Khung khổ pháp lý và cơ chế chính sách cho thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam ngày càng hoàn thiện
Thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng mạnh
Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết: “Thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) có vai trò đặc biệt quan trọng, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các chủ thể tham gia và cả nền kinh tế, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao khả năng tiếp cận tài chính và thúc đẩy tài chính toàn diện”.
TTKDTM giúp giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt, góp phần vào công tác quản lý thuế, phòng, chống tội phạm, tham nhũng, các vấn đề về gian lận lợi ích; người dân, doanh nghiệp có thêm kênh giao dịch tiện ích, thuận lợi; các nguồn vốn trong xã hội được luân chuyển một cách an toàn, hiệu quả, tiết kiệm chi phí, thời gian...
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh phát biểu chủ trì Hội thảo |
Với việc triển khai tích cực, đồng bộ và quyết liệt nhiều giải pháp, hoạt động TTKDTM thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực và vượt bậc. Cụ thể, hành lang pháp lý cho hoạt động TTKDTM đã được hoàn thiện; hạ tầng kỹ thuật, công nghệ phục vụ TTKDTM, nhất là thanh toán điện tử, được mở rộng, đầu tư và nâng cấp. Hầu hết các thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đã được ứng dụng vào hoạt động thanh toán. Các sản phẩm, dịch vụ TTKDTM nhất là thanh toán điện tử được phát triển mạnh mẽ, đa dạng.
Số lượng, giá trị các giao dịch được thực hiện qua các phương tiện TTKDTM có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất là thanh toán qua điện thoại di động và Internet. Các hệ sinh thái thanh toán số được hình thành, cho phép kết nối, tích hợp với các đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ.
“Hệ sinh thái thanh toán số đã phát huy hiệu quả tối đa trong việc thay đổi thói quen, hành vi tiêu dùng của một bộ phận lớn dân cư trong xã hội, hoạt động TTKDTM trong khu vực chính phủ, dịch vụ hành chính công đã có nhiều chuyển biến tích cực”, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán - NHNN đánh giá và dẫn chứng nhiều con số chứng minh thanh toán không dùng tiền mặt đang tăng vọt.
Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2020, số lượng và giá trị giao dịch TTKDTM đều tăng trưởng, tương ứng 75,2% và 30,4% so với cùng kỳ năm 2019; đặc biệt là số lượng và giá trị giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng mạnh tương ứng gần 125% và 130% so với cùng kỳ năm 2019.
Thống kê của NHNN cho thấy, tính đến nay đã có hơn 30 bệnh viện triển khai thanh toán viện phí điện tử; 50 ngân hàng thương mại hoàn thành kết nối thanh toán thuế điện tử với cơ quan thuế, hải quan trên 63 tỉnh, thành phố, 95% số thu hải quan thực hiện qua ngân hàng; 99% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử; 27 ngân hàng thương mại và 10 tổ chức trung gian thanh toán phối hợp thu tiền điện, doanh thu tiền điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam thanh toán qua ngân hàng lên tới gần 90%.
Theo khảo sát của PwC đối với 27 nước đã ghi nhận Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán di động trong năm 2018. Đến nay, toàn thị trường có 77 tổ chức triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet và 45 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động.
Các đơn vị đã nghiên cứu, ứng dụng nhiều công nghệ mới, hiện đại vào hoạt động thanh toán, với việc áp dụng xác thực vân tay, nhận diện khuôn mặt, sinh trắc, sử dụng QR Code, Tokenization, thanh toán phi tiếp xúc, công nghệ mPOS... Đến nay có khoảng 30 ngân hàng triển khai dịch vụ thanh toán QR Code, toàn thị trường có hơn 90.000 điểm chấp nhận thanh toán QR Code - một hình thức thanh toán mới, hiện đại tại đơn vị chấp nhận thanh toán tương tự như thanh toán qua POS.
Sự hợp tác giữa ngân hàng và Fintech ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Các lĩnh vực hợp tác chính như: Cải tiến sản phẩm, tiếp cận và tiếp nhận khách hàng, thẩm định, dịch vụ và tối ưu hoạt động. Fintech phân loại các sản phẩm ngân hàng truyền thống, cung cấp các tùy chọn chi phí thấp hơn, trải nghiệm người dùng tốt hơn, thu hút khách hàng thông qua các kênh số hóa được cung cấp cho việc tiếp nhận ban đầu, nhanh chóng, không cần giấy tờ.
Các chuyên gia và đại biểu thảo luận tại Hội thảo |
Các ngân hàng bổ sung cho mô hình chấm điểm tín dụng truyền thống của mình, sử dụng các mô hình dựa trên thuật toán nhanh hơn tận dụng dữ liệu lịch sử và các dữ liệu thay thế. Sự hợp tác này mang lại dịch vụ trên các kênh số hóa, hướng tới người tiêu dùng đã đạt mức trưởng thành số hóa cao, các tùy chọn tự phục vụ trên các kênh số hóa có thể theo dõi và có thể thực hiện liền mạch các yêu cầu của khách hàng. Cùng với sự xuất hiện các chủ thể mới, hệ sinh thái số cũng ngày càng phát triển.
Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, đẩy mạnh công tác truyền thông
Tuy đã có những kết quả tích cực nhưng Vụ trưởng Vụ Thanh toán - NHNN cũng chỉ ra một số khó khăn mà TTKDTM vẫn còn phải đối mặt, đó là: Hành lang pháp lý; thói quen sử dụng tiền mặt, tâm lý e ngại khi tiếp cận với công nghệ thanh toán mới của người dân. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng thanh toán chưa được phát triển ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; đơn vị chấp nhận thanh toán chưa có đủ kiến thức cũng như lợi ích thiết thực khi chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt so với tiền mặt, do đó chưa tích cực tham gia.
