và cảng nội địa tạo kết nối hạ tầng đồng bộ với khu vực phụ cận. Liên Hà Thái chỉ cách sân bay quốc tế Cát Bi, Cảng Hải Phòng 40 km rất thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa và xuất khẩu cho nhà đầu tư khi đầu tư vào Khu công nghiệp.
Đây là những lợi thế giúp khu công nghiệp thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp, nhất là đón làn sóng chuyển dịch của các nhà đầu tư.
Ảnh VGP/Quang Hiếu |
Dự án đặt mục tiêu thu hút các dự án thuộc ngành nghề điện tử, công nghệ cao có sức ảnh hưởng tới chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương, đóng góp lớn cho nguồn ngân sách của tỉnh và giải quyết việc làm cho người lao động. Các ngành công nghiệp sau được tập trung kêu gọi đầu tư: Công nghiệp điện, điện tử, công nghệ thông tin; phần mềm tin học; Công nghiệp cơ khí, lắp ráp chế tạo máy, tự động hóa, công nghiệp ôtô (sản xuất linh kiện và lắp ráp hoàn chỉnh); Các ngành công nghiệp phụ trợ, dịch vụ công nghiệp, công nghiệp chế biến, sản xuất hàng tiêu dùng...
Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, đây là Khu kinh tế ven biển, có diện tích tự nhiên gần 31.000ha, bao gồm 30 xã, 1 thị trấn thuộc hai huyện Thái Thụy, Tiền Hải và phần tiếp giáp ven biển. Lãnh đạo tỉnh Thái Bình cho biết, tập trung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế là nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu của tỉnh trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 và các năm tiếp theo.