Kích cung lao động xuất khẩu huyện nghèo
30 DN tham gia “Đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020” với hơn 350 hợp đồng cung ứng lao động, nhưng chỉ có 24 DN đã ký hợp đồng đặt hàng tuyển chọn, đưa người lao động các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài số lao động xuất khẩu thực tế cũng rất thấp, chỉ đạt khoảng 9.700 lao động và bằng 30% chỉ tiêu của đề án.
Bên cạnh nguyên nhân chưa sâu sát của chính quyền địa phương, ảnh hưởng của thị trường lao động cũng như hạn chế của người lao động thì một nguyên nhân quan trọng khác chính là các chính sách chưa đủ hấp dẫn.
Ảnh minh họa |
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh – Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết, do ảnh hưởng của văn hoá, phong tục tập quán, địa bàn tuyển lao động thuộc vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn nên chi phí DN phải bỏ ra để tư vấn, tuyển chọn lao động lớn hơn rất nhiều so với tuyển chọn lao động thuộc các địa bàn khác từ 2-3 triệu đồng/lao động. Trong khi đó, DN lại không được phép thu thêm phí của người lao động.
Mặt khác, quy định hiện hành chỉ hỗ trợ chi phí liên quan đến đào tạo, đi lại, khám sức khoẻ được tính theo thời gian thực tế người lao động tham gia đào tạo đã không khuyến khích DN tham gia cũng như không có cơ chế ràng buộc DN có trách nhiệm về chất lượng đào tạo. Thống kê cho thấy, chỉ có hơn 55% người lao động được đào tạo đã đi lao động ở nước ngoài.
Hiện các DN đang thực hiện tuyển chọn lao động trên cơ sở danh sách được UBND huyện lựa chọn. Tuy nhiên, trong hồ sơ thanh toán, ngoài danh sách người lao động đã được UBND huyện phê duyệt còn có thêm đơn đề nghị hỗ trợ của từng người lao động, do UBND xã xác nhận. Việc xuất trình hai loại giấy tờ cùng một lúc để xác minh đối tượng gây mất thời gian đối với DN, thậm chí một số địa phương không tạo điều kiện thuận lợi cho DN để xác định giấy tờ này. Những khó khăn trắc trở này không chỉ gây khó khăn cho các DN đang thực hiện đề án mà còn giảm dần số DN muốn tham gia.
Chính vì vậy, việc tạo động lực cho các DN tham gia vào đề án được coi là một trong những điểm tựa để thực hiện thành công đề án. Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh đề xuất, cần thí điểm thực hiện thanh toán hỗ trợ học phí cho người lao động theo mức khoán và số lao động tham gia đào tạo. Theo đó, DN có thể lựa chọn phương thức cũ hoặc mới phù hợp với điều kiện thực tế.
Đồng thời, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất nghiên cứu hỗ trợ một phần cho các DN trực tiếp đi vận động và tuyển chọn người lao động tại các huyện nghèo. Quy trình thủ tục cũng cần đơn giản theo nguyên tắc DN: chủ động phối hợp với huyện để tuyển chọn lao động và trong hồ sơ thanh toán chỉ quy định đơn do xã xác nhận đối tượng thụ hưởng.
Ông Quỳnh cũng kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần nghiên cứu và cho phép áp dụng mô hình gắn kết DN với địa phương, tạo nguồn lao động xuất khẩu của các huyện nghèo. Theo đó, sau khi thống nhất với DN về thị trường và ngành nghề, địa phương chủ động khâu tuyển chọn, đào tạo nguồn. DN có trách nhiệm đưa số lao động sau khi được đào tạo đáp ứng yêu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo thoả thuận giữa các bên. Đồng thời, nghiên cứu cơ chế khuyến khích các DN dành một tỷ lệ nhất định để tuyển chọn lao động huyện nghèo đối với mỗi thị trường mà DN tham gia…