Mặt khác, tội phạm trong lĩnh vực công nghệ cao, thanh toán điện tử gần đây có những diễn biến phức tạp với những hành vi, thủ đoạn mới, tinh vi hơn, do đó, các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn cho các dịch vụ thanh toán dựa trên công nghệ cao cần tiếp tục được quan tâm và tăng cường.
Trao đổi về vấn đề an toàn giao dịch, Đại tá Trương Sơn Lâm, Phó cục trưởng Cục A05 (Bộ Công an), cho biết: “Trong các vụ án đã triệt phá, có những đối tượng sở hữu trong tay hàng nghìn tài khoản cá nhân, hàng trăm thẻ ATM để sử dụng vào mục đích lừa đảo, vi phạm pháp luật. Thủ đoạn, hành vi của những đối tượng này liên tục thay đổi, tinh vi, mang tính ẩn danh cao hoặc nặc danh, giả mạo danh nghĩa của những tổ chức, cá nhân có uy tín để lừa đảo...”.
Do đó, đại diện Bộ Công an khuyến cáo cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, kể cả các nhân viên, cán bộ trong ngành ngân hàng về những thủ đoạn lừa đảo công nghệ cao; thường xuyên kiểm tra, kiểm soát phát hiện các giao dịch đáng ngờ; hoàn thiện cơ chế pháp lý; chủ động triển khai phương án phòng chống rủi ro, tấn công mạng...
Chia sẻ về kinh nghiệm quốc tế trong thúc đẩy TTKDTM, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV), đã chỉ ra một vài mô hình hiệu quả tại Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan như: Tổ chức các chương trình kích cầu, hoàn tiền khi giao dịch điện tử, miễn phí giao dịch nhỏ; xây dựng hệ thống thuế điện tử tích hợp eTAX; xây dựng hệ thống chuyển tiền PromptPay cho phép không cần dùng tài khoản ngân hàng mà có thể dùng mã số định danh quốc gia và số điện thoại di động...
Từ đó, TS. Cấn Văn Lực khuyến nghị cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng bộ tiêu chí đo lường tỷ lệ sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt; ban hành quy định quản lý công ty công nghệ tài chính (Fintech), ví điện tử, tiền di động (mobile money) theo hướng mở rồi kiểm soát chặt dần.
"Cần sớm có quy định về chia sẻ thông tin, dữ liệu; cơ chế công nhận kết quả thẩm định, xác thực lẫn nhau giữa các tổ chức tín dụng, xây dựng cơ sở dữ liệu định danh cá nhân quốc gia. Việc nghiên cứu cấp phép ngân hàng số; nghiên cứu cách tiếp cận, quản lý tiền kỹ thuật số cũng là những điều cần lưu tâm", TS. Cấn Văn Lực gợi ý thêm.
Toàn cảnh Hội thảo |
Thông tin tại Hội thảo, ông Phạm Tiến Dũng cho biết thêm, Thông tư về eKYC vừa được Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh ký sáng nay. Đây là nền tảng đầu tiên để thanh toán số, ngân hàng số phát triển. Về thúc đẩy thanh toán số phát triển thời gian tới, NHNN cho biết sẽ thúc đẩy nhanh chóng hoàn thiện tốt hơn nữa khung pháp lý.
“Chúng tôi đang nghiên cứu, xem xét có nên đưa ra Luật Thanh toán hay không. Hiện đã có 84 quốc gia có Luật Thanh toán, gần Việt Nam nhất là Lào và Campuchia. Lý do là hiện nay, tham gia lĩnh vực thanh toán có rất nhiều chủ thể (Fintech, Big Tech…) chứ không chỉ có tổ chức tín dụng. Ngoài ra, cũng xuất hiện nhiều hình thức thanh toán mới như QR, tiền điện tử…”, ông Dũng cho hay.
Ở góc độ ngân hàng, Tổng giám đốc TPBank Nguyễn Hưng đề xuất về việc kết nối hạ tầng của các TCTD và cơ quan nhà nước NHNN cần tiếp tục hoàn thiện kết nối giữa hạ tầng thanh toán điện tử của các TCTD với hạ tầng của các cơ quan tthuế, hải quan, kho bạc nhà nước để phục vụ yêu cầu phối hợp thu ngân sách nhà nước bằng phương thức điện tử. Các cơ quan nhà nước cần có cơ chế chia sẻ dữ liệu, xây dựng hệ thống Open API liên thông với các TCTD để tạo ra một cơ chế thanh toán thông suốt NHNN cùng các bộ, ban, ngành liên quan cần nghiên cứu mở rộng các giải pháp cho phép các ngân hàng thương mại tra cứu thông tin khách hàng, thông tin doanh nghiệp để hỗ trợ ngân hàng thương mại trong công tác xác minh khách hàng, kiểm soát hồ sơ hạn chế rủi ro gian lận.
Hiện nay, thói quen người tiêu dùng vẫn là một rào cản lớn trong việc phát triển TTKDTM ở Việt nam. Vì vậy, các đại biểu tham gia Hội thảo đề xuất, Chính phủ phối hợp cùng các bộ, ban, ngành và các doanh nghiệp cần đẩy mạnh truyền thông đồng bộ và có hiệu quả trong việc phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và cách thức thanh toán tiêu dùng của người dân, qua đó, nâng cao khả năng tiếp cận các sản phẩm dịch vụ ngân hàng cho người dân, khuyến khích sử dụng các phương thức TTKDTM.