Kinh tế phục hồi tạo đà tăng thu ngân sách
Theo đó, tổng thu NSNN năm 2022 ước đạt 1.803,6 nghìn tỷ đồng, bằng 127,8% dự toán, tăng 15% so với năm 2021. Trong đó, thu nội địa vượt 21,8% dự toán, tăng 9,9%; thu từ dầu thô vượt 176% dự toán, tăng 74,3%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu vượt 43,9% dự toán, tăng 32,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Bộ Tài chính cũng làm rõ nguyên nhân một số khoản thu vượt khá so với dự toán, như: thuế thu nhập cá nhân vượt 38,5%, chủ yếu nhờ thị trường chứng khoán, bất động sản tăng trưởng mạnh trong năm 2021, quyết toán thuế năm 2021 từ các hoạt động chuyển nhượng bất động sản, chứng khoán... được nộp trong quý I/2022. Các khoản thu về nhà, đất vượt 54,5% do thị trường bất động sản duy trì đà phát triển từ cuối năm 2021, các địa phương đã đẩy mạnh triển khai công tác giải phóng mặt bằng, đấu giá đất, đôn đốc thu tiền sử dụng đất và xử lý thu hồi nợ đọng của các dự án đã thực hiện giao đất, góp phần tăng thu tiền sử dụng đất năm 2022 so dự toán. Thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu chi của NSNN tăng 17% chủ yếu do tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nhiệp năm 2022 đã có sự hồi phục, đồng thời phát sinh khoản thu tiền cổ tức năm 2020 được chia trong năm 2022 của 2 ngân hàng Vietcombank và VietinBank khoảng 5,8 nghìn tỷ đồng, qua đó góp phần tăng thu ngân sách cho lĩnh vực này.
Cùng với đó, cơ quan Thuế, Hải quan cũng tăng cường quản lý thuế, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn từ hóa đơn điện tử để truy dấu gian lận, rà soát những nguồn thu có tiềm năng nhưng còn thất thu để đưa vào quản lý, quyết liệt quản lý, chống thất thu, khai thác tăng thu từ hoạt động thương mại điện tử, từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản. Đến nay đã có 42 nhà cung cấp nước ngoài kê khai nộp thuế, với tổng số thuế đã nộp là 3,44 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, ước thu cả năm 2022 từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản đạt hơn 41 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 97% so năm 2021 (hơn 20 nghìn tỷ đồng). Qua đó, đã góp phần không nhỏ trong việc tăng thu ngân sách trong năm.
Trong năm 2022, Bộ Tài chính cũng nỗ lực thực hiện các gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, về chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, Bộ Tài chính đã tạm cấp bổ sung kinh phí cho các địa phương (31 địa phương) với tổng kinh phí hơn 4,3 nghìn tỷ đồng để các địa phương thực hiện chính sách này. Đối với khu vực doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, tổng số thuế đã gia hạn năm trong 2022 ước khoảng 105,9 tỷ đồng, bằng khoảng 78,5% số dự kiến khi xây dựng chương trình. Các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tổng số thuế miễn, giảm trong năm 2022 ước thực hiện khoảng 50,2 nghìn tỷ đồng, bằng 78,4% số dự kiến khi xây dựng chương trình.
Tại Hội nghị Ngành Tài chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết: “Trong năm 2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính tiếp tục đề nghị với Chính phủ và đề nghị với Quốc hội cho giãn hoãn các loại thuế cũng như là tiền thuê đất đến ngày 31/12/2023, để giúp các doanh nghiệp phục hồi kinh tế và có điều kiện phát triển. Thứ hai là chúng tôi đề xuất giảm thuế môi trường trong xăng dầu, để giúp các doanh nghiệp hạ giá thành sản xuất và giúp người dân có điều kiện đi lại một cách thuận lợi. Đồng thời, chúng tôi đưa ra đề xuất giảm 3% tiền thuê đất để giúp doanh nghiệp giảm chi phí trong giá thành”.
Bên cạnh đó Bộ trưởng Bộ Tài chính sẽ tiếp tục cơ cấu lại NSNN, nợ công gắn với huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính, góp phần kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, các mục tiêu kế hoạch tài chính quốc gia…