Kinh doanh nội dung số - “động lực” để phát triển nền kinh tế số
Còn nhiều tiềm năng và lợi thế
Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định kinh tế số là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng nhất đối với nền kinh tế Việt Nam trong nhiều thập niên tới. Chỉ số các nền kinh tế do Financial Times và Omdia khảo sát và công bố cho thấy, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh thứ 2 trên thế giới (12,3%) vào năm 2022, dự báo đứng thứ 3 thế giới (10,3%) vào năm 2023. Còn trong khu vực, theo báo cáo Nền kinh tế số Đông Nam Á lần thứ 7 của Google, Temasek và Bain & Company, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất với tổng giá trị hàng hóa dự kiến đạt 23 tỷ USD năm 2023 và đang trên đà đạt 49 tỷ USD vào năm 2025.
Trong đó, kinh doanh nội dung số trên các nền tảng xuyên biên giới là một trong những lĩnh vực còn nhiều tiềm năng trong phát triển kinh tế số. Ông Vũ Kiêm Văn, Phó chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam cho biết, nội dung số nằm trong nhóm ngành đã được Chính phủ quan tâm thúc đẩy từ năm 2007. Việt Nam có lợi thế rất lớn để phát triển công nghiệp nội dung số với đặc điểm là có lực lượng lao động trẻ, giàu tính sáng tạo; hạ tầng viễn thông internet khá phát triển; có độ mở lớn trong việc tiếp nhận các nền tảng số nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.
Mẹ con cô Dương Thị Cường và kênh “Ẩm thực mẹ làm” có hơn 1 triệu người theo dõi, nhận nút vàng của YouTube |
Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện có 49 nhà cung cấp nước ngoài, trong đó có 6 nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài lớn là Meta (Facebook), Google, Tiktok, Microsoft, Netflix, Apple chiếm 90% thị phần doanh thu dịch vụ trên nền tảng số xuyên biên giới tại Việt Nam. Các nhà cung cấp này kinh doanh nội dung số trên nền tảng số xuyên biên giới với nhiều hình thức đa dạng như bán âm nhạc trên các nền tảng trực tuyến như Spotify, Apple Music, Amazon Music…; bán hình ảnh, tranh, bản vẽ thiết kế, hình ảnh - video 2D - 3D; sáng tạo nội dung, video, clip và kiếm tiền từ lượt người xem, quảng cáo trên các nền tảng miễn phí như YouTube, Facebook, Tiktok; các sản phẩm trò chơi điện tử trên Apple Store và CH Play…
Thông tin từ Cục Công nghiệp công nghệ thông tin - Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, doanh thu năm 2022 về kinh doanh các nội dung số ước tính là khoảng 800 triệu USD. Bên cạnh đó, số lượng cá nhân/doanh nghiệp tham gia và có doanh thu từ hoạt động này đang ngày một tăng. Chỉ tính riêng trên YouTube, trong năm 2022, số người Việt Nam kiếm tiền từ các nền tảng số xuyên biên giới lên tới 20.000 người, mang về doanh thu ngoại tệ tương đương 1.500 tỷ đồng.
Thực tế, rất nhiều cá nhân/doanh nghiệp đã thành công khi chuyển hướng kinh doanh nội dung số trên các nền tảng xuyên biên giới. Sở hữu một tài khoản trên nền tảng số xuyên biên giới, mẹ con cô Dương Thị Cường và kênh “Ẩm thực mẹ làm” có hơn 1 triệu người theo dõi và tổng cộng hơn 126 triệu lượt xem. Theo số liệu từ Social Blade, mức thu nhập hàng tháng của mẹ con cô từ việc làm nội dung số từ 5 – 82 triệu đồng/tháng, từ 62,1 – 977,2 triệu đồng/năm. Tương tự, bỏ công việc trang điểm cô dâu với mức lương vài triệu đồng/tháng, chị Nguyễn Ngọc Kiều (29 tuổi) đã kiếm tiền từ Youtube bằng những đoạn clip ngắn ghi lại cuộc sống của vùng quê miền Tây. Hiện kênh của Ngọc Kiều có hơn 400.000 lượt theo dõi và gần 5 triệu lượt thích, mỗi tháng thu về trung bình hơn 100 triệu đồng.
