Khơi thông “cầu” dẫn vốn
Loay hoay trong vòng luẩn quẩn
Hạn chế về vốn, công nghệ, nguồn nhân lực, kỹ năng quản trị… là những điểm khiến cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chỉ đông về số lượng song chất lượng, hiệu quả kinh doanh, sức cạnh tranh vẫn còn rất nhiều hạn chế. Để hỗ trợ DNNVV tiếp cận tín dụng NH, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 90 ngày 23/1/2001 về trợ giúp phát triển DNNVV. Quy chế thành lập, tổ chức hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng (BLTD) cho DNNVV cũng được cụ thể hóa bằng Quyết định 193. Sau đó, Chính phủ cũng có nhiều văn bản nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phải hỗ trợ cho DNNVV và chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động của DNNVV, gần đây là Nghị quyết 35/NĐ-CP về hỗ trợ, phát triển DN đến năm 2020.
Quốc hội cũng đã thông qua Luật Hỗ trợ DNNVV (12/6/2017), theo đó, Quỹ BLTD được thành lập ngoài ngân sách, do UBND các tỉnh, thành phố thành lập. Bộ Tài chính cũng đang dự thảo Nghị định lần 3 về tổ chức và hoạt động Quỹ BLTD DNNVV. Chưa biết kết quả sẽ ra sao, nhưng thực tế cho thấy văn bản có, chính sách không thiếu, nhưng để nói các quỹ này có thực sự phát huy hiệu quả như mong đợi không thì còn là câu hỏi bỏ ngỏ.
Ảnh minh họa |
Trao đổi với phóng viên một chuyên gia kinh tế chỉ ra rằng, “quỹ bảo lãnh DNNVV của chúng ta được thành lập ở địa phương, nên rất khó trong vấn đề nguồn lực. Thêm nữa, quỹ phải bảo toàn vốn của chính quyền, nếu làm thất thoát khi cho vay ra sẽ gánh trách nhiệm rất nặng nên khó vận hành bảo lãnh đúng nghĩa”.
TS-LS. Bùi Quang Tín cũng chia sẻ thêm, khó khăn trong phát huy hiệu quả của các Quỹ BLTD DNNVV thứ nhất nằm ở vấn đề lãi suất. “Nhìn bề ngoài, lãi suất có thể chỉ là 10 - 15%/năm, nhưng thực ra nếu tính lãi suất trả góp hàng ngày lại khá cao, thậm chí trên 20%/năm. Điều này cũng khiến cho những DN bớt mặn mà hơn”, ông Tín cho biết. Điểm thứ hai là ở khả năng thu hồi nợ, khó khăn trong xác định quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan khi xảy ra rủi ro. Đó là chưa kể các NHTM vẫn không xem những khoản tín dụng được bảo lãnh như là khoản vay có tài sản thế chấp. Khiến DN vẫn chịu lãi suất cao và mất thêm cả chi phí bảo lãnh, tất yếu dẫn tới thế khó cho cả phía DN lẫn quỹ bảo lãnh.
Gỡ nút thắt, giảm rủi ro
Hiến kế trong việc phát huy hiệu quả Quỹ BLTD DNNVV, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, Chính phủ nên thành lập một cơ quan trung ương tài trợ DNNVV tương tự mô hình SBA của Hoa Kỳ (bảo lãnh NH cho DN vay vốn và được phê chuẩn ngân sách mỗi năm). “Quỹ này phải xem việc bồi thường là chi phí để giúp các DN, những điều kiện cho vay cũng cần phải nới lỏng hơn NH. Còn nếu như sợ mất vốn, ép các DN phải có thế chấp... thì các cửa sẽ khó mà mở rộng thêm được”, chuyên gia này bày tỏ.
Đối với các quỹ bảo lãnh, vốn tự có là vô cùng quan trọng. Ngoài chuyện ngân sách, việc kêu gọi các tổ chức quốc tế tham dự góp vốn vào các quỹ BLTD, từ đó trở thành xương sống cho quỹ bảo lãnh là một trong những giải pháp được TS. Tín nêu ra.
