Kiên Giang giãn cách xã hội toàn tỉnh 17 ngày
Ảnh minh họa |
Ngày 13/7, UBND tỉnh Kiên Giang đã tổ hội nghị trực tuyến với các địa phương kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Minh Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 chủ trì hội nghị. Dự và chỉ đạo tại hội nghị có Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Thanh Bình, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Kiên Giang Mai Văn Huỳnh.
Theo báo cáo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật, đến ngày 13/7, trên địa bàn tỉnh phát hiện thêm 13 ca nghi nhiễm mới gồm Giồng Riềng (2), Hà Tiên (3), Bệnh viện Đa khoa tỉnh (8).
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Mai Văn Huỳnh đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh Kiên Giang khẩn trương chỉ đạo các địa phương nâng cấp tình huống phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ trong tình hình hiện nay cho phù hợp.
Thực hiện áp dụng Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên toàn tỉnh, riêng đối với những nơi phát hiện ổ dịch cần thiết sẽ áp dụng thực hiện Chỉ thị 16 theo tinh thần "khoanh vùng rộng, thắt chặt cách ly hiệu quả" không gây hoang mang, xáo trộn đời sống của người dân.
Quản lý chặt chẽ biến động người dân từ nơi khác về địa phương, đồng thời đảm bảo an ninh trật tự, lương thực, thực phẩm cần thiết khi thực hiện giãn cách xã hội.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Mai Văn Huỳnh cũng đề nghị Ban Chỉ đạo tỉnh Kiên Giang cần rà soát lại năng lực tại tất cả khu cách ly trong tỉnh, tránh tình trạng lây nhiễm chéo trong khu cách ly.
Sở Y tế khẩn trương khoanh vùng điều tra dịch tễ các ca bệnh ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh, không để lây lan rộng trong bệnh viện và ra cộng đồng, đặc biệt phải đảm bảo an toàn cho đội ngũ y tế, tăng cường chống dịch theo phương châm “4 tại chỗ”;
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đề nghị các địa phương gồm thành phố Hà Tiên, thành phố Rạch Giá, huyện Giồng Riềng, khẩn trương truy vết, xét nghiệm rộng để khoanh vùng, dập dịch không để lây lan rộng.
Các huyện, thành phố khẩn trương thành lập các Tổ công tác ở địa phương tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời chỉ đạo khi có tình huống xảy ra.
Đồng thời kiện toàn lại tổ truy vết, xử lý nhanh các ca nghi nhiễm, nắm bắt thông tin người có triệu chứng để đến tận nhà lấy mẫu xét nghiệm; thông báo đường dây nóng của tổ truy vết nhằm hạn chế đối tượng có nguy cơ ngoài cộng đồng.
Thành lập các Tổ giám sát cộng đồng kịp thời phát hiện những trường hợp từ ngoài tỉnh trở về. Chủ động thành lập các khu cách ly tập trung sẵn sàng cho tình huống khi số lượng người nhiễm bệnh tăng cao.
Riêng thành phố Rạch Gíá phải kích hoạt lại Bệnh viện Lao chuẩn bị cho tình huống bệnh viện dã chiến.
Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành thống nhất thực hiện giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh theo Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong vòng 17 ngày kể từ 0 giờ ngày 14/7 đến hết ngày 30/7/2021.
Trong thời gian thực hiện giãn cách, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang yêu cầu ngành Công Thương phải đảm bảo nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ nhu cầu thiết yếu cho người dân.
Người dân nên ở nhà, chỉ ra đường khi thực sự cần thiết
Ngày 13/7, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành Quyết định số 1729/QĐ-UBND về việc áp dụng các biện pháp cấp bách phòng chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang quyết định: Thực hiện theo tinh thần Chỉ thị số 15/CT-TTg trên phạm vi toàn tỉnh trong vòng 17 ngày kể từ 0.00’ ngày 14/7 đến hết ngày 30/7, theo nguyên tắc không tụ tập 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người tại các địa điểm công cộng; thực hiện nghiêm yêu cầu 5K, đặc biệt đeo khẩu trang, khai báo y tế trung thực.
Khuyến cáo người dân nên ở nhà, chỉ ra ngoài đường trong trường hợp thực sự cần thiết, đặc biệt là người cao tuổi, người có bệnh nền, người suy yếu hệ miễn dịch.
Yêu cầu toàn thể nhân dân trong tỉnh tự giác chấp hành các yêu cầu, các biện pháp phòng, chống dịch, tích cực tham gia khai báo y tế tự nguyện, thực hiện đầy đủ các biện pháp tự bảo vệ bản thân, gia đình và tham gia có trách nhiệm với các hoạt động phòng, chống dịch của các cơ quan chức năng và cộng đồng; người đứng đầu doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu trách nhiệm áp dụng các biện pháp phòng chống dịch tại cơ sở mình, bảo đảm sức khỏe, an toàn cho người lao động.