Còn với các tổ chức/doanh nghiệp, một mạng lưới sáng tạo đa nội dung số đã được hình thành. Hiện nay, Beat Network đang là mạng lưới sáng tạo nội dung sở hữu một cộng đồng thành viên lớn tại Việt Nam với hơn 40 kênh trên 5 nền tảng là Fanpage, Group, Tiktok, YouTube, Instagram, có hơn 37 triệu người theo dõi và 2,5 tỷ lượt tiếp cận mỗi tháng. Là một doanh nghiệp khởi nghiệp từ truyền thông sáng tạo nội dung qua video, ông Nguyễn Đăng Quỳnh, CEO Vitamin Group cho biết, mô hình hoạt động của doanh nghiệp là tìm kiếm người có tiềm năng để đào tạo và quản lý; phát triển các dự án và cung cấp tất cả những dịch vụ liên quan đến TikTok. Chỉ mới ra đời từ tháng 4/2021 nhưng doanh nghiệp này đã nằm trong tốp 5 mạng lưới đa kênh của TikTok Master.
Không “đơn thương độc mã” khi vươn ra thế giới
Tuy nhiên, nhiều cá nhân/doanh nghiệp kinh doanh nội dung số trên các nền tảng xuyên biên giới cũng gặp không ít khó khăn, “đơn thương độc mã” trong quá trình vươn ra thế giới. Trong đó có trường hợp cá nhân/doanh nghiệp bị cạnh tranh không lành mạnh, thiếu căn cứ. Đơn cử, Công ty TNHH Đầu tư công nghệ và dịch vụ Sconnect Việt Nam (Sconnect) là chủ sở hữu của bộ nhân vật và video hoạt hình nhân vật Wolfoo được phát trên nhiều nền tảng như YouTube, Facebook, TikTok, Netflix… bị Công ty Entertainment One UK Limited (EO có trụ sở tại London, Anh) liên tục kiện tại nhiều quốc gia. Dù đã được tòa án tại một số quốc gia chứng minh bộ nhân vật Wolfoo không phải là làm lại bộ nhân vật Peppa Pig do EO sở hữu và buộc EO không còn quyền khiếu nại, khiếu kiện về nội dung này, nhưng YouTube vẫn khoá hơn 1.000 video phim hoạt hình Wolfoo khiến doanh nghiệp Việt chịu thiệt hại nặng nề.
Bên cạnh đó, các cá nhân/doanh nghiệp sản xuất nội dung số cho nền tảng xuyên biên giới hiện đang phải chịu 2 lần thuế. Ông Nguyễn Việt Tiệp, chuyên viên cao cấp về kế toán thuế ví dụ, các nhà sáng tạo nội dung trên YouTube ở ngoài Mỹ nếu đăng ký thuế tại nước này sẽ chịu khấu trừ 30% thuế thu nhập cho các lượt xem đến từ Mỹ; nếu không đăng ký thuế tại Mỹ, sẽ bị khấu trừ 24% thuế thu nhập cho tổng lượt xem toàn cầu. Khi dòng tiền về Việt Nam, nhà sáng tạo cá nhân phải nộp thêm khoản thuế là 7% thuế, còn tổ chức, doanh nghiệp phải đóng khoản thuế là 30%.
Dẫu còn những khó khăn nhưng theo các chuyên gia, với tiềm năng và lợi thế từ nội dung số, lĩnh vực này có thể trở thành mũi nhọn trong nền kinh tế số và là một trong những ngành không thể thiếu trong phát triển công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông tại Việt Nam. Do đó, các cơ quan quản lý cần tiếp tục đầu tư hạ tầng và có chính sách ưu đãi về thuế, vốn đầu tư, hỗ trợ đào tạo nhân lực.
Trước mắt, trong thời gian tới Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tập trung triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, trong đó có doanh nghiệp nội dung số đang kinh doanh ở nước ngoài hoặc đi ra nước ngoài. Chương trình này bao gồm chuỗi các hoạt động, các hội nghị, diễn đàn xúc tiến đầu tư thương mại số, gian hàng công nghệ số ở nước ngoài, ký kết các hiệp định về đối tác số với các nước; phối hợp với các bộ ngành như Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt tại thị trường nước ngoài…
Chính sách khuyến khích, hỗ trợ người làm nội dung số trên các nền tảng xuyên biên giới ở Việt Nam đã bắt đầu được quan tâm đúng mức, nhưng để cạnh tranh trên thị trường quốc tế thì bản thân họ cũng phải trở nên chuyên nghiệp hơn. Người sáng tạo nội dung số luôn phải biết vị trí, nắm rõ điểm mạnh và điểm yếu của mình. Điều tối quan trọng nữa là nội dung đưa đến khán giả phải sạch, tích cực, chân thật và tự nhiên nhất có thể...