Theo vị này, nhà nước có chính sách, cơ chế thôi chưa đủ mà hiện giờ phải bằng đồng tiền thực. “Hỗ trợ không chỉ là về cơ chế, hay món tiền. Mà quan trọng là sau khi hỗ trợ bảo lãnh xong phải làm sao tư vấn cho DN để hoạt động kinh doanh có thể phát huy được tối đa hiệu quả đồng vốn vay”. Làm được việc này, không chỉ giúp cho khách hàng mà còn đảm bảo phần nào cho quỹ bảo lãnh không phải đứng ra trả nợ cho DN, để nhà nước không bị mất tiền, người trực tiếp quản lý quỹ bảo lãnh cũng nhẹ bớt gánh nặng trách nhiệm trong đó.
“Cũng có thể nghiên cứu tạo hệ thống bảo hiểm đối với hoạt động BLTD để giảm rủi ro cho các quỹ BLTD DNNVV. Hoặc tạo ra cơ chế bảo lãnh tương trợ, có thể hoạt động dưới hình thức hiệp hội. Nhà nước xây dựng mô hình bảo lãnh tương trợ thí điểm (với sự tham gia của hiệp hội), thiết lập các điều kiện khung và hỗ trợ trong thời gian đầu, thúc đẩy sự tham gia của tư nhân vào hệ thống bảo lãnh này và dần chuyển giao hệ thống cho DN tư nhân”, đại diện Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đề xuất.
Một trong những mục tiêu của việc thành lập quỹ bảo lãnh là để chia sẻ rủi ro với các NH, giúp DNNVV tăng cơ hội tiếp cận vốn tín dụng. Các chuyên gia đều đồng tình % rủi ro về phía NH phải rất thấp thì các NH mới dám mạnh tay cho DN vay vốn. Chẳng hạn một DN có nhu cầu vay 100 đồng, thường các quỹ bảo lãnh chỉ cho vay khoảng 90%, trong 90% đó, 80% là rủi ro của quỹ bảo lãnh, 20% là thuộc về NH.
Các chuyên gia cũng cho rằng nên nới quy định về biện pháp bảo đảm cho bảo lãnh vay vốn đối với DN có quan hệ tín dụng với NH, không nhất thiết phải có tài sản bảo đảm bảo lãnh tại bên bảo lãnh. Thêm nữa, nên chăng áp dụng mức trần bảo lãnh khác nhau đối với các DN có hay không có tài sản bảo đảm bảo lãnh. Phạm vi bảo lãnh có thể xem xét điều chỉnh thành bảo lãnh tối đa 80% khoản vay của DNNVV tại TCTD. Hay chấp thuận tài sản thế chấp là hợp đồng sản xuất hoặc hợp đồng bán hàng hoá của DN...
Việc áp dụng các mức phí khác nhau phù hợp với mức độ rủi ro của từng DN cũng được nhiều chuyên gia khuyến nghị. Theo đó, để đánh giá mức độ rủi ro của DN có thể dựa trên bảng xếp hạng tín nhiệm hay dữ liệu tín dụng sẵn có ở quy mô quốc gia.
Theo thông tin từ Bộ Tài chính, tính đến 30/9/2017, cả nước có 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập quỹ BLTD. Tổng số vốn điều lệ của các quỹ ước khoảng 1.579 tỷ đồng. Doanh số bảo lãnh của các quỹ BLTD lũy kế từ năm 2002 đến 30/9/2017 ước khoảng trên 4.126 tỷ đồng với khoảng trên 2.000 DNNVV được bảo lãnh vay vốn tại các TCTD. Số dư bảo lãnh đến 30/9/2017 của các quỹ BLTD ước đạt trên 411 tỷ đồng, số trả nợ thay đạt khoảng 83 tỷ đồng. |