Kiều hối sẽ giữ vững “phong độ”
Hướng dòng kiều hối vào đầu tư và phục vụ đời sống Thu hút kiều hối góp phần phát triển kinh tế |
Xin ông nhận định về vai trò của kiều hối đối với phát triển kinh tế của nước ta hiện nay?
Trong những năm qua, kiều hối đã trở thành nguồn lực quan trọng trong việc phát triển kinh tế của nước ta. Nguồn kiều hối đã được sử dụng hiệu quả với các mục đích khác nhau như: tiêu dùng, đầu tư kinh doanh hoặc đưa vào sản xuất trực tiếp… đều mang lại lợi ích, qua đó góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội.
Nguồn kiều hối ổn định giúp tăng cung ngoại tệ, bảo đảm cung - cầu ngoại tệ, hỗ trợ NHNN trong việc ổn định tỷ giá. Ngoài ra, góp phần tăng dự trữ ngoại hối quốc gia trong những năm qua, tạo điều kiện cho NHNN chủ động hơn trong việc can thiệp thị trường ngoại hối khi cần thiết.
Ông đánh giá thế nào về khả năng thu hút kiều hối của Việt Nam trong thời gian tới?
Theo thống kê, hiện nay có khoảng 6 triệu người Việt Nam sinh sống, làm việc tại 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là động lực giúp Việt Nam liên tục đứng trong top 10 quốc gia có lượng kiều hối lớn nhất thế giới. Trong thời gian tới, kiều hối sẽ vẫn giữ đà tăng và còn cao hơn các năm trước. Động lực đầu tiên đó là khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất, dòng vốn có thể dịch chuyển khỏi các tài sản bằng đồng USD vì lợi suất giảm. Nhà đầu tư có xu hướng chuyển sang các thị trường mới nổi hoặc các nước đang phát triển, nơi có lợi suất đầu tư cao hơn, trong đó có Việt Nam.
Thứ hai, kiều hối có tính chất mùa vụ, dịp cuối năm và gần Tết Nguyên đán sẽ là lúc kiều bào ta ở nước ngoài gửi tiền về cho gia đình để đầu tư, mua sắm. Vì vậy giai đoạn này kiều hối sẽ tăng lên đáng kể so với các thời điểm khác trong năm.
Thứ ba, những điểm mới trong Luật Đất đai 2024 được cho sẽ gia tăng cơ hội sở hữu nhà ở cho Việt kiều tại Việt Nam, từ đó thúc đẩy nguồn kiều hối vào thị trường địa ốc. Trong đó, việc mở rộng quyền sử dụng đất đối với Việt kiều là một trong những điểm mới nổi bật của luật, gỡ bỏ rào cản pháp lý cũng như khẳng định quyền sở hữu bất động sản bình đẳng cho Việt kiều.
Những quy định thông thoáng hơn được kỳ vọng sẽ hút dòng kiều hối từ nước ngoài đổ vào thị trường bất động sản Việt Nam trong tương lai. WB cũng dự báo kiều hối về Việt Nam sẽ tiếp tục tăng, đến cuối năm 2024 có thể đạt 14,4 tỷ USD. Theo WB ước tính, trung bình 3 năm gần đây Việt Nam đã nhận tới 17 - 18 tỷ USD kiều hối mỗi năm.
Vậy cần có những chính sách như thế nào để có thể duy trì đà tăng của kiều hối trong thời gian tới, thưa ông?
Kiều hối giữ vững đà tăng trong những năm qua nhờ Chính phủ đã có các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để kiều bào an tâm về nước đầu tư kinh doanh. Cùng với đó là thủ tục liên quan đến kiều bào, kiều hối đã thông thoáng.
Trong thời gian tới, để tiếp tục duy trì sự ổn định và tăng trưởng nguồn lực “vàng” này, dưới góc độ vĩ mô cần tiếp tục xây dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi, cải cách thủ tục hành chính, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, có nhiều chính sách cởi mở với Việt kiều hơn nữa.
Về phía các ngân hàng thương mại, thời gian qua, cũng ngày càng đầu tư vào sản phẩm, dịch vụ liên quan đến kiều hối một cách thuận tiện, nhiều ưu đãi hấp dẫn để thu hút nguồn lực này. Tuy nhiên thời gian tới, nhất là đang có sự cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ của các công ty kiều hối, bản thân các nhà băng cần có chính sách thu hút kiều hối tốt hơn thông qua việc nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo sự thuận tiện, đơn giản trong các thủ tục, nhiều ưu đãi hấp dẫn… đồng thời có các sản phẩm đi kèm như dịch vụ đầu tư để tạo trải nghiệm liền mạch cho khách hàng.
Xin cảm ơn ông!