Không phát triển bằng mọi giá
Ảnh minh họa |
Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, nếu các địa phương không hỗ trợ cấp phép cho các dự án dệt, nhuộm thì việc tạo ra chuỗi cung ứng, đáp ứng quy định xuất xứ để được hưởng lợi từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) về yêu cầu xuất xứ từ vải hay Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) về yêu cầu xuất xứ từ sợi sẽ gặp trở ngại lớn.
Hiện tại, ngành dệt may đang bị mất cân đối khi đầu tư vào khâu dệt, nhuộm trong chuỗi cung ứng ngành may mới chỉ chiếm 8,3% giá trị vốn đầu tư FDI, trong khi đó khâu may nhận được 90% tổng vốn đầu tư FDI. Đặc thù hoạt động đầu tư vào khâu dệt, nhuộm trong ngành dệt may cần phải có công nghệ cao và chi phí lớn. Vì vậy, phần lớn hoạt động đầu tư trong những khâu này là do nhà đầu tư ngoại thực hiện, nhà đầu tư nội có nhưng vẫn còn chưa nhiều.
Theo thống kê của VITAS, dòng vốn FDI vào ngành dệt may tăng mạnh. Năm 2014, có 137 dự án với tổng vốn cam kết gần 1,75 tỷ USD; năm 2015 có 197 dự án với tổng vốn cam kết gần 2,6 tỷ USD; năm 2016 có 184 dự án với số vốn gần 1,45 tỷ USD; sang năm 2017, thời điểm Mỹ tuyên bố rút khỏi TPP, Việt Nam vẫn thu hút được 129 dự án với tổng vốn cam kết 651,4 triệu USD.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc các nhà đầu tư rót nhiều vốn vào Việt Nam sẽ góp phần phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may, qua đó giúp gia tăng tỷ lệ nội địa hóa. Tuy nhiên, nhiều địa phương gần đây có phần không mặn mà và đã có cân nhắc trong việc tiếp nhận những dự án thuộc lĩnh vực này, nhất là những dự án có khâu nhuộm.
Có địa phương còn thẳng thừng từ chối dự án với vốn cam kết lên đến cả trăm triệu USD vì e ngại ô nhiễm môi trường. Lý do khiến các địa phương hạn chế các dự án dệt nhuộm là bởi nếu nhà đầu tư không thực hiện việc xử lý môi trường như cam kết thì gánh nặng sẽ đổ lên chính quyền địa phương, trong khi ngân sách địa phương không thể lo hết được.
Điển hình, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã tiếp tục lần thứ 4 có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ không chấp thuận đầu tư dự án dệt nhuộm nói trên của Tập đoàn TAL trên địa bàn tỉnh. Số là Tập đoàn TAL (Hồng Kông) dự định đầu tư dự án dệt nhuộm (vốn đăng ký 350 triệu USD) tại khu công nghiệp Bá Thiện 2, tỉnh Vĩnh Phúc.
Mặc dù Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài Nguyên và Môi trường đồng ý về chủ trương của dự án, nhưng chưa được cấp phép vì tỉnh Vĩnh Phúc kiến nghị Thủ tướng không chấp thuận dự án. Cũng như vậy, năm 2015, Đà Nẵng đã từ chối dự án nhà máy dệt nhuộm của nhà đầu tư Hồng Kông trị giá 200 triệu USD vì lo ngại ô nhiễm. Có thể nói, đây là những quyết định cẩn trọng nhưng đầy đúng đắn.
Tại Hội nghị bàn về giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu do Bộ Công thương tổ chức hồi tháng 5 vừa qua, ông Trương Văn Cẩm - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VITAS cũng đã nêu lên thực trạng các địa phương đang ngại tiếp nhận và cấp phép đầu tư đối với các dự án dệt nhuộm.
Theo ông Cẩm, khâu nhuộm có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, nhưng nếu các dự án được đầu tư công nghệ xử lý nước thải tốt thì nên xem xét cấp phép. Các địa phương cần tạo điều kiện ưu tiên các DN đầu tư dệt nhuộm có công nghệ hiện đại xử lý nước thải. Đồng tình quan điểm này, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đề nghị UBND các tỉnh, thành phố cần có chính sách cởi mở hơn đối với đầu tư dệt - nhuộm bởi các địa phương có thể bảo vệ môi trường thông qua áp dụng các yêu cầu cao về xử lý nước thải.
Hiện nay, một số địa phương dù không đưa vào diện tạm dừng thu hút đầu tư, nhưng ngành nghề thuộc lĩnh vực may mặc, dệt nhuộm... được xếp vào diện thu hút đầu tư có điều kiện và chỉ được cấp phép khi đáp ứng đầy đủ những quy định về xử lý chất xả thải, chứng minh công nghệ hiện đại, ít thâm dụng lao động phổ thông... Một số địa phương khác, khi cân nhắc giữa cái được và cái mất đã định hướng quy hoạch các cụm, khu công nghiệp riêng có thể đáp ứng đầy đủ hạ tầng xử lý môi trường và cách xa khu dân cư để thu hút các dự án này.
“Thu hút đầu tư các dự án dệt nhuộm là yếu tố cốt lõi để ngành dệt may có thể đẩy mạnh đầu tư, nâng cao hơn nữa giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu”, lãnh đạo của Bộ Công thương khẳng định.