Dừng một loạt hoạt động, cấp bách phòng chống dịch
Ngày 13/7, UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành văn bản số 320/TB-UBND thông báo thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 1729/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh.
Theo đó, UBND tỉnh Kiên Giang áp dụng biện pháp hạn chế tụ tập đông người từ 0.00’ ngày 14/7 đến hết ngày 30/7. Dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người trong 1 phòng; không tụ tạp từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và yêu cầu thực hiện đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người tại các địa điểm công cộng.
Dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng có tập trung 20 người trở lên tại các cơ sở tín ngưỡng, thờ tự; dừng tất cả hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng.
Dừng đối với các hoạt động đón khách tham quan, du lịch tại các khu, điểm du lịch, di tích, cơ sở tôn giáo trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Dừng triệt để các hoạt động kinh doanh, đón khách sử dụng dịch vụ tại các cơ sở kinh doanh làm đẹp, cắt tóc, gội đầu, phẫu thuật thẩm mỹ, karaoke với mọi hình thức, vũ trường, xông hơi, vật lý trị liệu, mát-xa; quán bar, rạp chiếu phim; nhà hát; các ơ sở kinh doanh sân bóng đá, trò chơi điện tử, dịch vụ thể dục, thể thao trong nhà (gym, yoga, fitness, billiards,…); các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống theo mô hình buffet, ăn uống có tổ chức hát với nhau; nhà hàng, các quán bia hoặc cơ sở kinh doanh thức uống có cồn; cơ sở kinh doanh ăn uống; cơ sở kinh doanh thức uống, cơ sở kinh doanh ăn uống; các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng và các địa điểm vui chơi khác trên địa bàn tỉnh.
Hạn chế việc di chuyển của người dân, nhất là đến các tỉnh, thành phố có dịch. Giao Sở Giao thông vận tải chỉ đạo việc tạm dừng hoặc tổ chức lại hoạt động giao thông công cộng để hạn chế đi lại, tập trung đông người, trừ các phương tiện vận chuyển hàng hóa.
Chủ tịch UBND các huyện, thành phố căn cứ tình hình, diễn biến dịch bệnh cụ thể tại từng địa phương, thống nhất với cấp ủy quyết định việc thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đối với từng địa bàn, khu vực, đơn vị đang có dịch.
Chủ tịch UBND tỉnh sẽ xem xét, xử lý trách nhiệm, kỷ luật nghiêm đối với người đứng đầu các sở, ban ngành cấp tỉnh và người đứng đầu chính quyền địa phương để xảy ra tụ tập đông người và hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ đã tạm dừng như trên.
Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho nhân dân Phú Quốc
Ngày 13/7, UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành kế hoạch hỏa tốc số 134/KH-UBND thực hiện tiêm vaccine phòng COVID-19 cho nhân dân Phú Quốc.
Theo đó, UBND tỉnh Kiên Giang đặt mục tiêu phòng chống dịch chủ động bằng việc sử dụng vaccine phòng COVID-19 cho người dân trên địa bàn Phú Quốc. Phấn đấu 95% người dân trên địa bàn thành phố Phú Quốc đủ điều kiện tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 được tiêm chủng đủ mũi vaccine.
Việc tiêm chủng được thực hiện theo nguyên tác đảm bảo tỷ lệ bao phủ cao, an toàn tiêm chủng và tiếp cận công bằng cho người dân…
Đối tượng tiêm vaccine là người dân Phú Quốc và lực lượng lao động trên địa bàn với số lượng là 127.607 người. Đối tượng ưu tiên cơ bản thực hiện theo Nghị quyết số 21/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 1467 của Bộ Y tế. Trong đó ưu tiên tiêm vaccine mũi 2 cho Nhóm 1, Nhóm 2 (đã tiêm mũi 1 với số lượng gần 7400 người.
Triển khai tiêm cho đối tượng thuộc Nhóm 3, trong đó ưu tiên cho: cán bộ, nhân viên, người lao động,… làm việc trong các khu du lịch, khu vui chơi giải trí,… đủ điều kiện để thực hiện việc chủ trương thí điểm đón khách du lịch quốc tế; nhân viên, người lao động và người dân, tham gia cúng ứng các dịch vụ hàng hóa,… phục vụ các khu duc lịch, khu vui chơi giải trí được chọn thí điểm. Số lượng ước tính khoảng 60.000 người.
Thời gian triển khai, mũi 1 dự kiến từ 15/7/2021 (ngay sau khi nhận được vaccine); mũi 2 dự kiến từ 1/9/2021 (ngay sau khi hoàn thành mũi 1 và đủ thời gian tiêm mũi 2). Nguồn vaccine do Bộ Y tế phân bổ và các nguồn hợp pháp khác (nếu có).