Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%
Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% |
Ông Võ Minh Tuấn, Giám đốc NHNN TP. Hồ Chí Minh: Triển khai tích cực trách nhiệm, hiệu quả gói hỗ trợ lãi suất
Ngay sau khi ban hành Thông tư 03/2022/TT-NHNN và Chỉ thị số 03/CT-NHNN, công tác nghiên cứu văn bản và triển khai gói hỗ trợ lãi suất trên địa bàn đã được thực hiện. Theo đó, Chi nhánh đã tổ chức quán triệt hai văn bản này cũng như tham khảo thêm các văn bản giải đáp, hướng dẫn của NHNN. Trên cơ sở đó ngày 31/5, NHNN TP. Hồ Chí Minh đã ban hành chương trình hành động để triển khai gói hỗ trợ, xác định mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ và giải pháp trong nội bộ Chi nhánh cũng như các ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn.
Về công tác truyền thông, đơn vị xác định có 3 nhóm đối tượng hướng đến là nhóm NHTM trên địa bàn với 3 văn bản chỉ đạo các NHTM xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn nội bộ, truyền thông đến khách hàng để nắm thông tin, sớm tiếp cận chính sách, nếu có vướng mắc thì báo cáo để được giải đáp; hiệp hội doanh nghiệp, các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện với 4 công văn, tham gia giải đáp các vấn đề vướng mắc của doanh nghiệp qua đường dây nóng, thư điện tử, tham gia các chương trình đối thoại...; báo cáo công tác triển khai trên địa bàn đối với Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND TP. Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, trong tháng này Chi nhánh đã tổ chức đoàn khảo sát tình hình triển khai Thông tư 03/2022/TT-NHNN và Chỉ thị số 03/CT-NHNN do một đồng chí Phó Giám đốc Chi nhánh làm trưởng đoàn. Kết quả khảo sát cho thấy, các NHTM trên địa bàn đều tích cực xây dựng quy trình, công văn triển khai nội bộ, phần mềm quản lý, tập huấn đào tạo trực tuyến đến các bộ phận có liên quan. Các ngân hàng đã tích cực, chủ động rà soát các khách hàng trong hệ thống để tư vấn hồ sơ; ban hành các tờ rơi, truyền thông, quảng bá chính sách đến khách hàng thông qua đội ngũ tiếp thị và các kênh truyền thông. Hơn 10 đơn vị là chi nhánh của các NHTM trên địa bàn.
Qua giám sát và trao đổi với các NHTM trên địa bàn, ngành Ngân hàng đã trách nhiệm, quyết liệt triển khai Thông tư 03/2022/TT-NHNN và Chỉ thị số 03/CT-NHNN dù rằng vẫn còn những vướng mắc nhưng để triển khai theo đúng tinh thần chỉ đạo, NHNN Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục có những hướng dẫn, giải đáp để tiếp tục triển khai tích cực, trách nhiệm, hiệu quả gói hỗ trợ lãi suất trên địa bàn.
Ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng giám đốc Agribank: Số lượng khách hàng thực tế đáp ứng đủ điều kiện được hỗ trợ lãi suất còn hạn chế
Tính đến thời điểm hiện tại, dư nợ được hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP đạt khoảng 1.700 tỷ đồng, doanh số cho vay khoảng 1.900 tỷ đồng với 361 khách hàng, số tiền lãi hỗ trợ cho khách hàng là 1,5 tỷ đồng. Dự kiến trong tháng 9, Agribank sẽ thực hiện hỗ trợ lãi suất cho khách hàng với dư nợ lũy kế được hỗ trợ là 8.500 tỷ đồng, số tiền lãi hỗ trợ khoảng 15 tỷ đồng và đến hết năm 2022 số tiền hỗ trợ lãi suất sẽ đạt khoảng 1.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, số lượng khách hàng thực tế đáp ứng đủ điều kiện được hỗ trợ lãi suất còn hạn chế vì nhiều hợp đồng tín dụng đã ký kết với khách hàng trước thời điểm 01/01/2022 không đủ điều kiện để được hỗ trợ; có đối tượng khách hàng là hộ kinh doanh không có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; khách hàng cá nhân vay vốn dưới 300 triệu đồng có ngành nghề được hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31 tại Agribank chiếm khoảng 40%-50%/dư nợ khách hàng cá nhân không được hỗ trợ theo quy định.
Mặt khác, ngân hàng cũng gặp vướng mắc liên quan đến hồ sơ, chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn vay, gây khó khăn, e ngại cho ngân hàng và khách hàng khi chứng minh mục đích sử dụng vốn với cơ quan thanh tra, kiểm toán; một số hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng trong thực tế vừa có sự tương đồng nhưng cũng có sự khác biệt với các ngành nghề/lĩnh vực được quy định và không thể tách bạch...
Ông Nguyễn Trần Mạnh Trung, Phó Tổng giám đốc VietinBank: Khó bóc tách lĩnh vực được nhận hỗ trợ lãi suất
Nhiều doanh nghiệp vay vốn ngân hàng kinh doanh đa ngành nghề nên việc bóc tách lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất cũng như chứng từ chứng minh đồng vốn vay được sử dụng cho lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất là rất khó. Ngoài ra, Khoản 4, Điều 3 của Nghị định 31 và Thông tư 03/2022 của NHNN hiện không có hướng dẫn cụ thể về xác định khả năng phục hồi của khách hàng trong bối cảnh thời gian hỗ trợ rất dài, dễ dẫn tới mỗi ngân hàng có một cách áp dụng khác nhau.
