Kinh tế 5 tháng: Tăng cường hiệu quả thực thi các chính sách
Chính phủ đề xuất giảm 2% thuế giá trị gia tăng để hỗ trợ phục hồi kinh tế Hỗ trợ tăng trưởng: Cần thêm các chính sách đồng hành cùng tín dụng, lãi suất |
Số liệu từ Tổng cục Thống kê (GSO), cho thấy tính chung 5 tháng năm 2023, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước ước đạt hơn 177 nghìn tỷ đồng, bằng 25,5% kế hoạch năm và tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/5, bao gồm: vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 10,86 tỷ USD. Trong đó, vốn đăng ký mới đạt hơn 5,26 tỷ USD, tăng 27,8% so với cùng kỳ; vốn điều chỉnh đạt 2,28 tỷ USD, giảm 59,4% so với cùng kỳ; vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt gần 3,32 tỷ USD, tăng 67,2% so với cùng kỳ... Kết quả này khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường đầu tư của Việt Nam, vì vậy, họ tiếp tục đưa ra các quyết định mở rộng dự án hiện hữu.
Đặc biệt, trong tháng 5, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 2,2% so với tháng trước và tăng 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, với ngành thương mại và du lịch, sự tăng trưởng có phần nhỉnh hơn. Cụ thể, tổng cầu đang trở lại, doanh thu bán lẻ hàng hoá, dịch vụ mức bán lẻ tháng 5 đạt 519.000 tỷ đồng, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước.
5 tháng đầu năm tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng của nền kinh tế. Sản xuất công nghiệp tháng 5 tuy có tăng 2,2% so với tháng trước, nhưng tính chung 5 tháng đầu năm giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế trên toàn cầu, đơn hàng trong nước và xuất khẩu giảm. Còn kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giảm 11,6% so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, xuất siêu 5 tháng vẫn đạt 9,8 tỷ USD; chỉ số giá tiêu dùng vẫn được kiểm soát ở mức phù hợp với mức tăng là 3,55%.
Theo các chuyên gia, cải thiện môi trường kinh doanh, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần được phát huy cao độ trong thời điểm này. |
Tăng cường hiệu quả thực thi chính sách
Đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đánh giá, sự tăng trưởng liên tục và ổn định của nhu cầu trong nước sẽ tạo cơ sở cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong tương lai. Khi xuất nhập khẩu có biến động do tình hình kinh tế thế giới thì việc thúc đẩy tiêu dùng nội địa và đầu tư công sẽ giúp kinh tế tăng trưởng.
Vừa qua, Chính phủ đề xuất giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%. Người dân là đối tượng sẽ được hưởng lợi trực tiếp của chính sách này. Đối với doanh nghiệp, việc giảm thuế Giá trị gia tăng sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động.
Theo các chuyên gia, mới đây, quyết định giảm lãi suất điều hành của NHNN được đánh giá là rất phù hợp với diễn biến nền kinh tế trong, ngoài nước, tạo tiền đề để các ngân hàng giảm lãi suất huy động. Từ đó giảm chi phí vốn, có điều kiện giảm lãi suất cho vay.
TS. Võ Trí Thành cho rằng, giảm lãi suất là yếu tố hỗ trợ tích cực cho sự hồi phục của tăng trưởng kinh tế, nhưng đó chỉ là yếu tố cần, còn thiếu yếu tố đủ nữa là chính sách kích cầu tiêu dùng. Ông Thành cho rằng, giảm lãi suất quan trọng nhưng không thể giải quyết tất cả các vấn đề. Vấn đề ở đây là khả năng hấp thụ tín dụng đang rất yếu do cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp, nền kinh tế đang giảm
Vì thế ông Thành cho rằng, hiện tại động lực thúc đẩy tăng trưởng không chỉ trông chờ từ phía chính sách tiền tệ mà cần có sự phối hợp chính sách các bộ ngành khác như khơi thông pháp lý để phát triển thị trường trái phiếu, BĐS. Đặc biệt là cần phải đẩy nhanh giải ngân đầu tư công; tập trung các biện pháp kích cầu tiêu dùng như giảm thuế VAT, giảm phí; hỗ trợ một một số nhóm yếu thế, người lao động mất việc, thu hút du lịch cả trong và ngoài nước...
Trong đợt khảo sát mới đây, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cũng đã đề xuất giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp như kéo dài thời hạn các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả trong giai đoạn Covid-19, bao gồm việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2025 thay vì chỉ hết năm 2023. Bên cạnh đó, đưa thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp xuất khẩu về mức 5-10% để tạo sức cạnh tranh với doanh nghiệp các nước khác...
“Trong thời điểm này, tư duy xây dựng và thực thi chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ cần được phát huy cao độ. Vì thế, trong năm 2023, cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh phải là một trọng tâm với tinh thần quyết liệt, quyết tâm mạnh mẽ hơn rất nhiều so với những năm trước. Lúc này, chắt chiu từng cơ hội cho doanh nghiệp tồn tại và trụ vững là rất quan trọng. Chính phủ cần đến tính đến cả những kịch bản khó khăn nhất để phản ứng chính sách nhanh, chủ động, thúc đẩy các doanh nghiệp cơ cấu lại, có cơ chế để bảo vệ những người tiêu dùng có liên quan khi doanh nghiệp phá sản, đóng cửa...", ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chia sẻ tại Phiên họp Quốc hội ngày 26/5.