Khơi thông thị trường vốn nợ
Phát triển thị trường vốn, giảm áp lực lên ngân hàng
|
Theo các chuyên gia, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam là chi phí vốn cao hơn các doanh nghiệp từ các nước tương đồng trong khu vực. |
Chi phí vốn của doanh nghiệp Việt Nam cao hơn nhiều nước tương đồng
Đánh giá về thị trường trái phiếu doanh nghiệp - cấu phần quan trọng của thị trường vốn nợ ở Việt Nam, tại hội nghị “Thị trường vốn nợ Việt Nam 2024” do FiinRatings phối hợp cùng Quỹ Đầu tư và Bảo lãnh tín dụng CGIF– một quỹ tín thác của Ngân hàng Phát triển Châu Á tổ chức ngày 12/4, nhiều chuyên gia cho rằng, cần thêm những cơ chế thu hút đầu tư dài hạn thực sự hấp dẫn. Đồng thời để khơi thông được thị trường vốn nợ, cần vai trò của các tổ chức.
Theo ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng Giám đốc, FiinRatings, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam là chi phí vốn cao hơn các doanh nghiệp từ các nước tương đồng trong khu vực. Một trong những nguyên nhân là mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia Việt Nam thấp hơn nhưng trên thực tế nhiều chỉ số của Việt Nam còn cao hơn các nước khác.
Việc xếp hạng tín nhiệm quốc gia thấp hơn khiến doanh nghiệp tốt nhất của Việt Nam vẫn phải vay vốn với lãi suất cao hơn các doanh nghiệp kém hơn ở các nước tương đồng nhưng có mức xếp hạng tín nhiệm cao hơn.
Tìm giải pháp cho vấn đề này, ông Thuân cho rằng tất cả các thành viên thị trường trong đó có các nhà đầu tư, các doanh nghiệp phát hành, cơ quan quản lý, chuyên gia và cả đơn vị xếp hạng tín nhiệm như FiinRatings đều phải nỗ lực để khôi phục và phát triển thị trường vốn, trong đó có thị trường vốn nợ.
Hiện nay, kênh trái phiếu doanh nghiệp đã đạt quy mô 11% GDP vào cuối năm 2023 và được kỳ vọng sẽ là kênh dẫn vốn quan trọng cho doanh nghiệp khi Chính phủ Việt Nam đã đặt mục tiêu tăng quy mô của thị trường này lên mức 20% GDP vào năm 2025 và 30% vào năm 2030 theo chiến lược phát triển thị trường chứng khoán vừa được phê duyệt vào ngày 29/12/2023.
Xếp hạng tín nhiệm là điều kiện cần
Trong bối cảnh trên, ông Nguyễn Nhật Hoàng, Trưởng bộ phận xếp hạng doanh nghiệp của Fiingroups cho biết, việc đưa dòng vốn tiếp cận gần hơn với doanh nghiệp vẫn gặp một số khó khăn.
Thứ nhất, cơ sở nhà đầu tư chưa được đa dạng với đối tượng tham gia chủ yếu là ngân hàng và các công ty chứng khoán.
Thứ hai, niềm tin của nhà đầu tư về chất lượng tín dụng của tổ chức phát hành phải đối mặt với thách thức do thị trường TPDN riêng lẻ mới phát triển và các sự kiện tín dụng liên quan tới trái phiếu còn tương đối mới với đại đa số nhà đầu tư.
Thứ ba, các thông tin về rủi ro liên quan tới các tổ chức phát hành trái phiếu chưa đầy đủ và rõ ràng, dẫn tới hạn chế trong đưa ra quyết định đầu tư.
Ông Hoàng cho rằng, cần tập trung thực hiện một số giải pháp như khai phá những nguồn vốn lớn tiềm năng như công ty bảo hiểm hay quỹ đầu tư trái phiếu; phát triển các dịch vụ bảo lãnh trái phiếu; phát triển hệ thống chuẩn hóa về thông tin cung cấp cho các nhà đầu tư.
