Kịch bản giá dầu giảm vẫn là xu thế chính
Tính đến nay, giá dầu thô Brent vẫn giảm hơn 38% kể từ khi đạt mức đỉnh 4 năm (gần 75 USD/thùng) vào tháng 10/2018 và hiện đang giao dịch gần với mức thấp nhất kể từ tháng 8/2017.
Ảnh minh họa |
Là nguồn nhiên liệu đầu vào quan trọng cho nền kinh tế, các số liệu liên quan đến dầu mỏ luôn là chỉ báo quan trọng cho tăng trưởng kinh tế trong tương lai. Cùng với sự đi xuống của các TTCK, đà sụt giảm mạnh của giá dầu thời gian vừa qua phản ánh mối lo ngại rằng, nền kinh tế toàn cầu đang suy yếu. Thậm chí, việc nhất trí cắt giảm sản lượng của OPEC và các quốc gia đối tác vừa qua cũng không thể giúp đảo ngược xu hướng đi xuống của giá dầu.
Trong các dự báo mới đây nhất, hầu hết các tổ chức đều hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2019. Tăng trưởng kinh tế chậm lại cũng đồng nghĩa với nhu cầu đối với các sản phẩm năng lượng giảm đi. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã cảnh báo về nhu cầu "tương đối yếu" ở châu Âu và các nước châu Á phát triển, đồng thời cũng cảnh báo sự chậm lại trong nhu cầu dầu mỏ của Ấn Độ, Brazil hay Argentina.
Theo Robin Mills, CEO của công ty tư vấn năng lượng Qamar Energy, nhân tố chi phối từ phía cầu sẽ là triển vọng kinh tế. Dù giá dầu thấp hơn là yếu tố hỗ trợ nhưng nhìn chung nền kinh tế toàn cầu vẫn có dấu hiệu chậm lại.
OPEC trong tháng này cũng đưa ra nhận định cho rằng, nhu cầu của thị trường đối với dầu mỏ từ tổ chức này sẽ thấp hơn năm 2018 khoảng 1 triệu thùng/ngày trong năm tới. Với dự báo như vậy, OPEC và các đối tác trong tháng này đã nhất trí sẽ cắt bớt nguồn cung 1,2 triệu thùng/ngày trong 6 tháng và bắt đầu vào tháng 1/2019. Trong đó, các thành viên của OPEC sẽ giảm sản lượng 800.000 thùng, còn Nga và các đối tác khác cắt giảm 400.000 thùng/ngày.
Theo lẽ thường, việc đạt được thỏa thuận này kỳ vọng sẽ giúp giá dầu hồi phục trở lại. Tuy nhiên khi thông tin được đưa ra, giá dầu chủ yếu vẫn trong xu hướng giảm trong những phiên giao dịch vừa qua. "Nếu giá dầu vẫn dưới 60 USD/thùng thì rất có thể OPEC sẽ tìm cách gia hạn thỏa thuận trên. Ngược lại nếu giá dầu tăng mạnh trở lại, ví dụ ở mức 80 USD/thùng thì rất có thể họ sẽ thỏa thuận tăng lại sản lượng", ông Russ Mold của nền tảng đầu tư trực tuyến AJ Bell nhận định.
Bên cạnh dự báo tăng trưởng toàn cầu có thể chậm lại trong năm tới cũng còn nhiều yếu tố khác khiến giá dầu duy trì đà giảm. Trong đó, một quyết định gây ngạc nhiên của Mỹ trong tháng 11 vừa qua là cho phép 8 nước được miễn trừ trừng phạt tạm thời trong việc tuân thủ lệnh cấm vận của Mỹ với Iran. Các miễn trừ này phải tới tháng 5 năm tới mới hết hạn và chưa rõ liệu có tiếp tục được gia hạn sau đó hay không.
Bên cạnh đó, Hoa Kỳ lần đầu tiên đã vượt qua Nga và Ả Rập Saudi kể từ năm 1973 để trở thành nhà sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới vào tháng 9/2018. Điều đó cho thấy, sự bùng nổ dầu đá phiến đã giúp Mỹ định hình lại bức tranh năng lượng toàn cầu, đồng thời làm gia tăng nghi ngờ về khả năng tác động đến giá dầu của OPEC hiện nay và trong tương lai.