Không thể coi thuế là chìa khoá vạn năng
Đã có nhà, nhà nào cũng phải đánh thuế?
Gần đây có thông tin về việc Bộ Tài chính đang nghiên cứu về việc ban hành thuế tài sản, trong đó sở hữu từ căn nhà thứ hai trở lên sẽ phải nộp thuế để hạn chế đầu cơ và sử dụng bất động sản (BĐS) lãng phí. Lập tức xã hội có nhiều bàn luận.
Phần lớn các ý kiến trao đổi về vấn đề này đều ủng hộ việc “nên và cần có thuế tài sản”, tuy nhiên lại cho rằng đánh thuế vào căn nhà thứ hai trở lên là không nên, không khả thi và cũng không đạt được mục tiêu chống đầu cơ. Nhiều ý kiến cho rằng, cần đánh vào thuế đất không nên đánh thuế nhà. Ông Nguyễn Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng: việc ban hành một sắc thuế như đánh thuế nhà ở thứ hai để tránh đầu cơ là chưa phù hợp.
Việc đánh thuế vào nhà ở thứ hai không hợp lý bởi trong thị trường bất động sản, phần kinh doanh chiếm tỷ trọng rất cao |
Tuy nhiên, theo ông Vũ Văn Phấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng): Quan điểm cá nhân tôi khi nói về tài sản ở Việt Nam, nhất là BĐS liên quan đến đất và công trình trên đất, việc thi hành sắc thuế và chống đầu cơ là việc đúng và cần thiết bởi: liên quan đến BĐS là nhà đất của hộ gia đình cá nhân, hiện Nhà nước mới đánh thuế sử dụng đất phi nông nghiệp chứ chưa đánh thuế vào nhà với mức thuế là 0,03%, vượt quá giới hạn 3 lần định mức là 0,07%; trên 3 lần hạn mức là 0,15% chưa giúp người sử dụng đất sử dụng một cách hiệu quả và chưa chống được đầu cơ. Song cũng cần tính kỹ để thuế với sở hữu từ nhà thứ hai trở lên không bị thuế chồng thuế, vì đất xây nhà hiện đang đóng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Ông cũng lưu ý rằng, khi đánh thuế cho người sở hữu nhà thì làm sao để không ảnh hưởng đến người chỉ có một nhà để sử dụng.
GS. Đặng Hùng Võ cho rằng việc đánh thuế vào nhà ở thứ hai không hợp lý bởi trong thị trường bất động sản, phần kinh doanh chiếm tỷ trọng rất cao. Nếu phần kinh doanh không có thì lập tức phân khúc nhà ở cho thuê sẽ bị giảm. Đánh thuế vào nhà ở thứ hai là đánh vào phân khúc nhà cho thuê. Điều này ngược với chủ trương của nhà nước: Bán nhà chung cư với hình thức thuê, mua. Nếu đánh thuế vào nhà cho thuê thì số lượng người thuê nhà sẽ giảm. Mà khi cầu về những nhà đầu tư thứ cấp giảm thì cung từ các dự án sẽ giảm, sẽ làm giảm cả cung lẫn cầu. Trước là giảm cầu của người có nhà ở cho thuê, sau là giảm cầu của nhà đầu tư thứ cấp cho thuê.
“Những sắc thuế và phí gì đưa ra trong thời điểm này đều phải rất thận trọng. Nếu ta đánh thuế cao thì nguồn cung sẽ giảm đi. Nếu đánh thuế nhà ở thứ hai thì sẽ ảnh hưởng đến thị trường nhà cho thuê”, ông Hà nêu quan điểm. Theo ông, ở các nước châu Âu, thị trường nhà ở cho thuê chiếm tới 70%, ở Việt Nam chỉ có 10%.
Cũng cùng quan điểm này, ông Matthew Powell - Giám đốc Savills Hà Nội cho biết thêm: ở các nước đang phát triển thì người không có đủ khả năng mua nhà phải đi thuê vẫn nhiều hơn người có tự mua được nhà. Từ kinh nghiệm nghiên cứu và tư vấn, ông cho biết thế giới có nhiều nước đánh thuế tài sản và thuế nhà nhưng có nhiều kỹ thuật khác nhau, và họ rất khác Việt Nam và Việt Nam nên cẩn trọng.
Ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình nói rằng “nếu ban hành chính sách kiểu đánh thuế từ căn nhà thứ hai trở lên sẽ giết chết thị trường nhà cho thuê. Ông cho rằng, khi có nhà cho thuê phải nộp thuế thì tiền thuế đó sẽ phản ánh vào giá cho thuê nhà và người thuê nhà là người phải gánh số thuế này, trong khi người thuê nhà phần lớn là thu nhập thấp.
Biết dùng đất để tạo vốn sẽ giàu
Nhân bàn chuyện thuế nhà thuế đất, GS. Võ cho rằng quốc gia nào cũng bắt đầu từ tay trắng, nhưng các nước tư bản phát triển thành công vì biết dùng đất để tạo vốn, vì nhận thức được đất đai và tài nguyên thiên nhiên là nguồn gốc hưng thịnh của quốc gia, đất đai tạo ra sự thịnh vượng của quốc gia. Họ đã có những chính sách để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, và đánh thuế đất rất cao là một cách. Họ sử dụng số tiền thu được từ thuế đất để phát triển hạ tầng đô thị, phát triển dịch vụ đô thị. Nước nghèo, nước đang phát triển không thành công vì nhiều nước đang không biết tạo vốn từ đất.
Ủng hộ quan điểm cần có một chính sách thuế hợp lý để nâng cao hiệu quả sử dụng đất và chống đầu cơ, ông Trần Như Trung - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Nam Cường nói rằng: Hiện chúng ta đang để nhiều dự án sử dụng đất sai mục đích. Ví dụ: Lẽ ra dự án này không nên làm văn phòng, nhưng chúng ta lại áp đặt làm văn phòng, dẫn đến không ai sử dụng, hiệu quả không cao.
Đồng tình cao với các ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Phụng – Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn, Tổng Cục Thuế cho biết ở nước ngoài, người ta đánh thuế tài sản căn cứ vào giá trị của BĐS. Phần đất mới nhiều chứ phần nhà không bao nhiêu nên dù là thuế nhà hay thuế đất thì cũng vẫn là vấn đề của BĐS tạo ra.
“Đơn giản, công bằng, hiệu quả, khả thi là những tiêu chí cần đưa ra khi tiến hành xây dựng và thực thi các chính sách. Tôi cho rằng cần phải có cơ sở thuế rộng thì mới thu thuế được nhiều. Cơ sở thuế là các giao dịch mang lại nguồn thu cho người dân, cho doanh nghiệp và khi mở rộng cơ sở thuế bằng việc phát triển thị trường, công khai thông tin, phát triển chính sách trung và dài hạn thì thu thuế mới bền lâu. Do đó, chúng ta cần thị trường bất động sản lành mạnh, thoả mãn nhu cầu về nhà ở”, ông Phụng phát biểu.
Theo ông khi chúng ta chưa công khai được các thông tin về quy hoạch, giao dịch thì sẽ vẫn còn tạo ra hiện tượng đầu cơ. Nếu thị trường được công khai thì sẽ hạn chế rất nhiều vấn đề này. Thực tế cơ quan tài nguyên và môi trường và cơ quan thuế chưa có sự liên thông về quản lý đất, nhà. Cần làm tốt thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và xem xét cái gì không hợp lý thì sửa đổi cho phù hợp. Chúng ta không thể coi thuế là chìa khoá vạn năng mà thuế chỉ tham gia vào quản lý thị trường, dựa trên nền tảng kinh tế.