“Kích hoạt” mọi chính sách để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp
Kéo dài thời gian cơ cấu nợ, giảm áp lực tài chính cho khách hàng Ước tính thiệt hại do bão số 3 gây ra khoảng 40 nghìn tỷ đồng; tăng trưởng GDP cả năm có thể giảm 0,15% |
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú chủ trì buổi làm việc |
Khẩn trương triển khai hỗ trợ khách hàng
Phát biểu tại buổi làm việc Triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 gây ra, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, tổng thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra ước tính sơ bộ trên 50 nghìn tỷ đồng, dự báo có thể làm tốc độ tăng trưởng GDP cả năm giảm khoảng 0,15% so với kịch bản tăng trưởng đạt 6,8-7%. “Việc NHNN tổ chức buổi làm việc thể hiện quyết tâm, trách nhiệm cao nhất của ngành Ngân hàng để tìm ra giải pháp phù hợp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Riêng đối với ngành Ngân hàng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN Hà Thu Giang cho biết, qua tổng hợp sơ bộ đến ngày 17/9/2024 từ các TCTD và 26 chi nhánh NHNN tại các địa bàn bị thiệt hại do bão số 3, có khoảng 73.000 khách hàng bị ảnh hưởng với dư nợ ước tính khoảng 94.000 tỷ đồng. Dự kiến số lượng khách hàng và dư nợ bị ảnh hưởng sẽ còn gia tăng trong những ngày tới do các TCTD và NHNN chi nhánh đang tiếp tục thống kê và cập nhật số liệu.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, nhận diện con số thiệt hại rất lớn, nên ngay sau bão, ngày 9/9, NHNN đã ban hành văn bản chỉ đạo các NHTM chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn và vận dụng tất cả các cơ chế chính sách hiện nay đang có để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão; thực hiện xử lý nợ đối với khách hàng bị thiệt hại về vốn vay theo quy định hiện hành để hỗ trợ khách hàng khắc phục hậu quả do cơn bão. Đồng thời, để nắm bắt thực tế tình hình thiệt hại sau bão, lãnh đạo NHNN cũng đã đi khảo sát, nắm bắt tình hình và triển khai công tác khắc phục hậu quả bão số 3 tại tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng.
Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, cùng với sự chủ động của mình, thời gian qua, các ngân hàng cũng “kích hoạt” mọi cơ chế chính sách theo quy định pháp luật để hỗ trợ khách hàng.
Phó tổng giám đốc Vietcombank Nguyễn Việt Cường cho biết, theo thống kê tại 39 chi nhánh, dư nợ bị ảnh hưởng do bão số 3 lên tới 105 nghìn tỷ đồng chiếm 7% dư nợ, trong đó 12,9 nghìn tỷ đồng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Sau khi rà soát, Vietcombank cũng đưa ra chính sách giảm lãi suất cho vay 0,5%/năm đối với các khoản vay hiện hữu và vay mới của khách hàng bị ảnh hưởng trực tiếp do bão. Theo ước tính của ngân hàng có khoảng 130 khách hàng được hưởng hỗ trợ với số tiền 22 nghìn tỷ đồng.
Tương tự, Agribank đã chỉ đạo toàn hệ thống, đặc biệt tại chi nhánh trên địa bàn các tỉnh bị ảnh hưởng do bão triển khai ngay các giải pháp hỗ trợ khách hàng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay theo mức độ thiệt hại, tiếp tục cho vay mới... Cụ thể, căn cứ mức độ thiệt hại của khách hàng, ngân hàng giảm lãi suất từ 0,5-2%/năm và miễn giảm 100% lãi quá hạn, lãi chậm trả trong thời gian từ 6/9 đến 31/12/2024.
Ở khối NHTMCP cũng đã phản ứng rất nhanh đưa ra các chương trình tín dụng ưu đãi, giảm lãi suất cho vay. Đơn cử, HDBank triển khai chương trình tín dụng ưu đãi quy mô 10 nghìn tỷ đồng hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bão với lãi suất cho vay giảm tối đa 2%/năm...
Đảm bảo chính sách trúng và đúng đối tượng
Ghi nhận và biểu dương các ngân hàng đã kịp thời có các giải pháp thiết thực hỗ trợ khách hàng, song với dư nợ bị ảnh hưởng lớn như vậy Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh: Nếu không có chính sách phù hợp, kịp thời, không chỉ khách hàng mà bản thân ngành Ngân hàng cũng gặp khó khăn.
