Kiên quyết xóa bỏ các điểm nóng về phá rừng
Để kịp thời chấn chỉnh tiếp tay cho các đối tượng lâm tặc, chính quyền tỉnh Đăk Lăk đã chỉ đạo các cơ quan chức năng mạnh tay xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật đối với công tác bảo vệ rừng.
Đơn cử, mới đây, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đăk Lăk đã khởi tố, bắt tạm giam Hoàng Công Ý, là Trạm trưởng Trạm kiểm lâm số 3 thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô về tội Nhận hối lộ.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Ea Kar công bố quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với Hoàng Công Ý |
Đồng thời, cơ quan Cảnh sát điều tra cũng khởi tố Lê Mô Y Cum, trú xã Ea Ly, huyện Sông Hinh (Phú Yên) về tội Đưa hối lộ. Trước đó, đối tượng này đã bị khởi tố về tội Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản.
Theo cơ quan điều tra, trong hai ngày 15/9/2020 và 19/11/2020, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô tại huyện Ea Kar ban hành 2 quyết định về việc phối hợp tuần tra truy quét các đối tượng xâm hại đến rừng tại các tiểu khu 623, 630 và vùng giáp ranh giữa khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô với huyện Sông Hinh (tỉnh Phú Yên). Theo đó, Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô phân công ông Hoàng Công Ý, Trạm trưởng Trạm kiểm lâm số 3 làm Tổ trưởng tổ truy các cá nhân, tổ chức xâm hại đến rừng tại các khu vực nói trên.
Thế nhưng, lợi dụng việc được phân công làm tổ trưởng, trong 2 đợt truy quét ở tiểu khu 623, 630 và vùng giáp ranh giữa khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô với huyện Sông Hinh, ông Ý thỏa thuận cho nhóm của Lê Mô Y Cum vào tiểu khu 618, 622 khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô khai thác gỗ căm xe và nhận tổng số tiền 35 triệu đồng từ nhóm này.
Liên quan đến vụ phá rừng quy mô lớn này, vào cuối tháng 4/2021 Công an huyện Ea Kar (Đăk Lăk) đã khởi tố 37 bị can (tất cả các bị can đều trú huyện Sông Hinh) về tội Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản. Trong đó, bắt tạm giam 18 bị can, 19 bị can bị cấm đi khỏi nơi cư trú.
Hay như, Viện KSND tỉnh Đăk Lăk cũng vừa ban hành cáo trạng truy tố 9 bị can là lãnh đạo, nhân viên Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự.
Theo nội dung cáo trạng, năm 2008 Công ty Lâm nghiệp Ea Kar được UBND tỉnh Đăk Lăk cho thuê đất và rừng để sử dụng vào mục đích đất nông nghiệp. Diện tích các loại rừng và đất lâm nghiệp do Công ty Lâm nghiệp Ea Kar được giao quản lý 14.473,1ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên 6.932,5ha.
Căn cứ số liệu do Công ty Lâm nghiệp Ea Kar cung cấp, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đăk Lăk tiến hành khám nghiệm hiện trường tại 82 vị trí, với tổng diện tích 309,322ha thì trên các diện tích này chủ yếu đất trống bị các hộ dân lấn, chiếm làm nương rẫy trồng ngô, sắn; một số diện tích thì công ty có trồng cây keo.
Kết luận giám định cho thấy, diện tích rừng tự nhiên thực tế bị suy giảm so với kết quả kiểm kê rừng năm 2014 gần 304ha với trữ lượng tự nhiên thực tế bị suy giảm so với kết quả kiểm kê rừng năm 2014 là 28.954,48m3 gỗ, trị giá hơn 29 tỷ đồng...
Để đẩy mạnh những biện pháp quản lý bảo vệ rừng, kịp thời ngăn chặn các đối tượng vi phạm lâm luật, đầu năm 2021, UBND tỉnh Đăk Lăk có công văn chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, đơn vị và các chủ rừng tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng.
UBND tỉnh Đăk Lăk chỉ đạo, các cơ quan, đơn vị kiểm tra, rà soát lại phương án, kế hoạch bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng để sẵn sàng ứng phó, xử lý kịp thời các tình huống cấp bách khi xảy ra cháy rừng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý tình trạng phá rừng, xâm hại rừng, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật và chống người thi hành công vụ; kiên quyết xóa bỏ các điểm nóng về phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, khai thác lâm sản trái pháp luật...