Kích cầu tiêu dùng, không quên lạm phát
Kích cầu là cần thiết
Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nặng nề, liên tục và kéo dài khiến thu nhập của người dân giảm sút, chi tiêu cho các hàng hóa – đặc biệt ở mảng dịch vụ như các hoạt động vui chơi giải trí, du lịch giảm sâu. Tuy nhiên nhu cầu tiêu dùng, nhất là với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng thiết yếu trước và trong các thời điểm quan trọng như Tết Nguyên đán tới đây chắc chắn vẫn gia tăng. Nắm bắt xu hướng này và cũng để hỗ trợ người tiêu dùng, các địa phương đã và đang tổ chức nhiều hoạt động kích cầu tiêu dùng cuối năm. Từ hệ thống các siêu thị, sàn thương mại điện tử đến các cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ đều tung ra các chương trình khuyến mại, cam kết lượng cung hàng hóa dồi dào với giá cả ổn định để phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa. Đây là những tín hiệu tích cực từ phía cung hàng hóa và cũng đón nhận những phản hồi lạc quan từ phía người tiêu dùng.
Thế nhưng trong bối cảnh thu nhập bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh, người dân cũng sẽ đắn đo hơn trong chi tiêu tiêu dùng. Chia sẻ tại ''Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và Phát triển bền vững” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đồng tổ chức đầu tháng này, TS. Jonathan Pincus - Cố vấn kinh tế cao cấp của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho rằng, nếu có một cơ chế hỗ trợ tiền để người dân có thể chi tiêu trong dịp Tết Nguyên đán 2022 thì không chỉ giúp cải thiện nhanh sức cầu nội địa đang rất thấp hiện nay mà còn hỗ trợ cho phía cung là các doanh nghiệp trong nước vốn cũng đang rất trông chờ vào mùa kinh doanh cuối năm.
Mới đây, UNDP đã khuyến nghị cần có một chương trình hỗ trợ tiền mặt đại trà dành cho các gia đình có trẻ em từ sáu tuổi trở xuống và người già từ sáu mươi tuổi trở lên chưa có lương hưu. Theo UNDP, trong những năm bình thường, tăng trưởng tiêu dùng trong nước thường chiếm từ 60% đến 70% mức tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, tiêu thụ nội địa đã giảm trong quý III và ghi nhận tăng trưởng chậm lại trong những tháng cuối năm năm 2021 (so với cùng kỳ các năm trước). Do đó, một chương trình hỗ trợ tiền mặt sẽ giúp nhiều gia đình khó khăn có tiền để chi tiêu ngay dịp Tết, qua đó cũng gián tiếp hỗ trợ tích cực cho doanh thu của nhiều doanh nghiệp vốn phụ thuộc khá nhiều vào dịp cao điểm này.
Theo bà Caitlin Wiesen - Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, một chương trình hỗ trợ như vậy có thể được thực hiện nhanh chóng và ít khó khăn về hành chính vì chỉ dựa trên cơ sở giấy khai sinh hoặc thẻ căn cước. Hơn nữa, chương trình sẽ tự bù đắp một phần thông qua việc tăng nguồn thu từ thuế nhờ hoạt động kinh tế trong nước nhiều hơn. Theo đại diện UNDP, do hiệu ứng số nhân, mỗi đồng mà Chính phủ chi để hỗ trợ tiền mặt sẽ làm tăng tổng cầu hơn 3 đồng khi thu nhập luân chuyển qua các vòng chi tiêu tiếp theo. Khoản chi tiêu bổ sung như vậy sẽ tạo ra nguồn thu thông qua thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp, qua đó giúp giảm chi phí chung cho chương trình này.
Dè chừng với áp lực lạm phát
Theo các chuyên gia, trong những giai đoạn kinh tế suy giảm, nguyên lý chung là cần các chính sách hỗ trợ, kích cầu để tăng tiêu dùng và kích thích đầu tư sản xuất. Tuy nhiên theo TS. Ngô Trí Long, quy mô kích cầu như thế nào phụ thuộc rất lớn vào nguồn lực, đối tượng và những tác dụng phụ có thể xảy ra. Trong đó, cần tính đến những tác động đối với lạm phát.
