Khối ngoại mở rộng tín dụng tiêu dùng
Nhiều thương vụ lớn đang hoàn tất
Đầu tháng 3 vừa qua, Ngân hàng UOB đã hoàn tất việc mua lại mảng ngân hàng tiêu dùng của Citigroup tại Việt Nam, bao gồm các danh mục cho vay tín chấp, cho vay có tài sản bảo đảm và các mảng kinh doanh quản lý tài sản cũng như ngân hàng bán lẻ của Citigroup.
Ông Victor Ngo, Tổng giám đốc UOB Việt Nam cho biết, thương vụ chuyển nhượng này cũng bao gồm việc nhận chuyển nhượng gần 600 nhân viên từ Citigroup đang làm việc trong mảng tài chính tiêu dùng tại Việt Nam. Sau chuyển nhượng, số lượng khách hàng của UOB tăng lên gấp ba lần, dư nợ cho vay và tiền gửi tăng gấp đôi, còn nhân sự tăng từ 500 lên trên 1.100 người. Với tiềm lực kể trên, trong khoảng 12-18 tháng tới UOB dự kiến sẽ hoàn tất hệ thống hậu mua lại Citigroup để cung cấp đầy đủ sản phẩm cho vay tín chấp, bao gồm thẻ tín dụng và tín chấp cá nhân, đồng thời bổ sung các khoản vay thế chấp, vay mua ôtô tại thị trường Việt Nam.
Số hóa cho vay tiêu dùng nhằm tiết giảm chi phí vận hành đang được các công ty tài chính phát triển. |
Không chỉ ngân hàng Singapore kể trên mở rộng hoạt động sang lĩnh vực tài chính tiêu dùng, các tập đoàn tài chính đa quốc gia đến từ các nước trong khu vực châu Á cũng đang xúc tiến rất mạnh mẽ các thương vụ mua bán sáp nhập, góp vốn mua cổ phần tại các NHTM trong nước để thúc đẩy hoạt động cho vay tiêu dùng.
Mới đây thị trường cũng rộ lên thông tin Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui (SMBC) của Nhật Bản đã đạt được một số thỏa thuận nhằm mua lại hơn 1 tỷ cổ phiếu VPB của VPBank (tương đương 5% cổ phần của ngân hàng này). Hiện các bên chưa có những thông báo chính thức về việc chuyển nhượng, nhưng các nguồn thạo tin cho biết giá trị thương vụ có thể đạt mức 1,4 tỷ USD và có thể hoàn tất vào cuối tháng 3 này. Thực tế, SMBC và VPBank cũng không phải hai đối tác xa lạ. Từ đầu năm 2021, thông qua SMBC Consumer Finance, SMBC đã chi 1,37 tỷ USD mua 49% vốn của FE Credit - công ty con của VPBank. Điều này cho thấy, việc mua thêm hơn 1 tỷ cổ phiếu VPB rất có thể sẽ nằm trong chiến lược phát triển mạnh lĩnh vực tài chính tiêu dùng mà SMBC đã có nhiều tháng gầy dựng.
Bên cạnh SMBC, các tập đoàn tài chính lớn khác như MUFG của Nhật Bản, Srisawad của Thái Lan, KB Kookmin Card của Hàn Quốc… hiện cũng đang săn đón tích cực trong việc mua lại mảng tài chính tiêu dùng của các ngân hàng Việt Nam. Chẳng hạn, từ tháng 8/2021, SHB đã ký kết các thỏa thuận để chuyển 100% vốn điều lệ tại SHB Finance cho Ngân hàng Krungsri của Thái Lan (một thành viên thuộc Tập đoàn MUFG - Nhật Bản). Cuối năm 2022, NHNN đã chấp thuận danh sách nhân sự lãnh đạo của SHB bao gồm cả thành viên đến từ Krungsri. Điều này cho thấy, thương vụ chuyển nhượng vốn điều lệ của SHB tại SHB Finance cho Krungsri đang đi đến giai đoạn cuối để hoàn tất vào năm 2025.