Trên tinh thần “lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ” luôn đồng hành với khách hàng, Phó Thống đốc đề nghị các ngân hàng tập trung đánh giá phân tích đối tượng thiệt hại để từ đó có chính sách kịp thời. Trước mắt là các khoản nợ gốc, lãi đến hạn tạm giãn, hoãn cho khách hàng. Tiếp đến bằng nguồn lực của mình với tinh thần trách nhiệm cao nhất hỗ trợ giảm lãi suất cả khoản nợ mới và hiện hữu. Bên cạnh đó, tiếp tục cho vay mới đối với khách hàng để khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão theo các quy định pháp luật hiện hành… “Trong quá trình tổ chức triển khai các giải pháp theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN hay của chính các TCTD đều phải minh bạch, tuyệt đối không lợi dụng chính sách”, Phó Thống đốc lưu ý.
Về phía các ngân hàng, Phó tổng giám đốc BIDV Trần Long cho biết, thời gian tới, tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ, NHNN vận dụng các chính sách theo quy định để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng như giãn hoãn nợ, giảm lãi suất cho vay, tăng quy mô gói hỗ trợ... Song những chính sách đó áp dụng đối với những doanh nghiệp có khả năng phục hồi. Còn đối với doanh nghiệp dù có cơ cấu nợ, miễn giảm lãi nhưng không có khả năng phục hồi do thiệt hại quá nặng nề, lãnh đạo các ngân hàng đề nghị cần phải xem xét có cơ chế riêng.
Tuy nhiên, hiện tại các ngân hàng cũng đang thiếu cơ sở pháp lý để triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng trên diện rộng, nhất là chính sách khoanh nợ. Theo quy định tại Nghị định 55/2015/NĐ-CP nay là Nghị định 116, đối tượng được hưởng chính sách khoanh nợ mới áp dụng khu vực nông nghiệp, nông thôn, các lĩnh vực khác không được hỗ trợ cũng làm hạn chế phạm vi hỗ trợ của các ngân hàng. Ngoài ra, các ngân hàng cũng đề nghị NHNN xem xét có chính sách mới về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị thiệt hại do ảnh hưởng của bão, lũ lụt cho phù hợp tình hình... Bên cạnh nỗ lực ngân hàng, để hỗ trợ doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất, lãnh đạo Vietcombank cũng đề nghị sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng khác như công ty bảo hiểm cần tăng tốc đẩy nhanh tiến độ xử lý thẩm định, đền bù cho khách hàng.
Với đề xuất trên, Phó Thống đốc cho biết, NHNN sẽ trình Chính phủ xây dựng Thông tư cơ cấu, giãn hoãn nợ riêng dành cho các đối tượng bị thiệt hại nặng nề để các ngân hàng có cơ chế pháp lý triển khai tích cực chính sách này. Đối với chính sách khoanh nợ, theo quy định tại Nghị định 55, nay là Nghị định 116 trong trường hợp thiên tai xảy ra trên diện rộng ảnh hưởng tài sản hình thành vốn vay, Chính phủ cũng đã cho phép cơ chế khoanh nợ khoản vay nông nghiệp, nông thôn. Thời gian tới, để thực hiện giải pháp này, cần phối hợp chặt chẽ chính quyền địa phương, phối hợp cùng các hiệp hội, doanh nghiệp để xác định chính xác những thiệt hại một cách khách quan, kịp thời. Đồng thời có sự đồng thuận của các bộ, ngành liên quan như NHNN, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ đó đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về việc khoanh nợ cho doanh nghiệp, hộ dân không còn cơ hội trả nợ trong thời gian sắp tới.
Tại Hội nghị thường trực Chính phủ với các địa phương vừa diễn ra, Thống đốc NHNN cũng kiến nghị cần sự phối hợp đồng bộ chính sách từ các bộ, ngành, địa phương để chung tay hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3. Trong đó, Thống đốc cũng đề nghị địa phương chỉ đạo sở, ban, ngành trên địa bàn hoàn tất thủ tục: công bố thiên tai trên diện rộng, rà soát đánh giá mức độ thiệt hại của khách hàng…