Kiểm soát vay vốn quốc tế: Bước đi phù hợp để ngăn ngừa rủi ro
Đón đầu các xu hướng mới
Trên thực tế thời gian qua, các TCTD và doanh nghiệp không phải TCTD có xu hướng gia tăng vay nước ngoài để tận dụng mặt bằng lãi suất thấp trên thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp vay vốn từ công ty mẹ, công ty thành viên để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc vay vốn để phục vụ cho các mục đích này là nhu cầu chính đáng của doanh nghiệp, song NHNN lưu ý sự gia tăng ồ ạt mà không đặt trong bối cảnh tổng thể của nền kinh tế có thể dẫn tới các bất ổn vĩ mô. Bên cạnh đó, việc giám sát chặt chẽ hoạt động vay vốn nước ngoài của doanh nghiệp cũng nhằm đảm bảo hạn mức nợ nước ngoài tự vay tự trả của doanh nghiệp, qua đó đảm bảo chỉ tiêu an toàn nợ quốc gia.
Cụ thể, dự thảo bổ sung quy định về điều kiện chung đối với khoản vay nước ngoài (như trần chi phí vay, giao dịch phái sinh ngoại tệ, bảo đảm khoản vay) và điều kiện bổ sung đối với bên đi vay.
Doanh nghiệp có thể huy động vốn trên thị trường quốc tế, trên tinh thần xác định tự vay tự trả, tự chịu trách nhiệm với khoản vay của mình |
Một trong các điều kiện bổ sung đối với bên đi vay đang nhận được nhiều sự quan tâm là quy định doanh nghiệp vay nước ngoài ngắn hạn để thanh toán các khoản nợ phát sinh trong 12 tháng (nhưng không được vay phục vụ mua bán chứng khoán kinh doanh, mua phần vốn góp, cổ phần của đơn vị khác, mua bất động sản đầu tư và nhận chuyển nhượng dự án...).
Lý giải về việc siết chặt hơn các quy định vay vốn đối với một số nhóm lĩnh vực cụ thể, NHNN cho biết, việc tăng trưởng "nóng", “ồ ạt” của thị trường chứng khoán và kinh doanh bất động sản tiềm ẩn rủi ro lớn vì có thể tạo ra tình trạng vốn ảo, bong bóng tài sản, là mầm mống của những bất ổn tài chính vĩ mô. Bên cạnh đó, trường hợp bên đi vay nhận chuyển nhượng dự án hoặc mua cổ phần, mua phần vốn góp của doanh nghiệp khác nhưng không nhằm mục tiêu phát triển dự án hoặc quản lý doanh nghiệp mà tiếp tục chuyển nhượng, mua đi bán lại, thì hoạt động này cũng có thể tạo bong bóng giá, không tạo ra giá trị thực cho nền kinh tế và cần bị hạn chế.
Theo các chuyên gia tài chính - ngân hàng, sự phát triển vượt bậc của ngành tài chính trên thế giới đã kèm theo sự xuất hiện của ngày càng nhiều các nhân tố mới, mô hình mới, từ đó làm gia tăng khả năng gây bất ổn tài chính. Bên cạnh đó, diễn biến trên thị trường tài chính toàn cầu cho thấy, kể cả các quốc gia phát triển hay đang phát triển, bất ổn tài chính vi mô ngày càng có khả năng lây lan và tạo thành bất ổn tài chính vĩ mô.
Ông Jean Francois Bouchard, Chuyên gia tư vấn của Ngân hàng Thế giới (WB) giải thích, khi nền kinh tế đang phát triển năng động, mọi hoạt động đang trôi chảy thì các bên cho vay và đi vay thường sẵn sàng hạ thấp tiêu chuẩn an toàn của các khoản vay vì quá tin tưởng vào khả năng tăng trưởng trong tương lai. Trong bối cảnh các bên có xu hướng xem nhẹ rủi ro, thì cơ quan quản lý cần tính tới rủi ro, từ đó đề xuất các biện pháp, dự báo các xu hướng kinh tế. “Khi khủng hoảng xảy ra chúng ta sẽ đối mặt các vấn đề còn lớn hơn. Do đó cần tính trước các tình huống và đề xuất các giải pháp phòng ngừa ngay khi nó chưa xảy ra”, Chuyên gia của WB cảnh báo.
