Kinh tế Việt Nam: Ngôi sao tăng trưởng
Kinh tế Việt Nam 2024: Kết quả tích cực nhưng vẫn nhiều thách thức VEPR dự báo tăng trưởng năm 2024 trong khoảng 6,84% đến 7% |
“Nửa của nửa” đang tốt hơn kỳ vọng
Trong hầu hết các dự báo cập nhật mới nhất, các tổ chức định chế tài chính quốc tế đều nâng tăng trưởng kinh tế năm 2024 so với trước đó, đồng thời nhận định tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay tiếp tục nằm trong nhóm cao hàng đầu khu vực. Trong đó, WB tại báo cáo Điểm lại tháng 8 dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay đạt 6,1% (tăng 0,6% so với dự báo đưa ra vào tháng 6/2024); Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại “Báo cáo quốc gia của IMF số 24/306 - Tham vấn Điều IV với Việt Nam tháng 9/2024” cũng dự báo đạt 6,1% (tăng 0,3% so với mức 5,8% trước đó); HSBC, trong báo cáo Asian Economics Quarterly tháng 9/2024 dự báo mức 6,5% (tăng 0,5% so với mức 6% đưa ra trong nửa đầu năm 2024)…
Các dự báo tăng trưởng tuy được điều chỉnh tăng, song về cơ bản chỉ quanh mức 6% như trên được các tổ chức định chế tài chính quốc tế lý giải nguyên nhân chủ yếu là kỳ vọng tăng trưởng xuất khẩu sẽ chững lại trong nửa cuối năm 2024 do nhu cầu trên toàn cầu, nhất là tại Hoa Kỳ, dự kiến sẽ chậm lại, kéo theo tăng trưởng kinh tế cũng sẽ chậm lại trong nửa cuối năm so với nửa đầu năm.
Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2024 ngày 7/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, cấp thiết thời gian tới để phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP quý IV từ 7,5-8%, cả năm 2024 khoảng trên 7%, tạo đà cho năm 2025. Trong đó, yêu cầu điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách vĩ mô khác; tập trung đẩy mạnh, tạo đột phá giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân ít nhất 95%; cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh… |
Mặc dù vậy, khi nhìn vào nửa cuối năm 2024 và từ thực tế nền kinh tế đã đi được “nửa của nửa” cuối chặng đường, tất cả các chỉ số dữ liệu kinh tế đang tốt hơn rất nhiều các kỳ vọng trước đó. Nổi trội là dữ liệu tăng trưởng GDP, với tốc độ tăng quý III đạt 7,4%. Điều này không cho thấy sự chậm lại như các dự báo đã nêu, thậm chí cao hơn hẳn so với kỳ vọng của thị trường (ví dụ HSBC dự báo tăng trưởng ở mức 6,2%; Bloomberg dự báo 6,1%... trong quý III vừa qua). Con số tăng trưởng 7,4% ở trên đáng lẽ còn cao hơn nếu nền kinh tế không chịu những thiệt hại rất lớn, đặc biệt là khu vực nông nghiệp do thiên tai (nhất là siêu bão Yagi) vừa qua.
“Chúng tôi tin rằng những khả năng tích cực tiềm tàng có thể bù đắp cho tổn thất kinh tế tạm thời do siêu bão Yagi gây ra. Tựu trung lại, chúng tôi vẫn giữ dự báo tăng trưởng GDP cho cả năm 2024 và 2025 ở mức 6,5%”, báo cáo Asian Economics Quarterly của Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC vừa phát hành nhận định. Đáng lưu ý hơn là tại báo cáo Vietnam at a glance tháng 10 của HSBC phát hành chỉ ít ngày sau đó đã ghi nhận “kết quả xuất sắc” mà kinh tế Việt Nam đạt được trong quý III, nhấn mạnh “rõ ràng Việt Nam đã trở lại là ngôi sao tăng trưởng của ASEAN”, đồng thời một lần nữa điều chỉnh lại dự báo cho năm nay.
“Với diễn biến bất ngờ tích cực trong quý III, chúng tôi nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 lên 7,0% từ mức dự báo trước đó là 6,5%, còn dự báo tăng trưởng GDP cho năm 2025 vẫn giữ nguyên ở mức 6,5%”, báo cáo này cho biết.
