Kinh tế tư nhân: Khi Tổ quốc gọi tên mình
“Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là sự kinh doanh của các nhà doanh nghiệp thịnh vượng” (Trích Thư của Hồ Chủ Tịch gửi giới Công Thương năm 1945) |
TS.Vũ Tiến Lộc |
Kỷ niệm ngày Độc lập, kỷ niệm 76 năm ngày Quốc khánh năm nay diễn ra trong bối cảnh cả nước phải căng mình chống đại dịch Covid-19. Không chỉ chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch, nền kinh tế còn chịu ảnh hưởng bởi cuộc chiến tranh thương mại, cách mạng số, dịch chuyển các chuỗi cung ứng… Trong không khí đặc biệt này, tôi muốn nói tới sự tự chủ của nền kinh tế Việt Nam, về vai trò của kinh tế tư nhân.
Trong ngày Quốc khánh đầu tiên, khi đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, Bác Hồ đã nhắc tới kinh tế tư nhân. 2 tuần sau ngày Quốc khánh (ngày 18/9) các nhà tư sản dân tộc đã có cuộc gặp mặt đầu tiên với Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch, với tư cách là những vị thượng khách đầu tiên. Ngay sau đó, ngày 13/10, Hồ Chủ Tịch đã viết thư gửi giới Công Thương (nay là giới doanh nhân). Bức thư như là tuyên ngôn, nghị quyết đầu tiên của Đảng và Nhà nước ta về vai trò, sứ mệnh của đội ngũ doanh nhân trong sự nghiệp xây dựng nước nhà. Trong thư Bác viết: Một nền kinh tế quốc dân thịnh vượng là sự kinh doanh của các nhà doanh nghiệp thịnh vượng, nghĩa là phải có lực lượng doanh nghiệp tư nhân thịnh vượng thì đất nước này mới thịnh vượng.
Trong tiến trình phát triển của đất nước, vai trò của doanh nhân đã được đánh giá ngày càng quan trọng. Năm 1986, tại Đại hội lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam - Đại hội của đổi mới khẳng định chủ trương xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần đặt nền tảng quan trọng nhất là sự hình thành và phát triển nền tảng kinh tế tư nhân. Từ đó qua nhiều kỳ đại hội, vị thế của doanh nhân đã được xác định. Năm 1999 Luật Doanh nghiệp ra đời. Năm 2004, Chính phủ quyết định ngày 13/10 là Ngày Doanh nhân Việt Nam. Năm 2011, Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết số 09-NQ/TW/2021 đã khẳng định xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Năm 2013, doanh nhân được ghi danh trong Hiến pháp. Điều này hàm chứa một thông điệp chính trị và định hướng chính sách để xây dựng, phát huy vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc giai đoạn mới, mà ở đó nhiệm vụ xây dựng kinh tế là trung tâm và doanh nghiệp, doanh nhân là đội quân xung kích. Năm 2017, Nghị quyết trung ương số 10-NQ/TW khẳng định phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng…
Hiện Việt Nam có khá nhiều tập đoàn tư nhân lớn, hoạt động trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế |
Tính từ nay, chỉ 25 năm nữa là chúng ta kỷ niệm 100 năm thành lập nước, với mục tiêu trở thành nước phát triển. 25 năm là 1/4 thế kỷ, là một thế hệ - thế hệ doanh nhân thứ ba. Đây sẽ là một thế hệ phát triển vững mạnh xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng. Thế hệ doanh nhân đầu tiên của Việt Nam có thể tính từ sau Đổi mới, sau năm 1986. Không ít người ở thế hệ này đã trở thành tên tuổi doanh nhân thành công nhất Việt Nam. Hiện tại, thế hệ doanh nhân thứ hai đang xuất hiện. Phần lớn lớp doanh nhân này chọn kinh doanh làm sự nghiệp, được đào tạo bài bản, tiếp cận với tư duy kinh doanh hiện đại, chuyên nghiệp... Trong nhóm này có thế hệ doanh nhân khởi nghiệp sáng tạo đang bừng dậy với nhiều khát vọng được trải nghiệm, được cống hiến. |
Ngôi sao hy vọng của nền kinh tế
Đến nay chúng ta thực sự hình thành đội ngũ doanh nhân yêu nước, hình thành một lực lượng doanh nghiệp Việt Nam. Đội ngũ này đã góp phần tạo nên cuộc thoát nghèo vĩ đại và đưa Việt Nam trở thành quốc gia thu nhập trung bình, có tốc độ tăng trưởng cao. Kinh tế tư nhân ngày càng lớn mạnh về số lượng, chất lượng trở thành mũi nhọn trong một số ngành, lĩnh vực, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, lao động và an sinh xã hội. Trong đội ngũ này đã xuất hiện những công ty có sức cạnh tranh khu vực, quốc tế.