Cũng theo WB, trong 5 mục tiêu trung gian để giám sát ổn định tài chính trong một quốc gia, thì việc kiểm soát các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao như bất động sản luôn được chú trọng ở nhiều quốc gia. Ví dụ điển hình là cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 của Mỹ liên quan tới việc cho vay dưới chuẩn trên thị trường bất động sản, dẫn tới tỷ lệ nợ xấu gia tăng đáng kể. Thực tế đó cho thấy, đối với nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, các lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán… cần được giám sát chặt chẽ trong các hoạt động huy động vốn trên thị trường tài chính cả quốc tế và trong nước.
Hướng dòng vốn vào lĩnh vực tạo ra giá trị thực
Bên cạnh việc kiểm soát vay nợ cho các mục đích tiềm ẩn rủi ro cao, các chuyên gia cũng cho rằng dự thảo thông tư thay thế Thông tư 12 đã có quy định để ưu tiên tập trung nguồn vốn vay nước ngoài cho các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế.
Một chuyên gia ngân hàng nhận định, NHNN đã tạo dư địa tối đa cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh có thể tự huy động vốn trên thị trường quốc tế, trên tinh thần đáp ứng các điều kiện chung và doanh nghiệp xác định tự vay tự trả, tự chịu trách nhiệm với khoản vay của mình. Theo dự thảo Thông tư, NHTM chỉ được vay trung, dài hạn nước ngoài không quá 10% trên tổng vốn tự có; tỷ lệ này đối với bên đi vay là TCTD phi ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng chính sách xã hội, ngân hàng hợp tác xã là 50%.
Theo cơ quan soạn thảo, việc giới hạn mức vay của TCTD nhằm cân đối hài hoà nhu cầu vốn vay nước ngoài đối với các loại hình doanh nghiệp khác cần vốn để tập trung cho phát triển sản xuất, đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong từng thời kỳ. Tương tự như vậy, giới hạn vay trung, dài hạn nước ngoài đối với các nhóm không phải TCTD cũng được quy định ở mức tương đối “dễ thở” hơn so với thông lệ quốc tế, đặt trong bối cảnh tiềm lực tài chính của doanh nghiệp trong nước còn hạn chế. “Nói một cách cụ thể hơn là trong định mức vay có giới hạn, NHNN đã hạn chế bớt dư địa đi vay của nhóm các NHTM để nhường cho các nhóm TCTD phi ngân hàng, hay nhóm các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có thể tự mình huy động vốn quốc tế, mà không nhất thiết phải thông qua ngân hàng”, chuyên gia cho hay.
Tuy nhiên, một vấn đề khác cũng được các chuyên gia đặt ra là cần có giải pháp giám sát việc sử dụng vốn của doanh nghiệp có đúng với các nội dung đăng ký vay ban đầu hay không. Thời gian qua khi hướng dẫn thực hiện các thủ tục đăng ký vay trả nợ nước ngoài, NHNN các địa phương ghi nhận việc doanh nghiệp thường mắc sai phạm phổ biến là đăng ký, đăng ký thay đổi khoản vay không đúng thời hạn; và sử dụng vốn vay sai mục đích. Do đó cần có giải pháp để ngăn chặn việc doanh nghiệp đăng ký vay đầu tư vào các lĩnh vực rủi ro thấp nhưng thực tế lại giải ngân vào các lĩnh vực rủi ro cao. Để làm được điều đó thì vai trò của cơ sở dữ liệu và kết nối, liên thông cơ sở dữ liệu giữa các cơ quan là rất quan trọng.