Mức tăng trưởng 7% cũng là mức mà Chính phủ và toàn hệ thống đang nỗ lực phấn đấu để đạt được trong năm nay. Với thực tế tăng trưởng GDP 9 tháng đã đạt 6,82%, các tính toán của chuyên gia HSBC và Tổng cục Thống kê cho thấy, để tăng trưởng cả năm đạt 7% thì quý IV cần tăng trưởng khoảng 7,4 - 7,5%. Đây là mức tăng hoàn toàn khả thi nếu khi nhìn vào các động lực phục hồi trên diện rộng đã có, nhất là trong quý III vừa qua.
Nếu đạt được mức tăng trưởng 7% năm nay, có thể nói nền kinh tế đã quay trở lại được mức tăng trưởng tiềm năng mà rất nhiều chuyên gia và nghiên cứu đã chỉ ra trước đây. Bởi theo ghi nhận của IMF, trong hai thập kỷ qua, Việt Nam đã trải qua tốc độ tăng trưởng cao. GDP thực tế tăng trưởng trung bình 6,7%/năm trong giai đoạn 2000 - 2019 (giai đoạn trước Covid-19). Như vậy, với việc trở lại được mức tăng trưởng tiềm năng là rất tích cực trong bối cảnh vẫn đang tiềm ẩn những rủi ro suy thoái kinh tế ở một số nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Xuất nhập khẩu được dự báo sẽ chậm lại |
Khả thi song không mặc nhiên sẽ đạt được
Trong ngắn hạn, dù con số tăng trưởng khoảng 7,5% trong quý IV này là khả thi, song không có nghĩa là mặc nhiên sẽ đạt được. Các động lực tăng trưởng liên quan đến sản xuất công nghiệp và thương mại dù vẫn trên đà mở rộng, cải thiện tích cực, song cũng có thể nhanh chóng chịu tác động tiêu cực nếu các thị trường bên ngoài xảy ra các cú sốc lớn, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn đang trong một giai đoạn rất bất định hiện nay, đặc biệt do căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông tiếp tục ở mức cao, giá năng lượng (dầu mỏ) và hàng hóa cơ bản có xu hướng tăng nhanh trở lại, chuỗi sản xuất cung ứng, logistics… vẫn đối mặt với nguy cơ gián đoạn, khiến triển vọng hồi phục của thương mại toàn cầu không chắc chắn.
Trở lại với nhận định của các chuyên gia, tổ chức quốc tế cho rằng tăng trưởng xuất khẩu sẽ chững lại trong nửa cuối năm 2024, điều này đã đúng phần nào từ thực tế gần đây. Đơn cử tháng 9 vừa qua, đà tăng của kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đã chững lại (lần lượt chỉ tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước và đã giảm 8% so với tháng trước, trong đó riêng kim ngạch xuất khẩu tháng 9 đã giảm 9,9% so với tháng trước). Điều đó cũng cho thấy, giai đoạn 1/4 chặng đường còn lại của năm 2024 vẫn hàm chứa nhiều rủi ro, thách thức. Với một nền kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như Việt Nam, điều đó đòi hỏi không chỉ quyết tâm chủ quan mà cả nỗ lực tận dụng tốt các cơ hội và một chút “may mắn” khi kỳ vọng sẽ không có những “cơn gió ngược” quá lớn từ môi trường bên ngoài, đặc biệt với thương mại.
Các tổ chức nhận định, hiện dư địa cho việc nới lỏng chính sách tiền tệ đã trở nên hạn hẹp, trong khi không gian tài khóa còn khá lớn. Do đó, IMF khuyến nghị chính sách tài khóa nên đi đầu trong việc hỗ trợ hoạt động kinh tế, đặc biệt là qua việc đẩy nhanh đầu tư công, nhấn mạnh đây là giải pháp hiệu quả nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh hiện tại, song cần phải giải quyết các nút thắt trong quá trình thực hiện.
Bên cạnh đó về trung và dài hạn, IMF khuyến khích Việt Nam tiếp tục theo đuổi các cải cách cơ cấu và cải cách các chính sách về biến đổi khí hậu để đạt được tăng trưởng bền vững, xanh và toàn diện. Việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế có thu nhập trung bình cao sẽ đòi hỏi các nỗ lực hơn để cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường cơ sở hạ tầng quan trọng và đầu tư vào nguồn nhân lực.