Kinh tế số Việt Nam là điểm mạnh, thu hút nhà đầu tư nước ngoài
Khảo sát này thực hiện cho Nghiên cứu mới theo ủy thác của ngân hàng HSBC cho thấy doanh nghiệp quốc tế đến từ 9 nền kinh tế lớn trên thế giới đang ngày càng lạc quan về triển vọng tăng trưởng ở Đông Nam Á.
Trong đó Việt Nam được nhận định, có nền kinh tế kiên cường (sau đại dịch Covid-19) và mức lương cạnh tranh là hai yếu tố hàng đầu trong thu hút doanh nghiệp nước ngoài.
Bên cạnh đó, lực lượng lao động lành nghề và một thị trường tiêu dùng đang lớn mạnh, đặc biệt nhóm người tiêu dùng có thu nhập cao đang gia tăng cũng là điểm cộng trong mắt các công ty quốc tế.
Đặc biệt, nhiều công ty quốc tế tham gia khảo sát bị thu hút bởi tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh cao và lĩnh vực khởi nghiệp sôi động ở Việt Nam.
Lĩnh vực công nghệ được các công ty quốc tế quan tâm nhiều nhất ở các nền kinh tế trong khu vực Đông Nam Á là thương mại điện tử và thanh toán số do mức độ ứng dụng các nền tảng số và ví điện tử ở các quốc gia trong khu vực đang phổ biến rộng rãi.
Khảo sát kết nối toàn cầu của HSBC đưa ra kết quả của các công ty quốc tế kỳ vọng hoạt động kinh doanh trong khu vực Đông Nam Á tăng trưởng 23,2% trong vòng 12 tháng tới so với mức 20,1% trong khảo sát năm ngoái, tương đương 4-5 lần tốc độ tăng trưởng GDP kỳ vọng ở Đông Nam Á.
Các công ty châu Á – Thái Bình Dương và vùng Vịnh GCC tận dụng các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) nhằm gia tăng hoạt động thương mại với ASEAN hơn so với nhóm công ty đến từ châu Âu và Mỹ.
Các công ty đến từ Trung Quốc đại lục, Hồng Kông, Ấn Độ và vùng Vịnh GCC (bao gồm: Ả Rập Xê Út, Bahrain, UAE, Qatar) được khảo sát cho biết, họ có thể sử dụng FTA EU-Singapore, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) nhiều hơn so với nhóm công ty đến từ châu Âu với mức độ chênh lệch bình quân là 78% so với 59%.