Tiêu chí xác định khả năng phục hồi do các ngân hàng thương mại đặt ra không thống nhất, dễ dẫn tới sự không đồng thuận từ phía thanh tra, không được quyết toán chi phí hỗ trợ. Ngoài ra, rủi ro khách hàng phát sinh nợ xấu trong quá trình hỗ trợ lãi suất cũng có thể khiến cơ quan thanh tra, kiểm toán không đồng thuận với kiến nghị quyết toán chi phí của ngân hàng.
Với nhóm khách hàng là doanh nghiệp lớn, có nhiều ý kiến lo ngại quá trình thanh tra, kiểm toán chi phí hỗ trợ kéo dài 3-4 tháng, ảnh hưởng tới hoạt động hàng ngày của doanh nghiệp, dù bản thân họ có nguồn lực tốt và hoạt động kinh doanh vẫn phát sinh lợi nhuận.
Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank: Nhiều khách hàng hộ kinh doanh không có đăng ký kinh doanh
Việc triển khai gói hỗ trợ là nhiệm vụ chính trị quan trọng được ngân hàng quán triệt nghiêm túc. Đến nay, chi nhánh của ngân hàng đã tiếp cận được gần 500 khách hàng, số khách hàng chính thức gửi hồ sơ hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất là gần 30 khách hàng và hỗ trợ được 3 khách hàng. Tuy nhiên trong quá trình triển khai cũng có những vướng mắc nhất định.
Ngân hàng khó có thể hỗ trợ đối tượng khách hàng là hộ kinh doanh dù rất đông do nhiều khách hàng không có đăng ký kinh doanh. Ngoài ra, quy định tại Luật Dân sự chỉ cho phép pháp nhân và cá nhân được vay vốn, không có hộ kinh doanh. Điều này khiến ngân hàng lo ngại việc phải thu hồi lại số tiền đã hỗ trợ khách hàng khi cơ quan thanh tra, kiểm toán yêu cầu, trong khi việc thu hồi dự kiến gặp nhiều khó khăn do không có chế tài cụ thể.
Ngoài ra, một số khách hàng lo ngại số tiền hỗ trợ lãi suất không nhiều. Còn các thủ tục xin hỗ trợ, hồ sơ thanh quyết toán lại chặt chẽ và phức tạp. Khả năng trục lợi chính sách là không có vì số lượng khách hàng quan tâm rất ít do thủ tục khó khăn, lấy được tiền còn khó hơn. Bản thân khách hàng cũng ngại thanh tra, kiểm toán.
Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ tài chính - ngân hàng (Bộ Tài Chính): Cam kết cấp kinh phí theo đúng quy định và kịp thời
Nội dung về bố trí nguồn và quy trình thủ tục quyết toán hồ sơ đã được quy định rõ trong các văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tài chính đề nghị các ngân hàng triển khai phải lưu ý.
Về nguồn vốn thực hiện chương trình này cơ bản được bố trí. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì cùng phối hợp với NHNN, chính thức trình Quốc hội thông báo cụ thể sau đó Chính phủ triển khai. Bộ Tài chính cam kết khi nguồn được bố trí trong kế hoạch đầu tư công sẽ thực hiện cấp kinh phí theo đúng quy định và kịp thời cho các ngân hàng có nguồn lực triển khai chương trình này. Ngay sau khi có đề xuất cấp kinh phí của các ngân hàng đến NHNN, NHNN đề xuất đến Bộ Tài chính, Bộ sẽ tạm cấp ngay 85% số tiền NHTM đã hỗ trợ khách hàng, phần còn lại sẽ được quyết toán trong cuối năm nên NHTM không lo không có nguồn kinh phí.
Khâu quyết toán là quan trọng, các NHTM quan ngại, trong thời gian tới chúng tôi sẽ phối hợp NHNN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để có giải đáp thống nhất. Nếu không thống nhất, mỗi người hiểu cách khác nhau, kiểm toán thực hiện và Bộ Tài chính là đơn vị kiểm tra cuối cùng để chi ngân sách cũng gặp khó khăn. Do đó, từ đầu chúng ta phải thực hiện rõ ràng, hồ sơ giấy tờ thủ tục rõ ràng để khi quyết toán chỉ cộng trừ con số thôi.
Bà Hà Thị Mỹ Dung, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước: Chưa tổ chức kiểm toán chương trình hỗ trợ lãi suất 2%
Với nội dung trong Nghị định hướng dẫn khiến các NHTM e ngại, Kiểm toán Nhà nước hoàn toàn chia sẻ. Theo Kiểm toán Nhà nước, NHNN cần có phối hợp các Bộ, ngành có liên quan để có những quy định cụ thể hơn, có định lượng trong quá trình thực hiện. Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ căn cứ các tiêu chí đã được xây dựng lên, căn cứ vào chuẩn mực quy định của Kiểm toán Nhà nước để thực hiện kiểm toán. Kiểm toán Nhà nước không thể tự xây dựng các chỉ tiêu hay định lượng được.
Hai là, với những nội dung cần thực hiện thấy không thể thực hiện được, Kiểm toán Nhà nước cho rằng cần mạnh dạn báo cáo với các cấp có thẩm quyền sớm. Kiểm toán Nhà nước sẵn sàng tổng hợp ý kiến của các NHTM về các khó khăn vướng mắc, tìm nguyên nhân và đề xuất với các cấp có thẩm quyền.
Thời gian vừa qua, Kiểm toán Nhà nước chưa tổ chức kiểm toán chương trình hỗ trợ lãi suất 2% được vì trên thực tế chưa triển khai được nhiều. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ có công văn đề nghị NHNN, NHTM báo cáo với Kiểm toán Nhà nước để kịp thời có biện pháp hỗ trợ.