Nhu cầu vốn và triển vọng một số ngành trọng điểm |
Chia sẻ về giải pháp bảo lãnh trái phiếu, ông Hoàng Đình Gia, Chuyên gia của Quỹ Đầu tư và bảo lãnh tín dụng (CGIF) – đơn vị từng thực hiện bảo lãnh phát hành trái phiếu cho một số doanh nghiệp lớn như Vingroup, Masan, Gelex, cho biết hoạt động bảo lãnh từ các quỹ bảo lãnh tín dụng sẽ giúp tổ chức phát hành mở rộng và đa dạng hóa các nguồn vốn vay ngoài các khoản vay ngân hàng thông thường và dễ dàng tiếp cận thị trường vốn. Từ đó mở rộng cơ sở nhà đầu tư để tăng trưởng bền vững.
Điều này giúp tổ chức phát hành cũng được kéo dài kỳ hạn trái phiếu phù hợp với dòng thu nhập và mục tiêu đầu tư của bên vay, thanh toán bằng đồng nội tệ. Như vậy sẽ nhằm tránh được sự phụ thuộc vào các khoản vay ngắn hạn có thể dẫn đến rủi ro tái cấp vốn và giảm rủi ro liên quan đến biến động tỷ giá.
‘Bên cạnh đó, tổ chức phát hành có cơ hội tiếp cận khoản vay với lãi suất ưu đãi và được cố định trong suốt vòng đời của trái phiếu, từ đó có kế hoạch quản lý dòng tiền ổn định và dự đoán được chi phí vay.’ – ông Hoàng Đình Gia cho hay.
Bà Lynn Maxwell - Giám đốc Thương mại chính của S&P Global Ratings đánh giá, trong những năm gần đây, Việt Nam đã điều hành một quỹ đạo đáng kinh ngạc của tăng trưởng kinh tế, trở thành một tia sáng của sự kiên cường và sự năng động tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á, hành trình của Việt Nam được đặc trưng bởi sự đầu tư mạnh mẽ và sự tiêu dùng tư nhân tăng nhanh. Trong đó thị trường xuất khẩu mạnh mẽ, sự phục hồi của dịch vụ, đặc biệt là du lịch và bán lẻ và sự ổn định của các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài vào sản xuất.
Bà Lynn Maxwell cho rằng, Việt Nam sẽ tiếp tục tiến xa, dự kiến nhu cầu về một lộ trình tài chính thay thế dự kiến tăng lên đáng kể. Vì thế, trái phiếu doanh nghiệp đã trở thành một phần không thể thiếu của bức tranh này. Tính đến cuối năm 2023, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam chiếm khoảng 10% GDP. Số liệu tương đương của Ấn Độ, Thái Lan và Trung Quốc là 15%, 27% và 39%.
Bà Lynn Maxwell đánh giá tầm quan trọng của việc phát triển một thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Kinh nghiệm từ nhiều nước bà Lynn Maxwell cho rằng, điều này mang lại lợi ích cho nền kinh tế. Cụ thể, các lựa chọn tài trợ được tăng cường, thường cung cấp quyền truy cập đa dạng cho các nhà đầu tư và thời hạn dài hơn so với thị trường tư nhân. Thứ hai, thúc đẩy ổn định tài chính thông qua đa dạng hóa nhà đầu tư và khả năng cho các ngân hàng địa phương tái chế rủi ro ra khỏi bảng cân đối kế toán của họ thông qua các giao dịch chia sẻ rủi ro hoặc tái tài chính. Thứ ba, thúc đẩy một văn hóa minh bạch thông qua việc định giá thị trường rõ ràng, phân biệt tín dụng, thường liên quan đến các xếp hạng tín dụng, cả trong thị trường cơ bản và thứ cấp.
Theo đại diện các bên tham gia hội nghị, để đạt được mục tiêu này thì cần thêm những cơ chế thu hút đầu tư dài hạn thực sự hấp dẫn. Đồng thời để khơi thông được thị trường vốn nợ, vai trò của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm là không thể thiếu. Việc xếp hạng có chất lượng, việc cho vay dựa trên xếp hạng tín nhiệm giúp cho các doanh nghiệp có thể vay với lãi suất thấp hơn. những giải pháp củng cố cơ sở nhà đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn cung trái phiếu, nâng cao chất lượng xếp hạng tín nhiệm cần được tập trung hướng đến mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới để khơi thông thị trường vốn nợ Việt Nam.