Không thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm về sở hữu trí tuệ
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, việc sửa đổi luật để thể chế hóa kịp thời Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, trong đó đề ra nhiệm vụ phải tiếp tục hoàn thiện pháp luật, đặc biệt pháp luật về sở hữu trí tuệ, khắc phục những bất cập, hạn chế hiện nay để có thể tranh thủ được cơ hội, thúc đẩy đổi mới sáng tạo cũng như là chủ động, tích cực ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng 4.0, tăng cường khai thác, thực thi quyền sở hữu trí tuệ giúp các hoạt động này ngày càng tiệm cận với thực tiễn và thông lệ tốt của thế giới.
Không thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ |
Qua thảo luận, các ý kiến đánh giá cao công tác tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với các vấn đề lớn như: cơ chế về giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế, bố trí giống cây trồng là kết quả của nhiệm vụ khoa học, công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước; Vấn đề cơ chế phân chia hợp lý, lợi ích giữa nhà nước, tác giả và tổ chức chủ trì để kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng...
Đồng thời các đại biểu cũng tán thành vấn đề kiểm soát việc sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước để phục vụ cho lợi ích quốc gia, dân tộc; lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân được hưởng thụ những thành tựu phát triển khoa học công nghệ. Các đại biểu cũng nhất trí cao việc không thu hẹp đối tượng xử phạt hành chính trong lĩnh vực công nghiệp và giữ như luật hiện hành; thống nhất cao với việc bổ sung vào dự thảo Luật vấn đề liên quan đến thực thi tổ chức, cá nhân mà thực thi quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca thì không được ngăn chặn, cản trở việc sử dụng phổ biến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca. Quy định này tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ để xử lý kịp các tình huống có thể xảy ra trong thực tế.
Về ý kiến đề nghị làm rõ thế nào là tài sản trí tuệ, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng rất khó để có định nghĩa chung về tài sản trí tuệ bởi đây là một lĩnh vực rộng, bao gồm tất cả sản phẩm trí tuệ con người tạo ra và mỗi loại sản phẩm trí tuệ có đặc thù và đặc trưng riêng, khác biệt các loại khác.
Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) đề nghị Quốc hội rà soát, nghiên cứu để xây dựng được một hệ thống cơ chế giám sát, kiểm soát mang tính liên ngành rõ ràng, không chồng chéo nhằm phòng, chống một cách hiệu quả, triệt để hơn các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, trong bối cảnh nước ta hội nhập quốc tế sâu rộng, các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế diễn ra thường xuyên, việc sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca tại các sự kiện chính trị, kinh tế - xã hội, hoạt động thể dục thể thao trong và ngoài nước trên không gian mạng ngày càng phổ biến hơn nên việc quy định sử dụng phổ biến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca vào Luật là rất cần thiết, vừa đáp ứng yêu cầu đảm bảo sự tôn nghiêm của các biểu tượng quốc gia trong đời sống xã hội, vừa đảm bảo quyền hưởng thụ của người dân.
Về hạn chế của quyền chủ bằng bảo hộ giống cây trồng, đại biểu cho rằng, người dân Việt Nam sống, sản xuất nông nghiệp rộng khắp trên các vùng miền. Tuy nhiên, chỉ có Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng là có các khu vực sản xuất nông nghiệp rộng lớn, còn lại là sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, nên việc nông dân giữ giống cây trồng để canh tác cho mùa kế tiếp là đúng nhằm giảm chi phí đầu vào, sản xuất hình thức tự cung, tự cấp. Hiện tại rất khó để thay đổi nhận thức cho đồng bào nơi đây, cho nên việc quy định như luật hiện hành là phù hợp với đặc điểm, đặc tính của vùng miền.
Đại biểu Nguyễn Văn Thi (Bắc Giang) tán thành quy định giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước một cách tự động và không bồi hoàn cho tổ chức chủ trì; đồng thời quy định cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa nhà nước, tổ chức chủ trì và tác giả theo Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 1/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI. Như vậy sẽ vừa tạo điều kiện đẩy nhanh việc đưa các kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn sản xuất và đời sống, vừa vẫn đảm bảo được lợi ích của nhà nước, của tổ chức chủ trì và của tác giả.
Đại biểu cũng tán thành phương án không thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ và giữ nguyên như Luật hiện hành. Đại biểu cho rằng, việc áp dụng biện pháp xử phạt hành chính đối với tất cả các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là hợp lý vì biện pháp xử lý hành chính, thủ tục đơn giản nhanh, kịp thời ngăn chặn các hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ.