Kinh doanh ngân hàng sẽ khởi sắc
Phó tổng giám đốc VIB Lê Quang Trung |
Cơ sở nào để ông có nhận định lạc quan như vậy?
Nhìn lại năm 2021, có thể nói hệ thống ngân hàng cùng nền kinh tế trải qua một năm khó khăn. Có thời điểm gần như cả nước bị lockdown, mọi người khá bi quan về hoạt động ngân hàng, tăng trưởng tín dụng chậm, nợ xấu nguy cơ tăng lên do chuỗi cung ứng sản xuất đứt gẫy…
Nhưng sau khi mở cửa thị trường, các hoạt động kinh tế hồi phục nhanh, doanh nghiệp, người dân quay trở lại làm việc, có thêm thu nhập. Nhờ đó, nhiều khách hàng của VIB đã vượt qua được khó khăn một cách nhanh chóng và trả được nợ. Tín dụng cũng bật tăng nhanh…
Có thể nói, sự hồi phục tích cực của hoạt động ngân hàng đóng góp đáng kể vào tăng trưởng GDP quý IV/2021. Đặc biệt, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát kiểm soát tốt, dự trữ ngoại hối tăng cao. Nhờ đó Việt Nam vẫn được các nhà đầu tư nước ngoài đặt niềm tin trong chuỗi cung ứng toàn cầu… Minh chứng rõ là vốn FDI tăng, lượng đơn hàng vẫn tiếp tục đổ về Việt Nam. Đây là cơ sở quan trọng, tạo đà kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao, bền vững trong thời gian tới.
Bước sang năm 2022, dự báo GDP Việt Nam sẽ tăng từ 4,5 - 6,5%, nhất là gói hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế đã được Quốc hội thông qua. Khi nền kinh tế khởi sắc, hoạt động kinh doanh ngân hàng cũng sẽ thuận lợi hơn. Môi trường kinh doanh ổn định, doanh nghiệp yên tâm mở rộng sản xuất, nhu cầu vay vốn tăng lên... Điều có thể nhìn thấy rõ nhất trong giai đoạn tới là ngân hàng được hưởng lợi gián tiếp từ gói kích thích kinh tế.
Tôi cho rằng, những gì xấu nhất đã qua và chúng ta đã vượt qua một cách rất tích cực. Với nền tảng vững chắc hơn, cùng với nhiều quyết sách quan trọng, triển vọng kinh tế sáng hơn không có lý do gì chúng ta không lạc quan về những điều tốt đẹp hơn đối với nền kinh tế nói chung, hệ thống ngân hàng nói riêng trong năm 2022.
Ông có thể nói rõ hơn vì sao hệ thống ngân hàng được hưởng lợi gián tiếp từ gói kích thích kinh tế?
Các giải pháp của gói kích thích kinh tế như tiếp tục giảm thuế, phí, hỗ trợ lãi suất... giảm áp lực tài chính, giúp doanh nghiệp yên tâm quay trở lại sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc cho người dân có thêm thu nhập trả nợ ngân hàng. Khi doanh nghiệp có dòng tiền, kinh doanh hiệu quả, nguy cơ nợ xấu giảm đi, ngân hàng cũng giảm trích lập dự phòng... Khi kinh tế phục hồi, nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng sẽ tăng lên. Thực tế, giới trung lưu tại Việt Nam cũng tăng nhanh trong thời gian qua, theo đó, hành vi tiêu dùng của người dân Việt Nam cũng đã thay đổi mạnh dạn, cởi mở hơn. Chẳng hạn, trước đây, người mua nhà khá thận trọng, thường khi có khoản để dành khoảng 60-70% giá trị căn nhà họ mới tính đến vay ngân hàng mua nhà. Nhưng giờ, chỉ cần có dưới 50% giá trị căn nhà họ đã nghĩ đến chuyện mua rồi. Cho nên cầu về tín dụng trên thị trường khá tích cực trong giai đoạn tới… Xét về tổng thể, khi dòng tiền luân chuyển trôi chảy trong nền kinh tế sẽ giải quyết rất nhiều bài toán.
Vậy theo dự báo của ông, tăng trưởng tín dụng có vượt mục tiêu 14%?
Tôi cho rằng, khi NHNN xây dựng kịch bản và đưa ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng cũng đã lượng hoá phần tăng thêm từ gói kích thích kinh tế. Mức tăng trưởng tín dụng 14% theo tôi là hợp lý và trong tầm kiểm soát của NHNN vừa hỗ trợ đà phục hồi kinh tế, vừa kiểm soát lạm phát trong năm 2022.
Về phía ngân hàng, sau khi có bài học xương máu trong quá khứ do tăng trưởng tín dụng nóng, những năm gần đây NHNN luôn yêu cầu các TCTD phải đặt lên hàng đầu vấn đề nâng cao chất lượng tín dụng Nhờ đó chất lượng tài sản, sức khoẻ tài chính ngân hàng ngày càng được củng cố. Trong giai đoạn vừa qua dù phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng hệ thống ngân hàng vẫn duy trì hoạt động ổn định, luôn sẵn sàng cung ứng đầy đủ, kịp thời vốn cho quá trình phục hồi kinh tế; nợ xấu được kiểm soát tốt, kinh doanh hiệu quả… Điều đó đã cho thấy khả năng thích nghi với biến động của hệ thống ngân hàng Việt Nam đang ngày càng tốt hơn.
Xin cảm ơn ông!