Dù lạm phát năm 2021 chỉ ở mức thấp so với mục tiêu đặt ra, nhưng hiện đang đối mặt với các áp lực lớn từ cả trong nước và bên ngoài. Với bên ngoài, rủi ro “nhập khẩu” lạm phát là không nhỏ với nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam và trong bối cảnh giá hàng hóa cơ bản, chi phí logistic và lạm phát gia tăng nhanh ở hầu hết các nền kinh tế lớn. Trong nước, giá cả các hàng hóa nguyên nhiên vật liệu, nhất là xăng dầu tăng mạnh và duy trì ở mặt bằng giá cao khiến áp lực tăng giá hàng hóa cũng trực chờ trỗi dậy. Bên cạnh đó, các gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế có thể khiến nhu cầu tiêu dùng, đầu tư gia tăng cũng sẽ gây sức ép không nhỏ lên giá cả. Chưa kể, áp lực cũng đến từ các kênh trên thị trường tài sản như bất động sản, chứng khoán... vốn đã tăng trưởng khá nóng trong năm 2021.
TS. Lê Duy Bình - Giám đốc Economica Việt Nam nhận định, bên cạnh rủi ro nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài, lạm phát trong năm 2022 còn chịu áp lực từ các gói kích thích kinh tế sắp tới. “Việc thiết kế và triển khai các gói kích thích tới đây như thế nào, kéo theo đó là sẽ có những điều chỉnh gì đối với CSTK và CSTT là những yếu tố có thể khiến lạm phát tăng trong năm tới”, ông Bình nêu quan điểm.
Đồng quan điểm trên, TS. Ngô Trí Long cảnh báo: “Rủi ro nhập khẩu lạm phát và sức ép lên giá cả từ kinh tế phục hồi (nhờ tác động của các gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế khiến nhu cầu tiêu dùng, đầu tư gia tăng) trong năm 2022 là rất lớn và có thể xảy ra ngay từ đầu năm. Do đó, việc giữ được mục tiêu lạm phát trong năm tới là không dễ dàng”.
Để chủ động ngăn ngừa và giảm bớt áp lực lạm phát, chuyên gia này khuyến nghị các Bộ, ngành cần tiếp tục phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp trong điều hành giá các mặt hàng thiết yếu. Theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, cung cầu, đặc biệt là thời điểm cận Tết Nguyên đán để có các biện pháp điều tiết cung cầu phù hợp, tránh xảy ra tình trạng biến động giá đột biến do gián đoạn nguồn cung, ách tắc phân phối hay các hiện tượng tích trữ hàng hóa, tung tin đồn gây sốt giá…
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, việc tiếp tục tăng cường, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa CSTK, CSTT và các chính sách vĩ mô khác. “Cần gắn quan điểm điều hành, kiểm soát lạm phát với yêu cầu phục hồi, tăng trưởng kinh tế cả ngắn hạn và trung - dài hạn để ứng xử phù hợp. Đồng thời, cần tiếp tục phối hợp hiệu quả giữa CSTK, CSTT trong điều hành cung tiền, lãi suất, trung hòa lượng tiền vào - ra, điều tiết giá cả. Nhất là việc tăng giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý cần được tính toán, đánh giá tác động kỹ lưỡng và có giải pháp phù hợp”, TS. Lực đề xuất.
Cũng theo chuyên gia này, Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH được thông qua tới đây cũng như Chương trình tổng thể phòng, chống dịch bệnh cần được thực hiện thực sự hiệu quả, qua đó hướng dòng tiền chảy vào những lĩnh vực thực sự cần thiết, có triển vọng phục hồi mạnh; tránh chảy vào các lĩnh vực đầu cơ, gây tăng giá ảo và tạo hệ lụy xấu đến giá cả hàng hóa nói chung.