Kiến nghị khung pháp lý cho condotel
Tuy ra đời sau so với thế giới nhưng thị trường condotel (căn hộ du lịch) tại Việt Nam trong một thập kỷ qua đã phát triển mạnh mẽ, nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch nghỉ dưỡng đang ngày càng tăng của khách du lịch trong và ngoài nước. Condotel đã chính thức ghi tên vào danh mục sản phẩm bất động sản và làm phong phú, đa dạng thêm các sản phẩm của thị trường bất động sản Việt Nam.
Mặc dù phát triển khá "nóng" như vậy nhưng đến nay loại hình căn hộ condotel vẫn chưa được công nhận về mặt pháp lý. Hiện nay pháp lý cao nhất chỉ là hợp đồng mua bán giữa chủ đầu tư và khách hàng.
Cũng chính vì thế mà thời gian gần đây nhiều người trót đầu tư vào condotel có tâm trạng lo lắng về sự rủi ro cao do tình trạng pháp lý nửa vời, thời gian sở hữu hạn chế, bên bán không có năng lực quản lý...
Thực tế cũng cho thấy, trên thị trường bất động sản nghỉ dưỡng cũng chưa xuất hiện căn hộ condotel nào được cấp sổ đỏ mặc dù nguồn cung sản phẩm này lên đến hàng chục nghìn căn.
Đặc biệt vụ đổ bể dự án Cocobay Đà Nẵng mới đây đang khiến thị trường lo ngại hiệu ứng domino có thể khiến sụp đổ thị trường condotel tại Việt Nam.
Phân tích nguyên nhân trên, TS. Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn Du lịch Việt Nam cho rằng, ở một số dự án condotel xuất hiện biến tướng từ sản phẩm bất động sản thành sản phẩm tài chính hoặc chứng khoán phái sinh. Cụ thể, nếu là bất động sản du lịch, nhà đầu tư thứ cấp sẽ chỉ quan tâm vị trí có đẹp không, tiềm năng phát triển thị trường cao không, chất lượng xây dựng của chủ đầu tư thế nào, giá cả có phù hợp không và quản lý vận hành có tốt không?
Nhưng thực tế, chủ đầu tư, người mua hiện nay chỉ chăm chăm quan tâm phần trăm lợi tức được cam kết là bao nhiêu, chứ không quan tâm giá cả, vị trí, chất lượng... Đây là sự nhìn nhận, đánh giá hoàn toàn sai lầm dẫn đến mua bán, giao dịch condotel bị biến tướng.
Nhìn thẳng vào vấn đề, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nhận định, cho đến nay không có ngành nào, cơ quan nào cấp phép cho condotel mà chỉ cấp phép cho khu du lịch nghỉ dưỡng. Vì vậy cần có khung pháp lý quản lý riêng biệt cho phù hợp. Bởi đây là một loại hình cơ sở lưu trú cần thiết để phát triển ngành du lịch.
Theo ông Châu, không cần phải có luật mới nhưng cần bổ sung một số nội dung vẫn giải quyết được câu chuyện về condotel. Đó là điều kiện huy động vốn đối với dự án bất động sản hình thành trong tương lai là phải có giấy tờ, có giấy phép xây dựng, phải xây dựng xong hệ thống hạ tầng. Vì vậy cần bổ sung khi bán các bất động sản hình thành trong tương lai nói chung, gồm condotel đều phải có bảo lãnh của ngân hàng.
“Quan trọng nhất là ở Việt Nam, chủ đầu tư bán condotel không trái pháp luật bởi Luật đầu tư quy định doanh nghiệp được phép làm những gì luật không cấm. Như vậy các căn hộ trong dự án thì được phép bán nhưng thực tế luật lại chưa bảo vệ được nhà đầu tư thứ cấp, cổ đông nhỏ lẻ trong dự án condotel” ông Châu nêu lên nghịch lý.