Kinh tế hai tháng: Điểm sáng và những mảng tối
Điểm sáng đầu tư công
Trao đổi với xu vàng 777 , ông Lê Trung Hiếu - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định, nền kinh tế sau hai tháng đầu năm 2023 ghi nhận nhiều điểm sáng và khởi sắc. Đó là lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp (CPI bình quân tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước); hoạt động thương mại, dịch vụ tiếp tục xu hướng tăng cao; nông nghiệp, chăn nuôi và hoạt động nuôi trồng thủy sản ổn định, đạt kết quả khả quan; chỉ số sản xuất của một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 2 tăng cao; tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới tính đến ngày 20/2 đạt 1,76 tỷ USD, gấp 2,8 lần và số dự án cấp mới cũng gấp tới 1,4 lần cùng kỳ năm trước; khách quốc tế đến ước đạt 1,8 triệu lượt, gấp 36,6 lần so với cùng kỳ năm trước... Đặc biệt, với những chỉ đạo quyết liệt và nhiều giải pháp rất mạnh của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đầu tư công bắt đầu có những chuyển biến rất tích cực.
Quả vậy theo số liệu thống kê, trong tháng 2, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN ước đạt gần 30 nghìn tỷ đồng, tăng 36,9% so với cùng kỳ năm trước (vốn Trung ương quản lý đạt hơn 6 nghìn tỷ đồng, tăng 54,7%; vốn địa phương đạt 23,9 nghìn tỷ đồng, tăng 33%). Tính chung hai tháng đầu năm 2023, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN ước đạt 56,9 nghìn tỷ đồng, bằng 8,3% kế hoạch năm và tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước (trong đó, vốn đầu tư thực hiện do Trung ương quản lý ước đạt 10,5 nghìn tỷ đồng, tăng 40,1% so với cùng kỳ năm trước; vốn đầu tư thực hiện do địa phương quản lý ước đạt gần 46,4 nghìn tỷ đồng, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước). “Từ thực tiễn giải ngân tích cực và những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, tôi tin đầu tư công hoàn toàn có thể là động lực tốt cho tăng trưởng trong năm nay”, ông Hiếu khẳng định.
Chỉ số sản xuất công nghiệp hai tháng đầu năm ước giảm 6,3% so với cùng kỳ năm trước |
Chia sẻ cùng góc nhìn này, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV và TS. Lê Duy Bình - Giám đốc Economica Việt Nam đều ghi nhận giải ngân đầu tư công đang được thúc đẩy và là một trong những điểm sáng tích cực nhất hiện nay, nhất là khi tăng trưởng GDP năm nay đặt “trọng trách” rất nhiều vào đầu tư công. Cùng với tin tưởng ở giải ngân đầu tư công cao và hiệu quả, TS. Cấn Văn Lực cũng kỳ vọng đầu tư nước ngoài, đầu tư tư nhân cũng sẽ phục hồi tích cực hơn từ quý II tới khi tình hình thế giới ổn hơn (nguy cơ suy thoái tiếp tục giảm đi) và đến thời điểm đó ở trong nước, các vấn đề liên quan đến thị trường tài chính, bất động sản cũng được giải quyết dứt điểm và các thị trường này sẽ ấm dần trở lại.
Vực dậy đầu tư tư nhân
Dù tình hình có nhiều điểm sáng, song các chuyên gia cũng đều nhận định, về cơ bản bức tranh đang xấu hơn. Theo TS. Cấn Văn Lực, số liệu kinh tế hai tháng qua nhìn chung kém tích cực đúng như tiên lượng khi nhiều lĩnh vực như xuất nhập khẩu, tăng trưởng bán lẻ tiêu dùng, giải ngân FDI đều giảm… Ông Lê Trung Hiếu cũng nhìn nhận, mặc dù bức tranh kinh tế hai tháng đầu năm có nhiều điểm sáng, song còn khá nhiều khó khăn cần lưu ý: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) hai tháng đầu năm ước giảm 6,3% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang một số thị trường chủ yếu giảm; vốn FDI đăng ký điều chỉnh tính đến 20/2 chỉ đạt 535,4 triệu USD (giảm 85,1%) trong khi vốn FDI thực hiện 2 tháng cũng giảm 4,9% so với cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lớn… Tất cả những yếu tố này đều báo hiệu khó khăn của hoạt động sản xuất kinh doanh.
“Số liệu tháng 2 và hai tháng cho thấy nền kinh tế bộc lộ khá nhiều khó khăn so với những gì chúng ta quan sát được vào cuối năm 2022. Nền kinh tế có nhiều khó khăn hơn và bắt đầu ảnh hưởng trực tiếp đến cộng đồng doanh nghiệp”, TS. Lê Duy Bình nhận định. Theo chuyên gia này, điều này thể hiện qua số doanh nghiệp thành lập mới, quay trở lại hoạt động chỉ được gần 38 nghìn, trong khi số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lên tới trên 51,4 nghìn (tức bình quân một tháng có 25,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường). Trong khi đó đầu tư nước ngoài cũng suy giảm (thể hiện ở giải ngân FDI giảm, vốn FDI đăng ký điều chỉnh giảm mạnh).
“Các số liệu như vậy cho thấy đầu tư của khu vực tư nhân nói chung đang suy giảm. Điểm sáng trong đầu tư công như vừa qua là rất tích cực, nhưng nếu đặt trong bối cảnh đầu tư của khu vực tư nhân suy giảm như trên thì cũng là vấn đề cần phải đáng chú ý. Bởi nền kinh tế không thể phụ thuộc hoàn toàn vào đầu tư công được và vấn đề này cần được khắc phục để làm thế nào đó đầu tư của khu vực tư nhân cũng có vai trò lớn, mạnh hơn, song hành giúp nền kinh tế phát triển bền vững”, chuyên gia này nói.
Tình hình hoạt động và “sức khỏe” của doanh nghiệp cũng là nỗi trăn trở của TS. Cấn Văn Lực. “Trước đây số doanh nghiệp tạm đóng cửa chỉ chiếm khoảng 50-70% số doanh nghiệp đăng ký mới và quay trở lại hoạt động, nhưng hiện nay tỷ lệ này lớn hơn 1. Đây là lần đầu tiên xuất hiện tình trạng này và là tín hiệu khá xấu. Điều đó cho thấy, rõ ràng việc tập trung vào cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ các vướng mắc và củng cố niềm tin là vô cùng quan trọng lúc này để thúc đẩy sản xuất kinh doanh; tăng khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài và đầu tư tư nhân trong nước”, TS. Lực nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, TS. Lê Duy Bình cho rằng, dường như các cơ hội thị trường đang hạn chế hơn (do những khó khăn của nội tại của nền kinh tế hiện nay cũng như khó khăn chung trên thị trường toàn cầu) và niềm tin đối với sự hồi phục của thị trường chưa mạnh mẽ đang là những nguyên nhân khiến doanh nghiệp chưa đăng ký thành lập mới, quay trở lại hoạt động, hoặc thậm chí rút lui. “Điều chúng ta có thể và cần làm là tiếp tục phục hồi niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp đối với thị trường bằng nhiều hình thức khác nhau, có những cải thiện điều kiện thị trường tốt hơn trong thời gian tới, từ đó sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp”, TS. Bình đề xuất.