Kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử diễn biến phức tạp
Thách thức và hiệu quả từ đề xuất khai, nộp thuế thay người bán hàng trên sàn thương mại điện tử Nền tảng thương mại điện tử nước ngoài mở rộng thị trường tại Việt Nam |
Điển hình, thực hiện chỉ đạo của Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk về việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động thương mại điện tử, Đội Quản lý thị trường số 3 phối hợp với Tổ công tác Thương mại điện tử (TMĐT) tiến hành kiểm tra một cơ sở kinh doanh online trên địa bàn huyện Krông Pắc (Đắk Lắk). Qua đó phát hiện hàng trăm sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Cụ thể, ngày 15/7/2024, lực lượng chức năng kiểm tra hộ kinh doanh bà D.M.P có địa chỉ tại thị trấn Phước An, huyện Krông Pắc. Tại thời điểm làm việc, Đoàn công tác phát hiện tại cơ sở kinh doanh nêu trên có 2 nhân viên đang chốt đơn cho khách mua online trên các sàn TMĐT Shopee, Tiktok và trang Facebook bán hàng của chủ hộ. Kiểm tra thực tế hàng hóa cho thấy bà D.M.P đang bày bán 700 sản phẩm mắt kính thời trang không rõ nguồn gốc, xuất xứ với tổng giá trị 35 triệu đồng.
Hay như, Tổ công tác TMĐT tổng hợp phối hợp cùng Đội Quản lý thị trường số 3 đã thẩm tra, xác minh và tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh của bà L.T.T tại huyện Eakar (Đắk Lắk).
Kết quả kiểm tra cho thấy hộ kinh doanh này đang chào bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu “Adidas”, vi phạm quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, tang vật vi phạm gồm có 500 sản phẩm quần thể thao trị giá 7 triệu đồng. Đội Quản lý thị trường số 3 hoàn thiện hồ sơ trình Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà L.T.T với mức phạt 10 triệu đồng, đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm theo quy định.
Trong 9 tháng năm 2024, Ban chỉ đạo 389 tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo, đôn đốc các lực lượng chức năng tăng cường nắm bắt tình hình, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn.
Cụ thể, các lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 2.950 vụ vi phạm, trong đó xử lý hình sự 36 vụ (với 49 đối tượng), xử phạt hành chính 2.914 vụ. Tổng số tiền thu qua xử lý hơn 99,9 tỷ đồng. Đồng thời, tạm giữ và tịch thu số lượng lớn hàng hóa vi phạm gồm: hơn 324 kg pháo nổ; 18.085 bao thuốc lá điếu; gần 189 m3 gỗ các loại; 6.680 kg cà phê bột giả; 6.632 sản phẩm mũ bảo hiểm các loại; 2.333 sản phẩm quần áo các loại; 4.163 sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật; 7.574 sản phẩm mỹ phẩm; 2.711 sản phẩm phụ tùng, linh kiện ô tô, xe máy; 39.737kg thực phẩm đông lạnh...
Các hành vi vi phạm chủ yếu là buôn bán hàng cấm, hàng không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, vi phạm các quy định trong kinh doanh, ghi nhãn hàng hóa...
Nhờ làm tốt công tác quản lý, kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại nên tình hình thị trường diễn ra ổn định, bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt, đáp ứng được nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của người dân trên địa bàn.