“Khúc ruột” miền Trung hướng về đồng bào miền Bắc
Mới đây nhất, đoàn công tác của TP. Đà Nẵng đã đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ TP. Hải Phòng 10 tỷ đồng để khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (Yagi) gây ra.
Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng đã gửi lời thăm hỏi, chia sẻ trước những tổn thất do cơn bão số 3 gây ra tại Hải Phòng. Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cũng động viên, bày tỏ mong muốn Hải Phòng sớm vượt qua khó khăn, khắc phục hậu quả và ổn định đời sống nhân dân.
Để kịp thời hỗ trợ, chia sẻ, động viên các địa phương đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3, trước mắt Đà Nẵng sẽ cử 4 đoàn công tác đến thăm hỏi và hỗ trợ khoảng 25 tỷ đồng để các địa phương phía Bắc khắc phục một phần hậu quả bão, lũ.
Bên cạnh đó, sau khi Hà Nội và Hải Phòng đề nghị Đà Nẵng hỗ trợ lực lượng cắt dọn, giải phóng cây xanh vì số lượng cây gãy đổ rất lớn, Thường trực Thành ủy Đà Nẵng quyết định giao Sở Xây dựng thành phố thành lập, cử lực lượng cùng phương tiện ra 2 địa phương nói trên để hỗ trợ khắc phục hậu quả của cơn bão số 3.
Cùng với cả nước, miền Trung đã và đang vào cuộc hỗ trợ các địa phương ở miền Bắc vượt qua những khó khăn do thiên tai gây ra. |
Cũng ngay sau khi nhận được thông tin tình trạng lũ lụt ở các tỉnh, thành phía Bắc sau bão Yagi, đội xuồng hơi cứu hộ - cứu nạn Đà Nẵng đã tình nguyện lên đường ứng cứu đồng bào vùng ngập lụt.
Được biết, đội xuồng hơi cứu hộ - cứu nạn Đà Nẵng được thành lập trên tinh thần tình nguyện của các thành viên Câu lạc bộ ô tô bán tải Đà Nẵng. Trong các đợt bão lũ lịch sử tại miền Trung, đội đã phối hợp cùng Câu lạc bộ ô tô bán tải Việt Nam và các tỉnh, thành như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh... lên đường cứu hộ, đưa những người dân mắc kẹt do bão lũ về nơi tránh trú an toàn.
Ở địa phương lân cận là Quảng Nam, UBND tỉnh cũng đã quyết định hỗ trợ kinh phí cho các tỉnh, thành phía Bắc bị thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và mưa lũ với tổng kinh phí 22 tỷ đồng từ ngân sách địa phương.
Cụ thể, Quảng Nam sẽ hỗ trợ Quảng Ninh và TP. Hải Phòng 2 tỷ đồng/địa phương; hỗ trợ 17 tỉnh, thành phố: Thái Bình, Yên Bái, Hòa Bình, Phú Thọ, Cao Bằng, Lào Cai, Hải Dương, Lạng Sơn, Bắc Giang, Tuyên Quang, Hà Giang, Lai Châu, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hà Nội 1 tỷ đồng/địa phương.
Tương tự, tại Quảng Bình, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh cũng gửi thư tới các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và các nhà hảo tâm cùng chung tay chia sẻ, ủng hộ nhân dân các tỉnh phía Bắc khắc phục hậu quả thiên tai. Trung tâm Công viên cây xanh TP. Đồng Hới đã đưa 10 cán bộ, nhân viên lên đường tham gia hỗ trợ khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra tại TP. Hà Nội và Hải Phòng.
Ngoài ra, một số người dân ở địa phương còn đưa các cano di chuyển ra các vùng mưa lũ phía Bắc để hỗ trợ người dân. Nhiều hội, nhóm trên mạng xã hội ở Quảng Bình đang kêu gọi, tập hợp tình nguyện viên và đóng góp, ủng hộ thuyền, áo phao, lương thực, thực phẩm để hỗ trợ người dân bị thiệt hại do bão số 3 và hoàn lưu mưa sau cơn bão lịch sử này.
Trước đó, hơn 150 tình nguyên viên của Hội Phản ứng nhanh tỉnh Thừa Thiên - Huế (PUN75) và Công ty Lữ hành Jungle Boss Tours (Quảng Bình) cũng đã lên đường ra phía Bắc hỗ trợ khắc phục hậu quả mà thiên tai để lại.
Bà con ở miền Trung gói bánh chưng để gửi ra Bắc. |
Còn ở quê hương Bác Hồ, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Nghệ An đã ra quyết định thành lập Đội hình thanh niên tình nguyện với 100 tình nguyện viên từ các đơn vị: Thành đoàn Vinh, huyện đoàn Nghi Lộc, Diễn Châu và Thị đoàn Hoàng Mai lên đường tham gia hỗ trợ khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra tại Hải Phòng. Chỉ sau một đêm di chuyển từ Nghệ An ra, các thanh niên tình nguyện Nghệ An đã bỏ qua những mệt mỏi, bắt tay ngay vào việc hỗ trợ người dân địa phương khắc phục hậu quả bão số 3.
Tình cảm và rất thiết thực, khi nghe tin người dân các địa phương ở phía Bắc đang vật lộn với các đợt mưa lũ dồn dập, nhiều người đang đối mặt với cái lạnh và những cơn đói, bà con Nghệ An đã tất bật nấu bánh chưng để gửi ra với tinh thần sẻ chia trong lúc hoạn nạn. Đó là câu chuyện ở thị trấn Dùng, huyện Thanh Chương. Ở đây, không ai bảo ai, mỗi người một công việc. Người thì chẻ lạt, người rửa lá dong, đãi gạo, đậu. Những nồi bánh chưng được nấu chín và sẽ được đưa xuống TP. Vinh, trước khi được các tình nguyện viên phân loại, chuyển ra hỗ trợ người dân vùng lũ phía Bắc…
Nhiều lắm và còn nhiều những nghĩa tình của miền Trung đối với các địa phương phía Bắc sau cơn bão lịch sử. Thực tế rằng, miền Trung hằng năm phải đối mặt với nhiều đợt mưa, bão, lũ nặng nề, nên người miền Trung quá thấu hiểu những khó khăn do thiên tai gây ra. Và sau mỗi cơn bão, lũ, nghĩa đồng bào thiêng liêng, sâu sắc càng được khơi dậy, thể hiện qua sự hỗ trợ không chỉ bằng lời nói, sự sẻ chia mà còn bằng hành động cụ thể, thiết thực...
Hy vọng rằng, những nghĩa cử cao đẹp từ “khúc ruột” miền Trung sẽ tiếp thêm sức mạnh, động lực để bà con các địa phương đang phải gánh chịu những thiệt hại do mưa bão gây ra, vượt qua thời điểm gian nguy, sớm ổn định cuộc sống của mình.