Không để doanh nghiệp đủ điều kiện không tiếp cận được vốn
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Thị Thìn khẳng định: “Ngành Ngân hàng không bao giờ thiếu vốn cho vay các DN có đủ điều kiện” |
Ông Đỗ Đình Hiệu - Tổng thư ký Hiệp hội DN tỉnh, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Thanh Hóa cũng cho biết, từ năm 2016 đến nay, hàng tháng Hiệp hội đều tập hợp các kiến nghị của DN để tham gia buổi tiếp định kỳ của Chủ tịch UBND tỉnh, song không có ý kiến nào phản ánh khó khăn về tiếp cận vốn ngân hàng.
Những ý kiến này một lần nữa minh chứng cho kết quả mà hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã nỗ lực trong những năm qua để cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ DN theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN Việt Nam và của tỉnh.
Động lực thúc đẩy tăng trưởng
Dù vẫn là một tỉnh nghèo với thu nhập bình quân đầu người chỉ bằng 72% bình quân chung cả nước, song kinh tế Thanh Hóa đã có những bước biến chuyển đáng kể từ năm 2015 đến nay. GRDP năm 2018 tăng 15,6% đứng thứ 3 toàn quốc. 6 tháng đầu năm 2019 tốc độ tăng trưởng vượt bậc là 22,18% đứng thứ nhất toàn quốc; thu NSNN 6 tháng đầu năm ước đạt 13.786 tỷ đồng (tăng 89,4% so với cùng kỳ), trong đó thu ngân sách từ khu vực DN tăng 59% so với cùng kỳ, chiếm 45,5% tổng thu nội địa; số lượng DN thành lập mới đứng thứ 7 toàn quốc, đưa tổng số DN trên địa bàn tỉnh lên 14.323 DN…
Bà Lê Thị Thìn khẳng định, những con số ấn tượng ấy có sự đóng góp lớn của ngành Ngân hàng. Điều này có thể nhìn thấy từ nỗ lực tạo nguồn vốn cho phát triển kinh tế địa phương. Đến 30/6/2019, tổng nguồn vốn huy động đạt 92.712 tỷ đồng, tăng 11,66% so với đầu năm. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế năng động nhu cầu đầu tư lớn, các TCTD trên địa bàn đã huy động thêm từ ngân hàng mẹ để hỗ trợ đầu tư cho địa phương, với tổng dư nợ đến 30/6/2019 đạt 109.168 tỷ đồng (không bao gồm dư nợ của Ngân hàng Phát triển), tăng 5,4% so với đầu năm.
Đặc biệt, với việc NHNN Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa triển khai có hiệu quả Quyết định 1355 của NHNN thực hiện Nghị quyết 19/2016/NQ-CP, Nghị quyết 35/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cùng các kế hoạch chi tiết hàng năm đến từng TCTD, đã góp phần nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung phân bổ tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng của DN và người dân.
Tổng tín dụng cho 5 lĩnh vực ưu tiên đạt 55.866 tỷ đồng (chiếm 58,75% tổng dư nợ của các NHTM, không bao gồm dư nợ của Ngân hàng Phát triển, NHCSXH, hệ thống QTDND cơ sở và Tổ chức tài chính quy mô nhỏ).
Các TCTD trên địa bàn đã đưa ra nhiều giải pháp giải ngân nguồn vốn tới DN. Ngoài việc mở các hội nghị kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp, thiết kế các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi đến các DN, các ngân hàng thường xuyên trao đổi, đối thoại, gặp gỡ làm việc với DN để nắm bắt kịp thời nhu cầu vốn, lãi suất, giải đáp, phản hồi thỏa đáng các ý kiến về những khó khăn vướng mắc.
Đặc biệt, các NHTM Nhà nước đã tiên phong giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ cho DN hoạt động trong các lĩnh vực ưu tiên với mức giảm khoảng 0,5%. Mặt bằng lãi suất 6 tháng đầu năm 2019 về cơ bản tiếp tục giữ ổn định trong bối cảnh có nhiều sức ép gia tăng.
Bên cạnh đó, các TCTD đã thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất cho 8.333 khách hàng, với dư nợ trên 19.127 tỷ đồng; cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 70 khách hàng, với dư nợ 585 tỷ đồng; miễn, giảm lãi cho khách hàng khó khăn là 1.238 khách hàng, với số tiền 79 tỷ đồng. Cho vay DN trên địa bàn, đến 30/6/2019 có 6.862 lượt DN có quan hệ tín dụng với ngân hàng, tăng 398 DN, với dư nợ 39.303 tỷ đồng...
Nhờ sự trợ lực từ các TCTD, các DN Thanh Hóa đang đẩy mạnh sản xuất kinh doanh |
Tìm lực đẩy mạnh vốn vào nền kinh tế
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thị Thìn cho biết, Thanh Hóa mạnh dạn phấn đấu đến 2020 trở thành tỉnh khá trong cả nước và đến năm 2030 thu nhập bình quân đầu người đạt 11 ngàn USD. Điểm tựa để thực hiện mục tiêu này là 5 mũi nhọn phát triển kinh tế: chế biến chế tạo; ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp; y tế; du lịch và hạ tầng; và 4 khu kinh tế - ''Tứ Sơn'' đó là Khu công nghiệp Bỉm Sơn, Khu kinh tế Nghi Sơn, Khu công nghệ cao Lam Sơn, và cuối cùng là Khu công nghiệp Sầm Sơn.
“Là người phụ trách khối DN và ngân sách của tỉnh, tôi rất muốn DN vay được nhiều vốn nhất để phát triển sản xuất, nộp nhiều ngân sách cho tỉnh, tạo việc làm cho con em trong tỉnh được hưởng”, bà Thìn nói và đặt câu hỏi khó khăn của các DN là gì trong bối cảnh các TCTD trên địa bàn đang phải cạnh tranh gay gắt để giữ chân khách hàng?
Đưa ra con số DN tiếp cận tín dụng trên địa bàn mới chỉ chiếm 40%, Tổng thư ký Hiệp hội DN tỉnh thừa nhận, số DN chưa tiếp cận được vốn ngân hàng là các DN nhỏ và rất nhỏ, nhiều DN lại yếu về quản lý, mới thành lập hoặc không đủ điều kiện vay vốn ngân hàng. Hiện Thanh Hóa có tới 97% DN là vừa và nhỏ, yếu từ khâu xây dựng kế hoạch, đến lập phương án sản xuất kinh doanh để tiếp cận vốn ngân hàng. Trong khi lại thiếu sự tập huấn hướng dẫn các DNNVV về trình tự thực hiện thủ tục hành chính nên khi thực hiện còn lúng túng, chưa thuận lợi.
Đối với việc tiếp cận nguồn vốn cho nông nghiệp công nghệ cao, cái khó của DN nằm ở các yêu cầu hoàn thiện hồ sơ vay. Phó giám đốc CTCP nông sản Phú Gia Trần Thị Hiền chia sẻ, DN này hiện đang đầu tư chuỗi nông nghiệp sạch công nghệ cao với mục tiêu hướng đến thị trường toàn cầu nên suất đầu tư lớn. Hiện DN đã đưa trang trại giống 8 triệu con/năm vào hoạt động và chuẩn bị khai trương nhà máy gia cầm.
Tuy nhiên, DN chưa được vay ưu đãi theo Nghị định 57 vì chưa được công nhận là DN nông nghiệp công nghệ cao, trong khi đây là một điều kiện bắt buộc. “Lên Sở Khoa học và Công nghệ làm hồ sơ xin chứng nhận thì được chỉ sang Sở Nông nghiệp, sang Sở Nông nghiệp lại bảo tỉnh cấp. Vì vậy đến nay hồ sơ vay vốn vẫn chưa hoàn thành”, bà Hiền cho biết.
Yêu cầu 60% doanh thu của DN phải từ nông nghiệp công nghệ cao cũng đang làm khó các DN muốn vay vốn ưu đãi mở rộng sản xuất sang công nghệ cao hoặc mới trong giai đoạn đầu sản xuất. Một nút thắt khác là việc công nhận dự án đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường, nhưng hiện chưa có hướng dẫn để DN thực hiện và đăng ký công nhận.
Bên cạnh đó là những khó khăn về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đăng ký tài sản bảo đảm còn vướng và chậm, việc quỹ bảo lãnh tín dụng chưa được cấp đủ vốn điều lệ làm cơ sở để bảo lãnh cho DN cũng ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn tín dụng…
Để có thể tiếp tục đẩy mạnh vốn tín dụng vào phát triển kinh tế của tỉnh, Chi nhánh NHNN và hệ thống các TCTD trên địa bàn đặt quyết tâm tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình hỗ trợ DN và cải thiện môi trường kinh doanh, thực hiện Quyết định 1355 của Ngành để tạo điều kiện thuận lợi cho DN. Tuy nhiên chính các DN cũng cần chủ động nâng cao năng lực quản trị và chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng các quy định của ngân hàng khi tham gia sử dụng dịch vụ.
Đại diện CTCP Tiến Nông với 24 năm hoạt động “bật mí”, DN này chưa khi nào sử dụng hết hạn mức được TCTD cấp. Kinh nghiệm mà đại diện DN này chia sẻ là phải tạo dựng mối liên kết 2 chiều giữa ngân hàng và DN, trong đó DN phải tạo chữ tín để ngân hàng có niềm tin. Đây là một quá trình tích lũy từ việc nhỏ như lập dự án vay phải phù hợp với nhu cầu vốn của DN, sử dụng vốn đúng mục đích. Các TCTD cũng khuyến nghị các DN nên tìm hiểu các sản phẩm của nhiều ngân hàng, để từ đó lựa chọn cho mình sản phẩm phù hợp nhất, mạnh dạn và chủ động đàm phán cùng các TCTD.
Chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND Lê Thị Thìn nhấn mạnh các TCTD cần đổi mới phương pháp tiếp cận DN, nâng cao chất lượng dịch vụ để ngày càng hấp dẫn DN, đẩy mạnh công tác huy động, tạo nguồn cho vay khách hàng trong tỉnh. “NHNN cần phối hợp với các hiệp hội DN để tổng hợp các ý kiến của các DN liên quan đến ngân hàng, khi có nhiều ý kiến cần thiết tổ chức hội nghị tôi sẵn sàng tham gia cùng các sở, ngành tháo gỡ khó khăn”, bà Thìn nói.
Bà cũng đề nghị NHNN chi nhánh tỉnh, với chức năng quản lý tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phối hợp với các sở, ngành, cơ quan công an để hạn chế tín dụng đen, các tổ chức tài chính hoạt động không đúng mục đích, mục tiêu. NHNN và các TCTD cũng cần phối hợp với Sở KH&ĐT để phổ biến kiến thức thực tế trong các khóa đào tạo mà hiện tỉnh đang tổ chức cho các DN để DN hiểu và tiếp cận vốn ngân hàng một cách tốt nhất.
Nhấn mạnh lại sự đồng hành của chính quyền và ngân hàng cùng DN, bà Thìn nhắn nhủ: “Nếu DN nào đủ điều kiện vay vốn mà bị ngân hàng từ chối, thì viết đơn gửi thẳng tôi. Tôi sẽ cùng DN và ngân hàng mổ xẻ vấn đề đến cùng để không có DN nào đủ điều kiện vay vốn mà không được vay”.