Kiểm soát lạm phát là mục tiêu ưu tiên hàng đầu
Thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô Nỗ lực kiểm soát lạm phát của các NHTW đang bị đe dọa Chính sách tiền tệ góp phần quan trọng trong một thập kỷ kiểm soát lạm phát thành công |
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là năm 2023 sẽ khép lại. Đây có thể coi là một năm đầy thách thức không chỉ với Việt Nam mà toàn thế giới. “Di chứng” của đại dịch Covid-19, căng thẳng địa chính trị ở Châu Âu, Trung Đông tiếp tục diễn biến phức tạp khiến cho quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu chậm lại. Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới do IMF phát hành mới đây đã dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm nay chỉ ở mức 3%, giảm 0,5 điểm % so với năm 2022, năm 2024 thậm chí còn ở mức 2,9%.
Lạm phát tại nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới vẫn tiếp tục “neo” |
Là một nền kinh tế đang phát triển và có độ mở lớn, Việt Nam cũng phải đối mặt với những thử thách chưa từng có tiền lệ, từ những hệ lụy của sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu đến tác động của quá trình thắt chặt tiền tệ liên tục và quyết liệt của nhiều NHTW lớn trên thế giới. Có lẽ chưa bao giờ lãi suất của đồng USD lại sát với lãi suất VND như trong năm 2023, tạo sức ép lớn lên tỷ giá.
Trong bối cảnh ấy, việc vừa phải giảm mạnh lãi suất VND, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng nhằm hỗ trợ khu vực doanh nghiệp, song vẫn phải kiểm soát lạm phát và đảm bảo ổn định thị trường ngoại hối, tỷ giá là những nhiệm vụ vô cùng khó khăn đặt ra cho NHNN.
Mặc dù phải đối mặt với rất nhiều áp lực cả bên ngoài lẫn trong nội tại, nhưng giai đoạn vừa qua, các tổ chức quốc tế cũng như trong nước đều đánh giá cao NHNN điều hành chính sách tiền tệ rất thành công. Tại Tọa đàm “Báo cáo kết quả điều tra kỳ vọng lạm phát quý IV/2023 và kiến nghị giải pháp kiểm soát lạm phát trong thời gian tới” tổ chức cuối tuần qua, TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhận định, điều hành chính sách tiền tệ ngày càng vững vàng, chuyên nghiệp, tập trung chủ yếu thực thi mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần kiểm soát lạm phát.
“Mặc dù trong quá trình điều hành chính sách tiền tệ vẫn hỗ trợ chính sách khác nhưng dứt khoát không rời bỏ mục tiêu này. Đây là bài học quan trọng nhất giúp cho NHNN điều hành chính sách tiền tệ thành công”, TS. Lê Xuân Nghĩa đánh giá.
Nếu kinh tế toàn cầu không xảy ra các cú sốc lớn trong thời gian còn lại của năm, theo đánh giá của Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà, chúng ta có thể khẳng định rằng NHNN cùng các bộ, ngành đã góp phần tham mưu hiệu quả cho Chính phủ giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Theo nhiều dự báo, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay khó đạt kỳ vọng nhưng có thể tin tưởng rằng lạm phát cả năm sẽ nằm dưới mức mục tiêu (khoảng 4,5%, do Quốc hội đề ra). Đáng chú ý hơn, năm 2023 cũng là năm chứng kiến một thập kỷ Việt Nam kiểm soát lạm phát thành công.
Một thập kỷ kiểm soát lạm phát thành công là dấu ấn đáng ghi nhận. Song đó cũng là gánh nặng trên vai các cơ quan tham mưu, hoạch định chính sách điều hành kinh tế vĩ mô trong thời gian tới. Đặc biệt trong bối cảnh kinh thế thế giới vẫn đối mặt với nhiều rủi ro tiềm ẩn, lạm phát tại nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới vẫn tiếp tục “neo” khá xa trên mức mục tiêu.
Đối với nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, hoạch định chính sách phức tạp hơn rất nhiều khi vừa phải ứng phó với những tác động bên ngoài, vừa phải xử lý những vấn đề nội tại.
Thực tế đang có kỳ vọng NHNN giảm thêm lãi suất điều hành để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Song theo giới chuyên môn, trong bối cảnh lãi suất điều hành của các đồng tiền chủ chốt vẫn neo ở mức cao ít nhất là đến giữa năm 2024 do lạm phát còn cách xa mục tiêu, NHNN khó có thể giảm thêm lãi suất. Nhất là mức lãi suất điều hành của NHNN và lãi suất huy động, cho vay của các NHTM đến thời điểm hiện nay đã vượt kỳ vọng đặt ra từ đầu năm. Mức lãi suất ở thời điểm hiện tại cũng đang thấp nhất trong lịch sử.
Điều đáng nói là tại thời điểm này, lãi suất không còn là yếu tố then chốt để giải quyết vấn đề tăng trưởng kinh tế, nếu giảm thêm nữa có thể tạo áp lực lên tỷ giá, lạm phát, thậm chí có ý kiến cho rằng còn giảm hiệu quả công cụ chính sách tiền tệ. “Khi uống thuốc quá liều sẽ có tác dụng phụ”, TS. Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh ví von.
Từ bài học thực tiễn, TS. Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh, trong thời gian tới, NHNN nên tiếp tục thể hiện bản lĩnh, điều hành chính sách tiền tệ vững vàng, linh hoạt nhưng nhất định không xa rời mục tiêu kiểm soát lạm phát, duy trì vị thế đồng VND. Nhất là trong bối cảnh kinh tế suy giảm, nếu không kiểm soát được lạm phát sẽ mất rất nhiều thời gian cũng như nguồn lực để khắc phục hậu quả của nó, cũng như quay trở lại trạng thái phát triển kinh tế tốt.