Vai trò của kinh tế tư nhân |
Kinh tế thế giới đang rất mong manh, chiến tranh thương mại vẫn căng thẳng, thêm cách mạng công nghiệp 4.0 và đại dịch Covid-19 vẫn đang phức tạp. Trật tự kinh tế trên thế giới sẽ có sự sắp xếp lại. Nhưng nền kinh tế của ta đang phụ thuộc quá nhiều vào FDI. Giai đoạn 2011-2019, khu vực FDI đóng góp khoảng 25,7% cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam, chiếm khoảng 13% GDP năm 2010 và 19,6% GDP năm 2019. Hiện nay, khu vực FDI đóng góp khoảng 20% GDP, trên 50% giá trị sản xuất công nghiệp và khoảng 70% kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Chúng ta quá lệ thuộc FDI và nếu chúng ta tiếp tục lệ thuộc vào FDI bằng gia công, bằng lao động rẻ thì năng suất của chúng ta luôn thấp, khó vượt lên được, khó trở thành nước thịnh vượng phát triển.
Nhớ lại từ ngày Độc lập đầu tiên, và nhớ về những chiến thắng của dân tộc trong mọi cuộc kháng chiến, từ Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2/9 tới Đại thắng mùa Xuân 1975. Trong những chiến thắng đó, “Chiến tranh nhân dân” là vũ khí giành độc lập và làm nên mọi chiến thắng trong sự nghiệp cứu nước. Nếu chiến tranh nhân dân là vũ khí giành chiến thắng thì kinh tế tư nhân là vũ khí để có nền kinh tế tự chủ. Trong sự ổn định và phát triển của nền kinh tế Việt Nam thời gian qua, cũng có công trạng của những doanh nhân dũng cảm, kiên cường. Và nói về mô hình kinh tế của nước ta, đường ray là kinh tế thị trường, tay lái là Nhà nước XHCN, còn động cơ máy thì là kinh tế tư nhân.
Sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam. Nguồn: Tổng cục Thống kê |
Khu vực kinh tế tư nhân là ngôi sao hy vọng của nền kinh tế. Nếu muốn có nền kinh tế độc lập, tự chủ và bền vững thì kinh tế tư nhân phải đóng vai trò rường cột và cần sự điều chỉnh chiến lược và phát triển kinh tế tư nhân. Cần phải có chính sách thúc đẩy, phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn của Việt Nam như Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra. Đây sẽ là lực lượng có vai trò dẫn dắt nền kinh tế này. Đồng thời cần chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, thúc đẩy chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, muốn doanh nghiệp tư nhân phát triển cạnh tranh thì cơ sở hạ tầng phải phát triển hoàn thiện và với chi phí thấp, đặc biệt là giáo dục đào tạo. Muốn có một đội ngũ doanh nhân chuyển đổi sang cơ cấu có hiệu quả hơn thì lao động phải có trình độ cao hơn. Cần đổi mới giáo dục, đào tạo để tạo ra lực lượng lao động có trình độ cao. Đó là nguồn lực quan trọng nhất để các doanh nghiệp tư nhân phát triển. Chúng ta nói mãi nhưng chưa làm, chúng ta nói nhiều tới đột phá nhưng phải đột phá trong 3 khâu và thật sự chúng ta vẫn chưa làm được đột phá để kinh tế tư nhân có sức cạnh tranh và phát triển xã hội.
Để phát triển vững mạnh kinh tế tư nhân cần thể chế. Thể chế công khai, minh bạch thì nó là bầu khí quyển cho đội ngũ doanh nhân phát triển lành mạnh. Muốn biết cuộc xây dựng đất nước, đưa đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu thành hay bại hãy nhìn vào thái độ của chính quyền với doanh dân. Thể chế nào doanh nhân đó. Thể chế minh bạch, công bằng, công chức tận tâm với doanh nghiệp thì ta sẽ có đội ngũ doanh nhân lành mạnh, phát triển. Chúng ta còn nhiều việc phải làm, như thể chế, pháp luật chưa đủ sáng tạo, chưa đủ sức bảo vệ cho doanh nghiệp làm ăn chân chính…
Và lúc này, trong bối cảnh dịch Covid-19 như hiện nay, phải cố gắng ngăn chặn dịch nhưng đồng thời cũng cần tạo cơ hội để hỗ trợ cho doanh nhiệp. Cần tận dụng những cơ hội để mở cửa thị trường mặc dù thị trường phức tạp khó lường do dịch bệnh. Biết là làm rất khó nhưng phải làm để thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Suy cho cùng suy giảm kinh tế, suy giảm sức đề kháng, suy giảm doanh nghiệp cũng là một vấn đề quan trọng không kém dịch bệnh mà Chính phủ cần quan tâm.
Các doanh nghiệp tư nhân trong nước hiện sử dụng hơn 8,8 triệu lao động; nếu tính cả số việc làm tạo ra bởi 5,15 triệu hộ kinh doanh phi nông nghiệp ở mức 8,7 triệu người, và 20,5 triệu lao động trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản thì khu vực kinh tế tư nhân đang sử dụng 36,9 triệu lao động, chiếm 66% lực lượng lao động. Tỷ trọng của khu vực DNNN giảm từ 15,67% năm 2015 xuống còn 10,64% năm 2019; doanh nghiệp FDI giảm nhẹ từ 13,81% xuống còn 13,55%, nhưng khu vực doanh nghiệp tư nhân tăng từ 12,70% lên 15,36%. Xu hướng tốc độ tăng trưởng GDP của khu vực này có chiều hướng đi lên và trong hai năm 2018-2019, tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP cả nước lần lượt là 7,3% và 8,9%. |