Kinh tế tuần hoàn: Chỉ thành công khi chính sách chuyển thành hành động
Thúc đẩy chuyển đổi kinh tế tuần hoàn ở địa phương Kinh tế tuần hoàn và những mô hình tiên phong Phát huy đồng bộ, tổng lực các mô hình kinh tế mới |
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam 2023 ngày 16/11, bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, khẳng định việc xây dựng một thế giới bền vững, bao trùm và thịnh vượng vào năm 2030 không chỉ hoàn toàn khả thi mà còn rất cần thiết.
Cần phải có hành lang pháp lý cho việc hình thành, phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn gắn với các thành phần trong nền kinh tế |
“Việt Nam có thể dẫn dắt cũng như định hướng con đường phát triển này, trên cơ sở thúc đẩy chuyển dịch sang một nền kinh tế carbon thấp và kinh tế tuần hoàn nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt thông qua đầu tư vào 3 nhóm vấn đề chiến lược: Thiết kế sản phẩm tốt hơn, thúc đẩy chuyển đổi số và nâng cao vốn con người”, bà Ramla Khalidi nói.
Kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế hướng tới sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, tái chế chất thải, vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa đem lại hiệu quả kinh tế. Trên phạm vi toàn cầu, ngày càng có nhiều quốc gia coi đây là một trong những giải pháp “xanh” để nền kinh tế phát triển bền vững.
Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh, phát triển kinh tế tuần hoàn không chỉ là tái sử dụng chất thải, coi chất thải là tài nguyên mà còn là sự kết nối giữa các hoạt động kinh tế một cách có tính toán từ trước, tạo thành các vòng tuần hoàn trong nền kinh tế. Kinh tế tuần hoàn có thể giữ cho dòng vật chất được sử dụng lâu nhất có thể, khôi phục và tái tạo các sản phẩm, vật liệu ở cuối mỗi vòng sản xuất hay tiêu dùng.
“Phát triển kinh tế tuần hoàn là giải pháp trọng tâm để đổi mới mô hình, nâng cao chất lượng tăng trưởng, cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia, bảo đảm sản xuất và tiêu dùng bền vững, góp phần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa kinh tế với môi trường”, theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân.
Trong thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn và gửi lấy ý kiến rộng rãi các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp. Dự thảo đã xác định 5 quan điểm chính, mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể từ nay đến 2025, đến 2030 cho thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam để thúc đẩy tiến trình chuyển dịch mô hình kinh tế theo hướng bền vững, đưa chất thải thành tài nguyên, trung hòa carbon và phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Theo đó, đã đề xuất áp dụng 16 chỉ tiêu đánh giá việc thực hiện kinh tế tuần hoàn ở cấp độ quốc gia; xác định 5 chủ đề, 17 nhóm nhiệm vụ, hoạt động và 56 nhiệm vụ, hoạt động cụ thể. Đồng thời, đề xuất 35 nhóm vật liệu, sản phẩm, chất thải và dịch vụ thuộc 9 nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên thực hiện kinh tế tuần hoàn phân theo lộ trình đến năm 2030; xác định các nội dung về định hướng triển khai và tổ chức thực hiện.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh, kinh tế tuần hoàn chỉ có thể thành hiện thực khi có sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế trong việc chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và đề xuất khuyến nghị cho Việt Nam là rất quan trọng. Thứ trưởng cũng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cùng tham gia tích cực, đóng góp trách nhiệm để hiện thực hóa các sáng kiến kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp, góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững đến 2030.
Tham dự và phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao chủ đề “Xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn” của diễn đàn năm nay. Phó Thủ tướng lưu ý, không thể bàn mãi về lý thuyết và nếu không có mục tiêu rõ ràng thì không thể thực hiện kinh tế tuần hoàn.
“Chúng ta cần phải có một hành lang pháp lý cho việc hình thành, phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn gắn với trách nhiệm của các thành phần trong nền kinh tế. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, doanh nghiệp là động lực trung tâm, các tổ chức và từng người dân tham gia thực hiện. Những chính sách cụ thể sẽ là bệ đỡ, bệ phóng cho các doanh nghiệp, khu công nghiệp thực hành kinh doanh tuần hoàn một cách hiệu quả nhất”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.