Khối ngoại mua ròng trở lại
Bán ròng để đảo hàng?
Chuỗi ngày bán ròng khá dài của khối ngoại bắt đầu từ ngày 5/10, khi đó VN-Index đạt hơn 800 điểm và có thể tạm cho là chấm dứt vào ngày 27/10 khi VN-Index đạt 840 điểm. Trong đó, VN-Index càng tăng, lượng bán ra lại càng lớn, có một nguyên nhân để lý giải động thái này của khối ngoại: đó là việc chốt lãi của nhà đầu tư nước ngoài khi mốc 800 điểm là đỉnh cao sau hàng chục năm của thị trường. Nếu không chốt lãi thì cũng là động thái hạ tỷ trọng khi mà thị trường bước vào những ngưỡng điểm quan trọng.
Các giao dịch của khối ngoại thời gian qua nhìn chung là tích cực |
Một chi tiết đáng chú ý là suốt từ ngày 5 đến ngày 27/10 mặc dù có vài phiên mua ròng, nhưng khối ngoại không bao giờ mua ròng 2 phiên liên tiếp, dù thị trường có tăng hay giảm. Thống kê cho thấy đã có rất nhiều quỹ ngoại lãi lớn với nhiều cổ phiếu trên thị trường nên việc chốt lãi là đương nhiên, nhưng chắc chắn không phải quỹ nào cũng lãi lớn và mỗi quỹ sẽ có một ý định khác nhau.
Chẳng hạn, sau khi VN-Index xác lập vững chắc mốc trên 800 điểm, định giá thị trường sẽ khác, kỳ vọng của nhà đầu tư dành cho hàng hoá cũng sẽ thay đổi và có thể biến động cũng không giống như giai đoạn trước đó. Điều này dẫn đến việc nhà đầu tư buộc phải tiến hành tái cơ cấu danh mục, chuyển hướng sang một số cổ phiếu khác để tận dụng cơ hội.
Dễ thấy nhất là nhóm cổ phiếu lớn (blue chips), có những mã đã hết room nước ngoài, hoặc nếu nhà đầu tư ngoại khác muốn vào thì phải có bên bán ra. “Cũ người, mới ta”, có thể các quỹ ngoại cũng tranh thủ đảo hàng nội khối, đồng thời quỹ nào bán được thì lại tìm kiếm cơ hội khác. Đó cũng là lý do một loạt những cổ phiếu vốn hoá tầm trung (midcap), vốn trước đây được xem là rủi ro, nhưng giờ lại thu hút dòng vốn ngoại tìm đến một cách rất tự tin.
Sẽ mua những gì?
Từ 30/10 đến 1/11, khối ngoại đã có 3 phiên mua ròng liên tiếp tại sàn HoSE với tổng giá trị hơn 450 tỷ đồng và xét về điểm số thì đây là giai đoạn VN-Index đang xác lập ngưỡng trên 840 điểm. Dường như đang có một nghịch lý khi nhà đầu tư nước ngoài lại bán ròng khi thị trường giá thấp và lại mua khi thị trường cao?
Điều này chỉ có tính chất tương đối, trước tiên trong một xu hướng tăng được xác lập, thì mua giá cao để bán được giá cao hơn nữa là một lựa chọn hợp lý và điều này gợi ra suy nghĩ khối ngoại có thể đã “sai” và bây giờ “sửa sai”. Nhưng thực tế không phải như vậy, nếu xét riêng từng cổ phiếu, chẳng hạn VCB, CTG, BID đều là những cổ phiếu có lượng mua-bán của khối ngoại khá cân bằng, có mã lượng mua trội hơn cả lượng bán.
Mặt khác, điểm số của VN-Index chỉ nói lên một phần do một số cổ phiếu có vốn hoá lớn tăng giá, tác động đến VN-Index trong khi những cổ phiếu khác gần như không tăng giá, đi ngang. Nghĩa là tại nhóm cổ phiếu này, khối ngoại bán ra, hay mua vào với những mức giá hợp lý, có tính toán, xác định trước, thay vì rơi vào cảnh bán giá thấp mua giá cao.
Nói tóm lại thì dù các giao dịch của khối ngoại thời gian qua có diễn ra vì lý do gì thì việc mua ròng trở lại những ngày gần đây nhìn chung là tích cực vì có thể tạo ra những hiệu ứng tốt cho thị trường. Ngay phiên đầu tháng 11, VN-Index đã tăng khá tốt lên 842 điểm, trong đó khối ngoại đã mua ròng hơn 233 tỷ đồng tại HoSE, tương ứng hơn 10 triệu USD.
Dòng tiền của khối này nhiều khả năng sẽ tiếp tục tập trung ở một số cổ phiếu lớn, mang tính dẫn dắt nhằm mô phỏng danh mục theo xu thế của thị trường. Bên cạnh đó, khối ngoại cũng sẽ phân bổ nguồn vốn cho những cổ phiếu midcap, có nhiều cơ hội tăng trưởng để gia tăng tỷ suất sinh lời cho mình.