Cơ hội từ những hợp tác số hóa
Với sự tham gia sôi động của các tập đoàn đa quốc gia, thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam hiện nay được nhiều chuyên gia nhận định là sẽ có sự bứt phá mạnh mẽ theo chiều hướng ngày càng đa dạng về sản phẩm, dịch vụ và phát triển mạnh các thương vụ hợp tác số hóa tài chính vi mô.
Thực tế, trong thời gian vừa qua, bên cạnh những tập đoàn lớn đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan..., các tập đoàn kinh tế lớn trong nước như Masan, FPT, Viettel, Bamboo… cũng đã đầu tư mạnh cho mảng tài chính tiêu dùng. Chẳng hạn, tháng 2 vừa qua, Masan đã đầu tư 105 triệu USD vào Trust IQ nhằm phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực bán lẻ và tài chính tiêu dùng cho khách hàng của hệ thống siêu thị tiện lợi. Tập đoàn này cũng hợp tác với Techcombank kiến tạo hệ sinh thái WINLife nhằm khai thác nhu cầu tài chính cá nhân của các khách hàng đang sử dụng dịch vụ bán lẻ, tiêu dùng của Masan.
Quan sát trên thị trường cho thấy, đầu tư cho số hóa hiện đang là chìa khóa để các công ty tài chính lớn cạnh tranh, mở rộng thị phần. Bởi một lượng lớn khách hàng có nhu cầu tài chính tiêu dùng đã chuyển sang sử dụng các nền tảng ứng dụng phi tiền mặt và các công nghệ vay vốn hiện đại. Hiện các công ty tài chính đầu tư mạnh cho số hóa như VietCredit, Mcredit đang có tốc độ tăng trưởng rất tích cực. Trong đó, Mcredit với sự hậu thuẫn của hợp tác giữa MB và Shinsei Bank hiện đã đưa các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và điện toán đám mây để phục vụ hơn 2 triệu khách hàng. Công ty này hiện nay đã vươn lên vị trí thứ 3 trong nhóm các công ty tài chính có thị phần lớn nhất Việt Nam.
VietCredit dù quy mô nhỏ hơn nhưng cũng đã có tốc độ tăng trưởng vượt bậc khi ghi nhận dư nợ cho vay đạt trên 4.400 tỷ đồng vào cuối 2022 và lợi nhuận trước thuế tăng 52% so với cùng kỳ.
Để cạnh tranh giữ khách hàng và duy trì thị phần, thời gian qua các công ty tài chính lớn như FE Credit, Home Credit, HD Saison đều đã phải đầu tư rất mạnh cho việc phát triển các nền tảng ứng dụng số hóa mới. FE Credit đã đầu tư ứng dụng Ubank thay thế cho FE Credit Mobile để định hướng trở thành một ngân hàng thuần số (NEOBank) lớn trong khu vực trong vài năm tới. Trong khi đó, HDSaison cũng đầu tư cho ứng dụng mới trên nền tảng di động nhằm khai thác nhóm khách hàng tiểu thương tại các chợ truyền thống. Trong năm 2022, công ty tài chính này đã rất thành công khi tăng thêm được 1,2 triệu khách hàng mới để phát triển các khoản vay tiêu dùng.
Với những diễn biến tích cực trên có thể thấy, thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam sau khi có sự hợp tác, đầu tư mạnh mẽ từ các tập đoàn tài chính lớn trong khu vực hiện đang có sự cạnh tranh ngày càng sôi động. Những thương vụ mua bán sáp nhập, góp vốn mua cổ phần từ các tập đoàn đa quốc gia nhắm đến lĩnh vực tài chính tiêu dùng được dự báo sẽ là đòn bẩy, kích thích mạnh mẽ làn sóng số hóa, bao phủ tài chính vi mô trong những năm sắp tới.