Kiều bào rót vốn vào sản xuất kinh doanh
Gần 19 tỷ USD kiều hối về Việt Nam
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Hợp tác Quốc tế về người di cư (KNOMAD), kết thúc năm 2022 vừa qua, Việt Nam là một trong số 10 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất trên thế giới. Tổng mức kiều hối được chuyển về Việt Nam cả năm 2022 đạt gần 19 tỷ USD, tăng trưởng gần 5% so với năm 2021.
Bên cạnh dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), các chuyên gia đều cho rằng, kiều hối là “nguồn lực vàng” để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Người dân làm thủ tục nhận kiều hối tại NHTM |
Ghi nhận tại TP.HCM – địa phương có tỷ trọng thu hút kiều hối lớn nhất cả nước (chiếm 50% lượng kiều hối chuyển về Việt Nam năm 2022) có thể thấy rõ điều này khi nguồn tiền từ kiều bào những năm vừa qua có sự dịch chuyển đáng kể, từ chủ yếu đầu tư bất động sản chuyển sang các dự án khởi nghiệp sáng tạo và các mô hình sản xuất kinh doanh.
Ông Phùng Công Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài tại TP.HCM cho biết, hiện cả nước có khoảng 5,3 triệu kiều bào đang sinh sống ở 130 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong số này có khoảng 2 triệu người có xuất thân hoặc liên hệ với TP.HCM. Tính đến hiện nay, TP.HCM có khoảng 3.000 doanh nghiệp do kiều bào đầu tư (tổng vốn khoảng 45.000 tỷ đồng). So với những năm trước, hiện nay dòng kiều hối đổ vào lĩnh vực bất động sản đã giảm đáng kể. Thay vào đó, nhiều dự án đầu tư đã tập trung vào lĩnh vực sản xuất, thương mại.
Theo thống kê của Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM, hiện mỗi năm có khoảng 30.000 người Việt trẻ ở nước ngoài về thăm quê, tìm kiếm cơ hội kinh doanh bằng các dự án khởi nghiệp. Đến nay đã có hơn 20 đối tác nước ngoài liên kết hỗ trợ và khoảng 760 doanh nghiệp khởi nghiệp được hình thành.
Trong đó, có thể kể đến một số dự án xuất phát từ các ý tưởng khởi nghiệp của các Việt kiều trẻ tuổi, như dự án Pops Worldwide (chuyên về phân phối và quản lý nội dung âm nhạc) của Esther Nguyễn; mô hình hỗ trợ du lịch trực tuyến Christinas của Thu Nguyễn; ứng dụng WisePass của Lam Tran; mô hình khởi nghiệp với thương hiệu nệm foam chất lượng cao Ru9 của Trang Đặng và Vinh Nguyễn (Việt kiều Australia)…
Ông Phùng Công Dũng cho biết, TP.HCM có khá nhiều chính sách thu hút đầu tư của kiều bào vào các cơ sở như Viện Khoa học tính toán, Viện Nghiên cứu sinh học, Khu Công nghệ cao. Đặc biệt, TP.HCM đang xây dựng “Thung lũng Sài Gòn Silicon” với diện tích trên 52ha, vốn đầu tư khoảng 38,5 triệu USD. Trung tâm này sẽ hướng tới việc thu hút doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao và hỗ trợ các công nghiệp sáng tạo, nghiên cứu khoa học ứng dụng.
Góp phần ổn định chính sách tiền tệ
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, năm 2022 lượng kiều hối chuyển về TP.HCM ước đạt 6,603 tỷ USD, mặc dù có giảm 6,67% so với năm 2021, nhưng vẫn được xem là nguồn lực có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội đất nước nói chung và TP.HCM nói riêng.
Ông Lệnh cho rằng, kiều hối là nguồn ngoại tệ từ kiều bào, từ người lao động gửi về cho người thân nên trước hết sẽ phục vụ cho nhu cầu của người nhận kiều hối. Nguồn tiền này có thể được người dân gửi tiết kiệm, tiêu dùng cá nhân, xây dựng, sửa sang nhà cửa hay mở rộng các hoạt động sản xuất - kinh doanh... Tất cả đều mang lại ý nghĩa cho sự tăng trưởng và phát triển trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.
Với ý nghĩa này, nếu so với nguồn thu ngân sách TP.HCM (năm 2022 đạt trên 471.000 tỷ đồng - PV), nguồn kiều hối chuyển về trên địa bàn trong năm 2022 khoảng 6,6 tỷ USD (trên 150.000 tỷ đồng) là nguồn thu không nhỏ, mang lại hiệu ứng tích cực. Nếu so với quy mô tiền gửi bằng ngoại tệ của người dân tại các TCTD trên địa bàn TP.HCM thì nguồn kiều hối chuyển về năm 2022 chiếm 48%. Đây cũng là con số ý nghĩa và là nguồn lực quan trọng giúp cải thiện cán cân thanh toán, ổn định tỷ giá.
“Nguồn kiều hối chuyển về năm 2022 là nguồn ngoại tệ, góp phần trong việc bảo đảm cung - cầu ngoại tệ, quan trọng trong việc phát huy hiệu quả chính sách tiền tệ, tỷ giá và lãi suất của ngân hàng trung ương. Đặc biệt trong bối cảnh áp lực tỷ giá, lãi suất tăng là không nhỏ - khi áp lực lạm phát gia tăng và đồng tiền tại một số quốc gia trên thế giới có xu hướng mất giá mạnh trong năm 2022”, ông Lệnh nhận định.
Trong năm 2023, theo lãnh đạo NHNN chi nhánh TP.HCM dòng kiều hối sẽ tiếp tục có sự ổn định và tăng trưởng. Bởi hiện nay, tình hình dịch bệnh ở nhiều quốc gia đã được kiểm soát tốt, hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi tích cực. Trong khi đó, ở trong nước, kinh tế đã có sự phục hồi mạnh, hoạt động thu hút vốn nước ngoài cũng rất khả quan. Riêng đối với kiều hối, hiện chính sách, thủ tục chuyển tiền của kiều bào từ nước ngoài về đã rất thông thoáng đơn giản; mạng lưới hoạt động chi trả ngoại tệ qua các ngân hàng và các công ty kiều hối cũng đa dạng, rộng khắp và khá thuận tiện. Vì thế có thể dự báo, nguồn lực từ kiều hối sẽ tiếp tục tốc độ tăng trưởng 4-5% như giai đoạn vừa qua.
Đồng tình với nhận định này, song theo một chuyên gia, để hướng dòng kiều hối vào sản xuất kinh doanh, các cơ quan quản lý cần tiếp tục cải cách môi trường đầu tư kinh doanh; đồng thời có những chính sách khuyến khích kiều bào về quê hương lập nghiệp...