Kiên định mục tiêu chống “vàng hóa”
Quản lý thị trường vàng ổn định, bền vững
Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đang được NHNN lấy ý kiến rộng rãi. Dự thảo Nghị định này kế thừa những kết quả của Nghị định cũ để tiếp tục đi theo chủ trương chống vàng hóa trong nền kinh tế. Có thể nói, sau 5 năm ban hành, Nghị định 24 đã mang lại những kết quả tích cực.
Theo dõi thị trường vàng có thể thấy, từ năm 2014 đến nay, sức hấp dẫn của vàng miếng đã suy giảm; cung, cầu vàng miếng trên thị trường tương đối cân bằng. Doanh số mua, bán vàng miếng trong hệ thống có xu hướng giảm theo từng năm, nhiều thời điểm giảm hơn 50% so với năm 2013. Toàn bộ quan hệ huy động - cho vay vốn bằng vàng đã được chuyển sang quan hệ mua, bán vàng, rủi ro “vàng hóa” trong hệ thống tín dụng đã được loại bỏ, tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế từng bước được ngăn chặn.
Dự thảo sửa đổi Nghị định 24 tạo điều kiện phát triển thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ và đơn giản hóa thủ tục hành chính |
Nhìn vào thị trường, đã không còn tình trạng đổ xô đi mua vàng như trước đây, diễn biến của thị trường vàng đã thoát ly khỏi biến động của tỷ giá, thị trường ngoại hối và không gây ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế vĩ mô.
Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong nước và thị trường vàng quốc tế tiếp tục diễn biến khó lường, việc quản lý thị trường vàng trong nước thời gian tới sẽ tập trung vào mục tiêu ổn định bền vững thị trường vàng, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, loại bỏ tác động của giá vàng đến tỷ giá, thị trường tiền tệ, ngoại hối và ổn định kinh tế vĩ mô.
Vì vậy mục tiêu của việc sửa đổi Nghị định 24 là nhằm tiếp tục quản lý thị trường vàng miếng, duy trì tính ổn định bền vững của thị trường này; hoàn thiện cơ chế quản lý thị trường vàng nguyên liệu; tạo điều kiện phát triển thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ và đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm bớt điều kiện kinh doanh đối với doanh nghiệp...
Nội dung chính của Nghị định 24 sửa đổi gồm:
Thứ nhất, bỏ quy định các TCTD, doanh nghiệp đã được cấp phép kinh doanh mua, bán vàng miếng muốn mở mới, thay đổi các địa điểm kinh doanh vàng miếng phải được NHNN cấp phép. Việc mở mới, thay đổi địa điểm kinh doanh mua, bán vàng miếng do các TCTD, doanh nghiệp tự lựa chọn và quyết định.
Thứ hai, bỏ quy định NHNN cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ cho doanh nghiệp, hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ là hoạt động kinh doanh có điều kiện không cần cấp phép.
Thứ ba, tạo thêm cơ sở pháp lý cho việc quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ trong sản xuất, nhập khẩu chưa được quy định cụ thể tại Nghị định 24, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng.
Thứ tư, cụ thể hóa thành hai hoạt động cần quản lý của Nhà nước, do Nhà nước độc quyền bao gồm hoạt động huy động vàng từ tổ chức, cá nhân và kinh doanh vàng trên tài khoản.
Vì lợi ích chung của nền kinh tế
Một trong những nội dung của Dự thảo sửa đổi Nghị định 24 đang được giới chuyên gia quan tâm hiện nay là tại Khoản 3, Điều 4 được sửa đổi, bổ sung: “Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, huy động vàng từ tổ chức, cá nhân, kinh doanh vàng trên tài khoản”.
Theo một chuyên gia tài chính – ngân hàng, việc này để đảm bảo lợi ích chung của nền kinh tế, trật tự an toàn xã hội. Bởi theo phân tích của các chuyên gia thì vàng tài khoản là vàng phi vật chất, nên nếu cho doanh nghiệp và người dân được phép kinh doanh dễ dẫn tới hiện tượng dựa trên các chỉ số để “lướt sóng”, tạo ra giá trị ảo, gây mất an ninh trật tự xã hội.
Trên thực tế, trong giai đoạn 2007-2009, một số sàn giao dịch vàng trong nước đã xuất hiện và hoạt động dưới hình thức tự phát. Các giao dịch quy mô lớn trên sàn vàng ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô, làm giảm hiệu quả của các chính sách kinh tế, đặc biệt là chính sách tiền tệ, tiềm ẩn rủi ro thị trường vàng bị lũng đoạn bởi các nhà đầu tư có tiềm lực lớn với các cơn sóng vàng ảo.
Người dân đổ xô đầu tư vào các sàn vàng, chỉ riêng Sàn giao dịch vàng ACB, có ngày giao dịch lớn nhất lên đến 8.000 tỷ đồng. Nguồn vốn này hoàn toàn không được đưa vào phát triển kinh tế, xã hội mà chỉ để thực hiện hoạt động đầu cơ kiếm lời trên các sàn giao dịch vàng. Điều này đi ngược lại với chủ trương huy động nguồn lực vàng trong xã hội.
Có thể nói, nếu Nhà nước không độc quyền thực hiện hoạt động huy động vàng từ tổ chức, cá nhân và hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản sẽ có thể gây bất ổn kinh tế - xã hội như giai đoạn trước đây, không thực hiện được chủ trương chống “vàng hóa”, huy động nguồn lực vàng vào sản xuất kinh doanh.
Việc quy định Nhà nước độc quyền thực hiện hai hoạt động huy động vàng từ tổ chức, cá nhân và hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản nhằm tiếp tục duy trì các kết quả tích cực của Nghị định 24, không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, không làm tăng sức hấp dẫn của vàng miếng và nguy cơ “vàng hóa” trong nền kinh tế.
“Qua nghiên cứu Dự thảo sửa đổi Nghị định 24 cho thấy, quan điểm xuyên suốt là Chính phủ tiếp tục kiên định với mục tiêu chống vàng hóa nền kinh tế” – vị chuyên gia trên nhấn mạnh.