Kiên Giang: Năng động, đổi mới và giàu có
Với bờ biển dài, du lịch là một thế mạnh của Kiên Giang |
“Kiên Giang cần trở thành một trong những tỉnh Tây Nam bộ năng động, đổi mới và giàu có của cả nước dựa trên những lợi thế so sánh tự nhiên…”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh khi phát biểu chỉ đạo Hội nghị xúc tiến đầu tư Kiên Giang năm 2019 với chủ đề “Kiên Giang - Tiềm năng, cơ hội đầu tư và phát triển bền vững” vừa được UBND tỉnh Kiên Giang phối hợp với các bộ, ngành Trung ương tổ chức ngày 29/7/2019.
Vốn ngân hàng góp phần phát triển kinh tế - xã hội
Với vị trí cửa ngõ phía Tây của vùng và thông ra vịnh Thái Lan, Kiên Giang có vùng biển rộng hơn 63.000 km2; có đường biên giới giáp Campuchia dài hơn 58 km với cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, cùng một số cửa khẩu quốc gia… Kiên Giang có lợi thế rất lớn trong phát triển kinh tế biển, kinh tế cửa khẩu. Không chỉ vậy, Kiên Giang có đồng bằng rộng lớn và có đầy đủ các yếu tố đặc thù của địa phương vùng sông nước. Ngoài ra, Kiên Giang còn có những yếu tố đặc trưng riêng mà ít địa phương đồng bằng ven biển nào có được như rừng nguyên sinh, sông, suối, hải đảo…
“Nông nghiệp, thủy sản và du lịch là những thế mạnh mà tỉnh Kiên Giang đang chú trọng đầu tư theo hướng bền vững trong thời gian tới để tạo ra giá trị kinh tế cao hơn”, ông Phạm Vũ Hồng - Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang nhấn mạnh trong lời phát biểu khai mạc hội nghị.
Cũng bởi những tiềm năng thế mạnh đó nên những năm qua, Kiên Giang là một trong những địa phương nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đến nay, Kiên Giang đã thu hút 680 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 503.763 tỷ đồng; trong đó, riêng FDI, tỉnh đã thu hút được 41 dự án đến từ 19 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,44 tỷ USD.
Sự góp sức của các nhà đầu tư đã giúp Kiên Giang có những bước bứt phá ngoạn mục trong 10 năm trở lại đây. Theo đó, tỉnh luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, bình quân 7,13%/năm, cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Quy mô tổng sản phẩm xã hội (GDRP) của tỉnh nằm trong tốp các địa phương đứng đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long. 6 tháng đầu năm 2019, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Kiên Giang có nhiều kết quả nổi bật. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 31.514 tỷ đồng, tăng 7,08% so với cùng kỳ năm 2018. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực…
Trong thành quả đó, không thể không nhắc đến vai trò nguồn vốn của ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Theo đó, không chỉ chủ động cân đối khả năng tài chính để đáp ứng nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp; các TCTD trên địa bàn cũng tích cực kết nối, lắng nghe để tháo gỡ kịp thời những khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân.
Theo đó, đến nay dư nợ tín dụng đạt 74.037 tỷ đồng - đứng thứ 2/13 tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về quy mô tín dụng, tăng 7,9% so với cuối năm 2018 (cao hơn tốc độ tăng của khu vực là 6,06% và tốc độ tăng của toàn quốc là 7,33%). Nguồn vốn tín dụng ngân hàng đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với chủ trương, quy hoạch phát triển kinh tế của tỉnh và tập trung cho các ngành, lĩnh vực là thế mạnh của tỉnh như: nông nghiệp, nông thôn, lúa gạo, thủy sản, xuất khẩu...
Phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường
Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các bộ trưởng đã chứng kiến Lễ trao Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư cũng như Lễ ký kết bản ghi nhớ giữa UBND tỉnh Kiên Giang và các nhà đầu tư trong và ngoài nước với tổng số vốn hơn 193.000 tỷ đồng.
Thủ tướng cho rằng với các tiềm năng sẵn có, kinh tế Kiên Giang có thể phát triển dựa trên 3 trụ cột: Nông nghiệp chất lượng cao thích ứng với biến đổi khí hậu; thủy sản sạch gắn với ngành công nghiệp chế biến được định vị ở phân khúc cấp cao; du lịch sinh thái nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế. Tỉnh Kiên Giang cần trở thành một trong những tỉnh Tây Nam bộ năng động, đổi mới và giàu có của cả nước dựa trên những lợi thế so sánh tự nhiên, nền kinh tế hướng biển, phát huy tốt nhất mọi tinh hoa của miền đất có nguồn tài nguyên nông nghiệp đặc sắc, một không gian trải nghiệm du lịch nhiệt đới độc đáo đẳng cấp quốc tế hướng tới phát triển du lịch bền vững và bao trùm. Kinh tế biển sẽ giữ vai trò động lực tăng trưởng chính cùng với kinh tế cửa khẩu và sự phát triển bứt phá của Phú Quốc.
Với vị thế đặc biệt của Phú Quốc, theo Thủ tướng, cần có tầm nhìn để biến đảo ngọc thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng giải trí độc đáo mang đẳng cấp quốc tế. Tập trung cho Phú Quốc phát triển không phải để cạnh tranh với các địa phương của Việt Nam trong thu hút nguồn lực và cơ hội phát triển, mà để Phú Quốc cạnh tranh hiệu quả và sòng phẳng với các quốc gia khác.
Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh, không đầu tư ở Phú Quốc một cách chộp giật, “để du lịch phát triển bền vững cần giữ môi trường tự nhiên và xã hội an bình nơi đây, phải thực hiện tốt quy hoạch, không được bê tông hóa Phú Quốc”.
Cho rằng, Kiên Giang cũng cần phải nỗ lực hơn nữa để cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh, Thủ tướng đặt vấn đề: “Kiên Giang cần có chiến lược, bước đi để trả lời câu hỏi: Doanh nghiệp của tỉnh Kiên Giang, các nhà đầu tư vào Kiên Giang và người dân phải làm gì để Kiên Giang hội nhập sâu rộng với các FTA mà Việt Nam là thành viên?”.
Với nhà đầu tư, Thủ tướng nhắc lại thông điệp: “Lời nói phải đi đôi với việc làm, phải làm đến nơi đến chốn, làm nhanh, không nói thứ không làm được. Chúng ta chỉ cần số ít nhà đầu tư có tiềm lực thực sự chứ không cần nhiều nhà đầu tư nhưng kém năng lực. Doanh nghiệp cần có chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững ở địa phương để đề cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội và cộng đồng dân cư sở tại”.
Về phía Chính phủ, Thủ tướng khẳng định sẽ tiếp tục tháo gỡ thể chế ở một số lĩnh vực còn chồng chéo để tạo thuận lợi hơn nữa cho nhà đầu tư. Cho biết cùng đồng hành với các địa phương, tháo gỡ các nút thắt mà các địa phương đang gặp phải, Chính phủ luôn xem các nút thắt mà địa phương, trong đó có Kiên Giang đang xử lý cũng là trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành.