Khủng hoảng ngân hàng sẽ gây ra suy thoái
Nền kinh tế chịu ảnh hưởng
Biên bản cuộc họp tháng 3 của Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC) bao gồm cả phần nhận định của các thành viên về những “hậu quả tiềm tàng” từ sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) và những xáo trộn khác trong lĩnh vực tài chính vào đầu tháng 3. Mặc dù Phó Chủ tịch Fed phụ trách mảng Giám sát Michael Barr cho biết, ngành Ngân hàng vẫn “lành mạnh và kiên cường”, nhưng các thành viên FOMC cho rằng nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng.
“Dựa trên đánh giá của họ về tác động kinh tế tiềm ẩn của những vấn đề gần đây của ngành Ngân hàng, dự đoán của các thành viên tại thời điểm diễn ra cuộc họp tháng 3 bao gồm một cuộc suy thoái nhẹ bắt đầu vào cuối năm nay, với sự phục hồi trong hai năm tiếp theo”, biên bản cuộc họp cho biết.
Biên bản cuộc họp cũng chỉ ra rằng, các quan chức Fed dự kiến tăng trưởng GDP sẽ chỉ ở mức 0,4% cho cả năm 2023. Số liệu theo dõi của Fed Atlanta cho thấy, tăng trưởng quý I vừa qua khoảng 2,2%, như vậy báo hiệu sự sụt giảm nếu có sẽ diễn ra vào cuối năm nay.
Cuộc khủng hoảng trên thị trường ngân hàng có thể khiến kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái vào cuối năm nay |
Những vấn đề căng thẳng trong hệ thống ngân hàng Mỹ xảy ra vào thời điểm trước cuộc họp tháng 3, và đã dẫn đến một số suy đoán rằng Fed có thể giữ nguyên lãi suất, tuy nhiên các quan chức vẫn nhấn mạnh sự cần thiết phải hành động nhiều hơn nữa để chế ngự lạm phát. Cuối cùng, các quan chức FOMC đã bỏ phiếu tăng lãi suất tiêu chuẩn thêm 0,25% - đưa lãi suất liên bang đến phạm vi mục tiêu là 4,75% -5%, mức cao nhất kể từ cuối năm 2007.
Quyết định tăng lãi suất diễn ra chưa đầy hai tuần sau khi SVB - vào thời điểm đó là tổ chức ngân hàng lớn thứ 17 ở Hoa Kỳ - sụp đổ. Sự thất bại của SVB và hai ngân hàng khác đã thúc đẩy Fed nhanh chóng ban hành các cơ sở cho vay khẩn cấp để đảm bảo các ngân hàng có thể tiếp tục hoạt động bình thường.
Các quan chức cho biết tại cuộc họp rằng, họ tin tưởng giá cả sẽ tiếp tục giảm hơn nữa. “Phản ánh tác động của việc thắt chặt thị trường sản phẩm và lao động sẽ ít hơn dự đoán, lạm phát cơ bản được dự báo sẽ giảm mạnh vào năm tới”, Biên bản cho biết. Tuy nhiên, mối lo ngại về các điều kiện kinh tế rộng lớn hơn vẫn còn cao, đặc biệt là về các vấn đề liên quan đến ngân hàng. Biên bản lưu ý rằng, mặc dù các chương trình cho vay khẩn cấp của Fed đã giúp ngành Ngân hàng vượt qua khó khăn, nhưng dự đoán việc cho vay sẽ bị thắt chặt hơn và các điều kiện tín dụng sẽ xấu đi. “Ngay cả với những hành động đã được đưa ra, các thành viên vẫn nhận thấy có một sự không chắc chắn đáng kể về cách những điều kiện đó sẽ tiến triển như thế nào”, biên bản cho biết.
Có thể chỉ còn một lần tăng lãi suất nữa
Một số nhà hoạch định chính sách đã đặt vấn đề liệu có nên giữ lãi suất ổn định hay không khi đang phải theo dõi xem cuộc khủng hoảng diễn ra như thế nào. Tuy nhiên, cuối cùng họ đã đồng ý bỏ phiếu cho một đợt tăng lãi suất 0,25% vì “lạm phát còn tăng cao, các dữ liệu kinh tế gần đây vẫn mạnh và cam kết của FOMC là đưa lạm phát xuống mục tiêu dài hạn 2%”. Biên bản cũng lưu ý rằng trên thực tế, một số thành viên đang nghiêng về việc cần tăng lãi suất 0,5% trước khi các vấn đề ngân hàng nảy sinh, vì cho rằng lạm phát vẫn đang ở mức "quá cao".
Từ sau cuộc họp tháng 3 của FOMC đến nay, nhìn chung dữ liệu lạm phát đang theo xu hướng phù hợp với các mục tiêu của Fed. Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát ưa thích của Fed và được các nhà hoạch định chính sách theo dõi nhiều nhất - chỉ tăng 0,3% trong tháng 2 và thấp hơn mức dự kiến.
Trong khi đó theo số liệu của Bộ Lao động Mỹ hôm thứ Tư, CPI tháng 3 chỉ tăng 0,1% so với tháng trước, thấp hơn so với dự đoán của thị trường (0,2%). Đáng chú ý nếu so sánh theo năm về diễn biến CPI các tháng trong quý I vừa qua, có thể thấy tốc độ tăng của lạm phát đang giảm mạnh: Tháng 1 tăng 6,4%; tháng 2 tăng 6%, và tháng 3 tăng 5% so với cùng kỳ năm trước, tức CPI tháng 3 đã giảm tới 1% so với tháng 2. Việc lạm phát hạ nhiệt mạnh hơn vào tháng 3 cho thấy việc tăng lãi suất Fed đang mang lại nhiều tác động hơn.
Tuy nhiên, đà tăng của CPI giảm chủ yếu do giá năng lượng và thực phẩm được chế ngự. Trong khi đó CPI lõi (loại bỏ giá năng lượng và thực phẩm) tháng 3 tăng 0,4% (so với tháng trước) và 5,6% (so với cùng kỳ năm trước) và đều đúng như kỳ vọng của thị trường. Như vậy, đây cũng là lần đầu tiên sau hơn 2 năm qua, CPI lõi ghi nhận mức tăng cao hơn so với CPI chung.
Theo dữ liệu của CME Group vào chiều thứ Tư, các thị trường đặt cược khoảng 72% khả năng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 0,25% vào cuộc họp chính sách tháng 5 trước khi dừng lại và có thể cắt giảm lãi suất trước cuối năm nay. Theo Jeffrey Roach, kinh tế gia trưởng Hoa Kỳ tại LPL Financial, khi nền kinh tế chậm lại, giá tiêu dùng sẽ giảm hơn nữa và sẽ đưa lạm phát đến gần mục tiêu dài hạn của Fed. “Các thị trường có thể sẽ phản ứng thuận lợi với báo cáo này khi các nhà đầu tư có thêm niềm tin rằng, cuộc họp chính sách tiếp theo của Fed có thể là cuộc họp cuối cùng mà FOMC tăng lãi suất”, Jeffrey Roach nhận định.