Kinh tế tư nhân trong tiến trình xây dựng kinh tế độc lập, tự chủ
Vai trò không thể phủ nhận
Theo các chuyên gia, vai trò của cộng đồng DN trong xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ đều rất quan trọng. “Muốn xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ thì chắc chắn cần có khu vực DN trong nước lớn mạnh. Trong đó, cùng với DNNN thì vai trò của khu vực DN tư nhân cũng không thể phủ nhận. Đây là vấn đề đã tường minh không có gì để bàn cãi, quan trọng là làm thế nào để các khu vực DN trong nước mạnh lên”, TS. Lê Duy Bình - Giám đốc Economica Việt Nam nhận định.
Báo cáo Nghiên cứu Đánh giá Khu vực KTTN Việt Nam (CPSD) do IFC và WB thực hiện cho thấy, trong hơn 2 thập kỷ qua, khu vực KTTN đã đóng vai trò tiên phong trong sự phát triển vượt bậc của kinh tế Việt Nam. “Từ thúc đẩy đầu tư đến tạo công ăn việc làm và tăng trưởng, khu vực KTTN đã góp phần đưa Việt Nam gia nhập hàng ngũ các nền kinh tế có thu nhập trung bình chỉ sau một thế hệ. Tăng trưởng bền vững trong tương lai sẽ phụ thuộc vào việc chuyển dịch sang đầu tư tư nhân gắn với hiệu quả, đổi mới sáng tạo, và tăng năng suất”, báo cáo CPSD nhận định.
Khu vực KTTN đã góp phần đưa Việt Nam gia nhập hàng ngũ các nền kinh tế có thu nhập trung bình |
KTTN hiện có tỷ trọng đóng góp khoảng 40% GDP; 30% thu ngân sách nhà nước và thu hút trên 80% lực lượng lao động cả nước. Trong tổng số hơn 800.000 DN đang hoạt động, DN tư nhân chiếm khoảng 98%. Một số DN tư nhân đã có giá trị vốn hóa trên thị trường chứng khoán vượt con số 1 tỷ USD, quy mô đạt tầm quốc tế và bắt đầu có ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu; nhiều lĩnh vực mà trước đây tưởng chừng các DN tư nhân không bao giờ “chạm” tới được thì nay họ đã rất thành công và có tầm ảnh hưởng lớn như trong ngành thép, hàng không, ô tô, ngân hàng, cơ sở hạ tầng… Tuy nhiên theo TS. Lê Duy Bình, đó chỉ là những mảnh sáng hiếm hoi, bởi thực tế tuyệt đại đa số các DN tư nhân vẫn là các DN có quy mô nhỏ và siêu nhỏ; chất lượng và năng suất việc làm chưa cao; vai trò của khu vực KTTN trong hoạt động ngoại thương vẫn khá mờ nhạt trong khi Việt Nam là nền kinh tế vẫn đang dựa rất nhiều vào động lực xuất, nhập khẩu.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, tính chất độc lập, tự chủ của nền kinh tế còn thể hiện ở các khía cạnh khác như khả năng làm chủ về khoa học công nghệ, các phương thức sản xuất mới mà với đa số các DN tư nhân thì điều này còn khá xa trong tương quan với các DN có vốn đầu tư nước ngoài hay so với mặt bằng chung của các nước trong khu vực. “Rất nhiều DN tư nhân hiện nay có quy mô chỉ 10 lao động, vốn chỉ vài tỷ đồng mà như thế thì rất khó kỳ vọng DN đầu tư được vào công nghệ, áp dụng các phương thức sản xuất mới, và cũng vì thế nên rất nhiều DN chỉ làm ở các lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ nhỏ lẻ, có giá trị gia tăng rất thấp. Nên tuy số lượng DN gia tăng nhanh nhưng chúng ta cũng chưa nhìn thấy trên diện rộng những hiệu ứng mang tính đột phá về khoa học công nghệ, sáng tạo trong sản xuất kinh doanh”, chuyên gia này nêu thực tại.
Cần lớn và lớn hơn nữa
Vì lẽ đó nên theo TS. Lê Duy Bình, về mục tiêu, bên cạnh số lượng DN thì cần có được nhiều hơn các DN cỡ vừa và cỡ lớn so với hiện nay. Bởi chỉ khi đạt được đến “cỡ” nào đó thì DN mới có thể đầu tư được cho khoa học - công nghệ, tăng khả năng tham gia vào các chuỗi giá trị, cải thiện được năng lực xuất khẩu và giảm được chi phí nhờ quy mô… Bên cạnh đó, cần tiếp tục duy trì và đẩy mạnh hơn các cải cách môi trường đầu tư kinh doanh để các DN, chủ DN thấy tự tin, dám mạo hiểm, sáng tạo, đầu tư vốn ở mức cao và bài bản hơn… cho các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Cùng với đó, cần những đổi mới hơn nữa trong các chính sách để khuyến khích tư nhân tiếp tục đầu tư vào các lĩnh vực mà nền kinh tế cần và bảo vệ những khoản đầu tư đó; đảm bảo định hướng cho những đầu tư đó đúng hướng thông qua môi trường pháp lý minh bạch. Và một điều rất quan trọng khác là cần có các chính sách, giải pháp để kết nối được giữa các DN tư nhân, các DN có vốn đầu tư nước ngoài và các DNNN để có được giá trị gia tăng nhiều hơn cũng như tạo được sức mạnh kinh tế tổng thể. Thêm “chân kiềng” tư nhân phát triển vững chắc, tất yếu tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế theo đó cũng sẽ được nâng lên.
Kế thừa các đại hội trước đây, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục làm rõ và sâu sắc hơn nhiều vấn đề mới về phát triển KTTN. Trong đó khẳng định, phát triển mạnh mẽ khu vực KTTN cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, “thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế. Xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển KTTN”.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mới đây nhấn mạnh, trong xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ thì phải phát triển các DN, cả DNNN và tư nhân; đồng thời nhắc lại quan điểm không phân biệt đối xử KTTN, cả trong ý thức, hành động và trong xây dựng cơ chế, chính sách. Để KTTN tiếp tục phát triển, Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương tiếp tục triển khai nghiêm túc đường lối của Đảng về phát triển KTTN, thể chế hóa thành pháp luật của Nhà nước để phát triển KTTN trở thành động lực quan trọng.
Phát huy tối đa năng lực, phẩm chất, trí tuệ con người Việt Nam trong khu vực KTTN. Xây dựng và phát huy văn hóa kinh doanh lành mạnh, trong sáng, văn minh, chuyên nghiệp, bình đẳng, đề cao tiến bộ công bằng xã hội, đặt lợi ích của dân tộc, đất nước lên trên hết, trước hết; đồng thời bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân, DN. Đẩy mạnh hợp tác công tư, huy động các nguồn lực phát triển đất nước, nhất là thu hút nguồn lực tư nhân vào đổi mới khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức. Thủ tướng mong muốn các DN cần mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo, đồng thời phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong khối KTTN; mong muốn các nhà quản lý, nhà khoa học cần tiếp tục nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn để phát triển KTTN trong thời gian tới.